Nuôi con

Bí quyết dạy con từ 1-3 tuổi

Bạn đang là ba mẹ của một đứa trẻ ở độ tuổi đi nhà trẻ và bạn không biết cách dạy con từ 1-3 tuổi như thế nào là hợp lý?

Đầu tiên, đối với các bé trong độ tuổi 1-3,  việc cho bé đi nhà trẻ là cách tốt nhất giúp trẻ em phát triển các kỹ năng vận động, ngôn ngữ cũng như các kỹ năng sống.

Thực tế đa số các bé đang độ tuổi đi nhà trẻ đều cảm thấy thú vị với những thay đổi nhỏ trong cuộc sống – chỉ là các bé cần thấy an tâm hơn về mọi thứ xung quanh. Ví dụ, bé luôn có suy nghĩ rằng phòng ngủ của bé vào tối nay sẽ trông giống tối qua, và rằng ngày mai bé sẽ đến đúng nhà trẻ bé đến ngày hôm nay. Sự ổn định thúc đẩy sự tự tin của bé, tăng cường cảm giác khỏe khoắn và khiến bé cảm thấy an toàn và yên tâm.

cach-day-con-tu-1-3-tuoi-hinh-anh1

Bí quyết dạy con từ 1-3 tuổi

Ba mẹ cần nhất quán khi dạy trẻ

Khi nhắc đến kỷ luật ở nhà, bé nắm được các quy định trong gia đình và trông đợi chúng được áp dụng một cách nhất quán. Một khi biết được bạn mong đợi gì ở phép hành xử của bé, bé sẽ cố hết sức để điều chỉnh cho phù hợp, ít nhất cũng là trong hầu hết thời gian.

Nếu các quy định gia đình hoặc kì vọng của bạn về bé thay đổi một cách khó đoán biết được, bé sẽ trở nên bối rối và mất phương hướng. Đó là lý do vì sao sự nhất quán trong việc nuôi dạy trẻ có tính chất quyết định đến sự phát triển tâm lý của bé khi đang ở độ tuổi đi nhà trẻ. Một đứa trẻ được nuôi dạy trong tình trạng không chắc chắn và hay thay đổi dễ cảm thấy bất ổn về mặt cảm xúc.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi thứ đều phải luôn cứng nhắc. Sẽ có những lần khi bạn linh động với các quy định, ví dụ, khi bạn cho phép bé thức khuya như một đãi ngộ đặc biệt, hoặc khi bạn không cho phép bé chơi bên ngoài do thời tiết xấu.

Giúp bé thích ứng với những thay đổi lớn

Cũng có thể có những thay đổi lớn (có khả năng xảy ra ngoài kế hoạch) trong đời sống gia đình bạn, ví dụ, nếu bạn chuyển nhà, đổi người trông trẻ, ly thân hoặc ly hôn, hoặc ông/bà bé qua đời. Đừng rơi vào lối suy nghĩ rằng vì bé còn nhỏ, sự thay đổi không là vấn đề gì với bé – thật sự là có đấy. Mỗi bé phản ứng với sự thay đổi theo cách riêng của mình.

Bạn chỉ cần quan sát bé là có thể nhận ra được có điều gì đó làm bé bận tâm, và nếu một sự thay đổi lớn vừa xảy ra trong cuộc sống của bé – ví dụ, bố bé vừa dọn khỏi nhà – thì bạn có thể có sự móc nối hợp lý.

Tuy vậy nỗi đau buồn gây ra do một sự thay đổi cũng có thể biểu hiện theo những cách khó nhận biết. Ví dụ, mười phút trước khi chuẩn bị trải qua buổi sáng với cô trông trẻ mới, bé than vãn rằng mình bị đau bụng. Hoặc bé vốn thân thiện, cởi mở thì đột nhiên trở nên buồn bã và xa cách với mọi người. Bạn càng hiểu rõ về bé thì sẽ càng nhạy cảm hơn với các phản ứng của bé.

Bạn có thể giúp bé thích ứng với những thay đổi lớn (và không hề trông đợi) bằng cách biểu lộ sự thấu hiểu và cảm thông. Ví dụ, nếu bạn sắp chuyển nhà, nhiều khả năng là bạn cũng gặp những khó khăn gây ra bởi sự thay đổi (suy cho cùng thì việc chuyển chỗ ở cũng là khoảng thời gian đầy căng thẳng đối với bạn) và bạn có thể thấy bực dọc với phản ứng tiêu cực của bé.

Hãy cố đừng nổi nóng với bé, bất kể việc bạn bị áp lực đè nén thế nào. Bạn hãy thường xuyên trấn an bé.

Đúng là bạn không thể bảo đảm rằng cuộc sống sẽ thật tuyệt sau khi ly hôn hay rằng bé sẽ vẫn có thể gặp cả bố và mẹ mỗi ngày. Nhưng dù sao cũng hãy làm bé yên lòng. Hãy nói với bé rằng bé sẽ ổn thôi, rằng mọi thứ đều sẽ tốt đẹp và rồi cuối cùng bé sẽ cảm thấy hạnh phúc với sự sắp đặt mới.

cach-day-con-tu-1-3-tuoi-hinh-anh2

Hãy giúp bé thích nghi với những thay đổi lớn

Có sự giao tiếp tốt với bé

Việc giao tiếp tốt với bé không xảy ra một cách ngẫu nhiên – bạn cần nỗ lực cải thiện nó, đặc biệt là khi có rất nhiều thứ hấp dẫn khác giành mất thời gian của bé. Đó là lý do vì sao bạn cần đặt giao tiếp ở vị trí hàng đầu trong những việc phải làm khi nuôi dạy con.

