Vào mùa đông, bên cạnh việc chăm chỉ dùng kem dưỡng ẩm, bạn cũng cần biết cách tẩy tế bào chết tại nhà để mở đường cho một làn da tươi mới hơn xuất hiện. Nhưng để có kem tẩy tế bào chết tại nhà hoàn hảo, bạn không nên bỏ qua 4 bước cơ bản dưới đây. Tham khảo ngay nhé!
Cách tẩy tế bào chết (hay còn gọi là tẩy da chết) sẽ giúp bạn có một làn da khỏe đẹp, mịn màng, đồng thời giúp da có khả năng thấm hút tốt các loại kem dưỡng. Nhưng nếu bạn không thích sử dụng các loại kem tẩy tế bào chết đang bán trên thị trường, bạn có thể tự mình sáng tạo loại kem tẩy tế bào chết tại nhà theo ý thích bằng các nguyên liệu từ thiên nhiên để bảo vệ làn da khỏi các loại hóa chất.
Để có một sản phẩm hoàn hảo thì dù cho bạn quyết định lựa chọn công thức hay nguyên liệu nào, bạn cũng cần nhớ thực hiện theo 4 bước dưới đây:
Bước 1: Chọn chất làm sạch cho kem tẩy tế bào chết tại nhà
Điều đầu tiên trong việc làm kem tẩy tế bào chết tại nhà mà bạn cần nhớ đó là lựa chọn một nguyên liệu có tác dụng làm sạch phù hợp với loại da của mình.
Nếu bạn thuộc làn da nhạy cảm, hãy thử chọn đường cát vì chúng sẽ không gây kích ứng cho làn da đồng thời còn có tác dụng giữ ẩm rất tốt. Còn nếu bạn có làn da hơi dày, nhiều vết chai hoặc da bạn thường bị bong ra từng mãn trắng, bạn đừng quên tìm đến bột hạnh nhân.
Bước 2: Trộn dầu thực vật vào chất làm sạch
Sau khi lựa chọn được chất làm sạch phù hợp, hãy cho một ít dầu có nguồn gốc từ thực vật vào chất làm sạch và trộn đều trong một lọ thủy tinh. Bạn có thể sử dụng bất kỳ loại dầu thực vật nào mà bạn yêu thích như dầu oliu, hạnh nhân, mè, bơ, hạt nho, jojoba, hoặc dầu cây rum… các loại dầu này có tác dụng giúp da bạn giữ ẩm tốt hơn vào mùa đông.
Lưu ý: Bạn nhớ chỉ cho từ từ dầu vào chất làm sạch thôi nhé, mỗi lần một muỗng cà phê cho đến khi hỗn hợp sệt lại, hãy trộn đều hỗn hợp sau mỗi lần thêm dầu vào.
Thông thường bạn sẽ cần dùng khoảng ¼ chén dầu thực vật để tạo độ sánh cho kem tẩy tế bào chết tại nhà, tuy nhiên nếu bạn lựa chọn các loại ngũ cốc như bột yến mạch hoặc hạt hạnh nhân nghiền nhuyễn để làm chất làm sạch, bạn nên thêm vào 1 muỗng dầu thực vật nữa bởi vì so với muối và đường, các loại ngũ cốc này thường ít thấm dầu hơn.
Bước 3: Thêm tinh dầu nếu thích
Nếu muốn bạn cũng có thể cho thêm một ít tinh dầu vào. Cần khuấy thật kỹ để các hỗn hợp thật sự hòa quyện được với nhau. Khi lựa chọn tinh dầu, tốt hơn hết hãy sử dụng loại tinh dầu phù hợp với làn da của bạn hoặc các loại tinh dầu có tinh chất làm sạch như oải hương hay hoa hồng.
Bước 4: Bảo quản kem tẩy tế bào chết
Cuối cùng, sau khi đã hoàn thành xong sản phẩm, nhiều bạn thắc mắc không biết nên bảo quản loại kem tẩy tế bào chết tại nhà này như thế nào. Tuy nhiên, cách bảo quản hết sức đơn giản, chỉ cần cho sản phẩm vào bình và đậy nắp lại cho kín, để nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời là được, lúc nào cần sử dụng thì lấy ra một ít để dùng.
Lưu ý: Mọi dụng cụ sử đụng đều phải được làm sạch, tiệt trùng và để khô trước khi sử dụng. Bạn nên rửa tay thật sạch trước khi làm. Nếu muốn bảo quản kem lâu, bạn có thể dùng găng tay y tế tiệt trùng trong quá trình pha trộn.