Mẹ không hoàn hảo

8 thói quen tốt giúp cải thiện chứng đãng trí

Bệnh đãng trí, hay quên vẫn được coi là bệnh của người già, thế nhưng ngày nay tình trạng này còn gặp phải ở những người trung niên, thậm chí còn bắt gặp ở thanh thiếu niên nữa. Đừng chần chờ, hãy thay đổi thói quen để cải thiện chứng đãng trí của mình ngay nào!

1. Tạo thói quen để đồ đạt đúng vị trí

Nếu bạn thường xuyên phải mất thời gian để tìm kiếm những thứ nhỏ nhặt như chìa khóa, mắt kính, sổ tay, điện thoại di động, vậy tại sao không thử sắp xếp và đặt chúng ở một chỗ cố định?

Việc thiết lập các thói quen hàng ngày chẳng hạn như quy định rõ ràng nơi để các đồ vật này sẽ giúp bạn luôn biết phải tìm chúng ở đâu và đỡ mất thời gian tìm kiếm.

Ngoài ra, hãy thử sử dụng lịch để bàn và sổ tay ghi chép như một bộ não thứ hai của bạn vậy. Hành động viết xuống mọi thứ (như những người mà bạn đã gặp trong buổi tiệc tối qua, hoặc tên một quyển sách mà bạn vừa mới nghe thoáng qua) tưởng chừng như đơn giản nhưng thực chất lại giúp củng cố trí nhớ rất nhiều đấy.

2. Luyện tập thể thao thường xuyên

Các nghiên cứu khoa học cho thấy thường xuyên rèn luyện thể chất sẽ giúp chúng ta có một bộ não khỏe mạnh. Năm 2012, các nhà khoa học đã thực hiện một cuộc nghiên cứu trên các sinh viên đại học năm cuối bị suy giảm khả năng nhận thức nhẹ, kết quả cho thấy tình trạng sa sút của các sinh viên này sẽ giảm bớt nếu tích cực rèn luyện thể lực.

Luyện tập thể thao thường xuyên giúp cải thiện chứng đãng trí

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy việc tập aerobic ở người cao tuổi giúp gia tăng kích thước vùng hippocampus (đây một khu vực não đóng vai trò quan trọng đối với trí nhớ, nó rất dễ bị co rút khi về già, đặc biệt là những người mắc Alzheimer) và cải thiện “trí nhớ không gian”.

Ngoài ra, tập thể dục còn  giúp gia tăng lượng máu lên não, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và đột quỵ, giải tỏa căng thẳng, củng cố tinh thần và tăng cường các hoạt chất có lợi cho não bộ.

3. Không hút thuốc lá

Bạn có biết rằng hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, đột quỵ, từ đó dẫn đến đãng trí. Do vậy, nếu bạn có thói quen hút thuốc lá thì hãy bỏ đi ngay nhé.

4. Giải tỏa căng thẳng

Stress quá mức trong một thời gian dài cũng có thể gây tổn hại đến vùng hippocampus ở não do đó làm tình trạng đãng trí của bạn càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Tuy vậy bạn có thể giải tỏa căng thẳng bằng rất nhiều phương pháp khác nhau như tập thể dục, tập yoga, thiền, liệu pháp hương thơm…

5. Ngủ sâu và đủ giấc

Nếu bạn là người thường xuyên bị đãng trí, hoặc mắc bệnh đãng trí, bạn không nên xem nhẹ giấc ngủ bởi vì trí nhớ của chúng ta được hình thành trong lúc ngủ, thêm vào đó thiếu ngủ cũng có khả năng làm suy giảm các chức năng nhận thức.

Một nghiên cứu khoa học được tiến hành trên chuột cho thấy rằng thiếu ngủ sẽ làm tăng hàm lượng amyloid beta trong não (amyloid beta được cho là chất có liên quan đến bệnh Alzheimer). Do vậy, dù bận rộn đến mấy cũng hay tự thiết lập cho mình một thời gian ngủ hợp lý bạn nhé!

Hãy tự thiết lập cho mình thời gian ngủ hợp lý

6. Tích cực hòa nhập với cộng đồng

Đừng tự thu mình một góc là lời khuyên dành cho những bạn thường xuyên mắc chứng đãng trí bởi vì các mối quan hệ xã hội xung quanh có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhiều hơn bạn nghĩ đấy.

Một nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy việc luôn cảm thấy cô đơn (khác với chỉ có một mình) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đãng trí, vì vậy nếu có thể hãy tích cực hòa nhập với cộng đồng bạn nhé.

7. Hãy tận dụng trí thông minh của bạn.

Đọc sách, làm việc, tham dự các khóa học, nghe tin tức, giải ô chữ hoặc chơi một nhạc cụ nào đó. Tất cả những hoạt động này sẽ giúp bạn xây dựng một vốn hiểu biết dự trữ, cũng giống như việc lập tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng vậy.

Một nghiên cứu cho thấy thường xuyên thực hiện các hoạt động trí tuệ sẽ làm chậm lại các triệu chứng Alzheimer.

Đọc sách sẽ làm chậm các triệu chứng Alzheimer

8. Học, học nữa, học mãi.

Hãy dành thời gian để học một ngoại ngữ mới, một môn thể thao, nhảy tango, hoặc chơi một loại nhạc cụ nào đấy mà bạn yêu thích.

Mặc dù càng nhiều tuổi thì tốc độ học tập sẽ kém đi nhưng không có gì là quá trễ cả, mà bạn cũng đâu việc gì phải vội vã,đúng không nào?