Sẽ luôn có trăm ngàn việc khác bạn có thể làm thay vì dành thời gian bên con – và có lẽ cũng có chừng đó những việc khác bé có thể làm thay vì dành thời gian ở cạnh bạn – vì vậy, nếu bạn không ưu tiên việc giao tiếp với bé, nó đơn giản sẽ không xảy ra.

Cố xây dựng các “cơ hội giao tiếp” thành thói quen sinh hoạt hàng tuần (và hàng ngày) của bạn. Có thể chiến lược hiệu quả nhất là thu xếp những bữa ăn gia đình theo kiểu truyền thống khi bạn và bé (cùng tất cả các thành viên gia đình khác) ngồi xuống và cùng dùng bữa quanh bàn ăn.

Sự giao tiếp đạt kết quả tốt nhất trong những tình huống mặt đối mặt, không nhất thiết phải là lúc bạn và bé ở trong phòng riêng, vào thời gian riêng, khi tham gia những hoạt động riêng với nhau. Hãy cố hết sức để có một bữa ăn gia đình ít nhất là vài lần mỗi tuần.

Thêm vào đó, hãy dành ra 10 hoặc 20 phút mỗi ngày cho mục đích cụ thể là dành thời gian ở bên con. Thật sự không quan trọng bạn và bé làm gì trong khoảng thời gian này, dù là bạn chơi đùa hoặc xem TV cùng nhau, nói chuyện phiếm về chuyện học ở trường hay về bạn bè bé, hoặc đi dạo một vòng – chính khoảng thời gian dành ở cạnh nhau mới quan trọng.

Việc giao tiếp sẽ trôi chảy hơn khi bạn và bé thân thuộc với nhau và cảm thấy thoải mái khi ở cạnh nhau – bạn và bé càng ở cạnh nhau nhiều thì việc giao tiếp càng trở nên dễ dàng hơn. Hãy dành cho bé toàn bộ sự chú tâm của bạn, lờ đi tất cả những thứ gây sao nhãng và tránh gây gián đoạn.

Thay vào đó, hãy để bé nói chuyện với bạn mà không ngắt lời, để bé cảm thấy được rằng bạn thành thật quan tâm đến những ý kiến bình luận của bé.

Bạn hãy cố hết sức để bảo đảm sự hăng hái muốn giao tiếp đến từ cả hai phía. Khuyến khích bé đến gặp bạn bất cứ lúc nào bé có gì muốn bày tỏ – bé nên hiểu rằng bé có thể nói chuyện với bạn bất cứ lúc nào, không chỉ vào bữa ăn hay những khoảng thời gian đặc biệt bé ở cùng bạn.

Và khi bé tiết lộ về một chuyện vừa gặp làm bé bực bội, hoặc kể cho bạn nghe những tin tức thú vị mới nhất, hãy ôm bé vào lòng và cho bé biết bạn cảm thấy vui mừng biết nhường nào khi bé trình bày việc này với bạn.

Việc thiết lập các thói quen giao tiếp tốt ở tuổi này tạo cơ sở cho mối liên kết gần gũi tiếp diễn giữa bạn và bé trong suốt thời gian thơ ấu còn lại của bé.

Việc nuôi dạy tích cực

Nuôi dạy một đứa con đang trong độ tuổi đi nhà trẻ đem lại cho bạn nhiều khoảnh khắc tuyệt vời, nhưng cũng là một nhiệm vụ khó khăn. Việc phải liên tục chạy theo bé, ứng phó với tâm trạng của bé, đưa bé đi chỗ này chỗ kia vài lần mỗi ngày, nấu ăn cho bé có thể đòi hỏi nhiều công sức của bạn.

Nếu bạn không cẩn thận, niềm vui được làm bố mẹ có thể mất đi, để lại cho bạn quan điểm bi quan hơn. Khi điều đó xảy ra – thực ra là trước khi nó xảy ra – hãy xoay chuyển tình thế và thay vào đó tự mình trở thành một người bố/mẹ suy nghĩ tích cực – người có một cái nhìn lạc quan về cuộc sống.

Việc nuôi dạy tích cực không đơn giản chỉ là giả vờ mọi thứ đều có màu hồng (vì không phải như thế). Thay vào đó, đó là việc xây dựng các chiến lược để chăm nom, dạy dỗ con và thực hiện vai trò làm bố mẹ theo cách có hiệu quả, để bạn cảm thấy hài lòng về bản thân.

Và nếu bạn thấy hài lòng về bản thân, việc này có lợi cho mọi thành viên trong gia đình. Nuôi dạy con tích cực yêu cầu bạn có sự chủ động, lên kế hoạch từ trước và giữ cuộc sống trong tầm kiểm soát.




  1. Teaching to children the Bible. Đọc thêm tại: < http://www.truthforkids.com/lesson-plan/#.V8QOaph97IU >. [Ngày 26 tháng 04 năm 2016].
  2. Richard Woolfson, 2015, Your preschooler bible, Octopus Publishing Limited, 2nd edition, page 17 – 18
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com