Sức khỏe

Ba mẹ cần biết gì về chứng tiểu ra máu ở trẻ em?

Thấy con bị tiểu ra máu, nhiều mẹ hoang mang và lo sợ vì không biết con đang gặp vấn đề gì về sức khoẻ. Vậy mẹ phải làm gì khi con gặp trường hợp này?

Tiểu ra máu là sự hiện diện của các tế bào hồng cầu trong nước tiểu. Nếu tiểu máu có thể nhìn thấy được bằng mắt thường gọi là tiểu máu dạng đại thể, ngược lại, nếu tiểu máu chỉ nhìn thấy được dưới kính hiển vi được gọi là tiểu máu vi thể.

Nguyên nhân của chứng tiểu ra máu ở trẻ em

Các nhà khoa học đã khám phá ra có ít nhất 50 nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng tiểu ra máu ở trẻ em. Trong đó có rất nhiều nguyên nhân (như chảy máu kinh nguyệt, luyện tập thể thao hoặc do bị kích thích niệu đạo) không hề liên quan đến đường tiết niệu.

 

tieu-ra-mau-o-tre-nguyen-nhan-va-trieu-chung-hinh-anh1

Có ít nhất 50 nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng tiểu ra máu ở các bé đấy mẹ ạ!

Một số nguyên nhân gây ra tiểu máu liên quan đến đường tiết niệu như nhiễm trùng đường tiết niệu, trào ngược bàng quang-niệu quản, sỏi thận hoặc sỏi đường tiết niệu, tăng canxi niệu, hẹp khúc nối bể thận-niệu quản (Ureteropelvic Junction Obstruction – UJO), hẹp khúc nối niệu quản-bàng quang (Ureterovesical Junction Obstruction- UPJ), dị dạng mạch máu (Vascular Anomalies), các bệnh lý về thận và bàng quang, có khối u ở bộ phận sinh dục.

Trong một số trường hợp, màu đỏ của nước tiểu không liên quan đến tình trạng  tiểu máu mà có thể là do loại thức ăn mà các bé ăn hay nuốt phải. Củ cải đường, dâu tây, phẩm màu đỏ, phenolphthalein (một loại hóa chất đôi khi được sử dụng trong thuốc nhuận tràng), phenazopyridine (thuốc giảm đau bàng quang), thuốc đặc trị lao (như rifampin) đều có thể làm cho nước tiểu của trẻ nhỏ có màu cam hoặc đỏ.

Nếu mẹ không giải thích được nguyên nhân thay đổi màu sắc nước tiểu của bé thì cách tốt nhất là hãy đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa nhi để được tư vấn nhé.

Tiểu ra máu ở trẻ em có triệu chứng như thế nào?

Khi bị tiểu ra máu đại thể, bé sẽ không có triệu chứng nào khác ngoài việc phát hiện nước tiểu có màu đỏ, hồng hay như màu coca do sự hiện diện của các tế bào hồng cầu. Ngược lại, hầu hết các trường hợp tiểu máu vi thể không hề có biểu hiện triệu chứng rõ rệt mà chỉ được phát hiện ra khi xét nghiệm nước tiểu.

 

tieu-ra-mau-o-tre-nguyen-nhan-va-trieu-chung-hinh-anh2
Nước tiểu của bé sẽ có màu đỏ, hồng hay như màu coca

Tiểu ra máu tự nó không biểu hiện triệu chứng nhưng tác nhân gây ra tiểu máu có thể gây ra triệu chứng. Ví dụ như tiểu ra máu do nhiễm trùng đường tiết niệu thì bé sẽ có triệu chứng đi kèm là tăng số lần đi tiểu hay tiểu buốt.

Nguyên nhân tiểu máu do sỏi tiết niệu sẽ đi kèm với những cơn đau do sự di chuyển của sỏi. Những trường hợp khác như tiểu ra máu do trào ngược bàng quang – niệu quản, tăng canxi niệu, dị dạng mạch máu thận, hẹp khúc nối bể thận- niệu quản, dãn niệu quản hoặc do các khối u có thể sẽ không có triệu chứng biểu hiện cụ thể.

Chẩn đoán chứng tiểu ra máu ở trẻ em như thế nào?

Khi mẹ phát hiện bé có nước tiểu màu đỏ, trước hết hãy bình tĩnh và tìm nguyên nhân gây ra tình trạng này. Đây có thể không phải là một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là khi tình trạng này chỉ xảy ra một lần, tuy nhiên, để chắc chắn hơn thì mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu rõ ràng nhé!

Khi nhận thấy bé đi tiểu ra máu (vi thể hoặc đại thể) bác sĩ sẽ kiểm tra thể chất toàn diện cho bé, hỏi về những triệu chứng, những hoạt động gần đây của bé (ăn uống, thể thao..), bệnh sử gia đình, xét nghiệm nước tiểu để xem vấn đề nào có thể là nguyên nhân gây ra tiểu máu.

Đối với trường hợp bé tiểu ra máu vi thể nhưng không có bất cứ triệu chứng nào khác như đau hay sốt, hoặc không có protein trong nước tiểu, bé cần xét nghiệm nước tiểu thêm vài lần (liên tục trong khoảng vài tháng) để xem có tiếp tục xuất hiện máu trong nước tiểu nữa hay không.

 

tieu-ra-mau-o-tre-cach-chan-doan-va-dieu-tri-hinh-anh1

Khi thấy con bị tiểu ra máu, để chắc chắn mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ nhé

Khi kết quả xét nghiệm nước tiểu cho thấy một dấu hiệu nghiêm trọng nào đó hoặc trong thời gian gần đây bé bị chấn thương thì bác sĩ có thể làm thêm một số xét nghiệm cho bé như cấy nước tiểu, chụp MRI hay CT để kiểm tra đường tiết niệu.

Điều trị chứng đi tiểu ra máu ở trẻ em

Nếu bé chỉ đi tiểu ra máu một lần thì mẹ không cần phải quá lo lắng vì tiểu máu là một triệu chứng chứ không phải là một loại bệnh, do đó việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Do đó, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp dựa vào nguyên nhân gây ra tiểu máu, ví dụ như:

  • Tiểu ra máu do nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Sau 6 tuần điều trị, bé sẽ được tiến hành xét nghiệm nước tiểu lại để đảm bảo trẻ đã khỏi hoàn toàn.

 

tieu-ra-mau-o-tre-cach-chan-doan-va-dieu-tri-hinh-anh2
Nếu bé chỉ đi tiểu ra máu một lần thì mẹ không cần phải quá lo lắng đâu!

 

  • Tiểu ra máu do sỏi tiết niệu sẽ điều trị bằng phương pháp làm tan hoặc phá vỡ những viên sỏi.

Trong nhiều trường hợp, nếu hiện tượng tiểu máu tự biến mất mà không có dấu hiệu tái phát thì bé chỉ cần theo dõi mà không cần phải điều trị.

 




  1. Blood in the urine (hematuria). Đọc thêm tại: <http://www.urologyhealth.org/urology/index.cfm?article=113>. [Ngày 24 tháng 01 năm 2015].
  2. Hematuria: Blood in the Urine. Đọc thêm tại: <http://kidney.niddk.nih.gov/KUDiseases/pubs/hematuria/#what>. [ Ngày 3 tháng 1 năm 2015].
  3. Blood in Urine (Hematuria). Đọc thêm tại:  <http://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/genitourinary-tract/Pages/Blood-in-Urine-Hematuria.aspx>. [ Ngày 24 tháng 01 năm 2015].
  4. Hermaturia. Đọc thêm tại: <http://www.urologyhealth.org/content/moreinfo/hematuria.pdf>. [Ngày 24 tháng 01 năm 2015].
  5. Hematuria in Children. Đọc thêm tại: <http://www.childrenshospital.org/health-topics/conditions/h/hematuria/symptoms-and-causes>. [Ngày 24 tháng 01 năm 2015].
  6. Blood in the urine (hermaturia). Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/medical/kidney/hematuria.html#>. [Ngày 24 tháng 01 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com