Việc rạch tầng sinh môn không phải là một thủ tục bắt buộc trong quá trình chuyển dạ. Hãy cùng tìm hiểu trong trường hợp nào thì rạch tầng sinh môn là cần thiết các mẹ nhé.
Rạch tầng sinh môn khi vượt cạn là không cần thiết
Thủ thuật rạch tầng sinh môn là việc thực hiện một vết rạch ở tầng sinh môn (hay còn gọi là vùng đáy chậu, là vùng cơ nằm giữa âm đạo và hậu môn) nhằm mở rộng cửa âm đạo ngay trước khi đầu em bé lộ ra ngoài, không phải là một thủ tục bắt buộc đâu các mẹ ạ.
Ngày nay, các nhà hộ sinh và các bác sĩ sản khoa tại những bệnh viện uy tín trên thế giới hiếm khi quyết định rạch tầng sinh môn cho sản phụ nếu không có lý do chính đáng.
Trước đây, việc rạch tầng sinh môn từng được cho rằng sẽ đề phòng việc rách tầng sinh môn tự phát không đẹp và khó khâu, tránh hiện tượng đi tiêu và tiểu không tự chủ sau sinh, cũng như giảm nguy cơ chấn thương ở trẻ sinh (do đầu em bé bị đẩy mạnh vào tầng sinh môn trong thời gian dài).
Trên thực tế, các trẻ sơ sinh chẳng gặp vấn đề gì nếu được sinh ra mà mẹ không rạch tầng sinh môn đâu. Các mẹ cũng có vẻ vượt cạn tốt hơn mà không cần thủ thuật này ấy chứ. Tổng thời gian chuyển dạ trung bình khi mẹ rạch tầng sinh môn dường như cũng không dài hơn, và người mẹ thường mất máu ít hơn, ít bị nhiễm khuẩn, và ít đau tầng sinh môn hơn sau khi sinh (dù mẹ vẫn có thể bị mất máu và nhiễm khuẩn khi bị rách tầng sinh môn).
Thêm vào đó, nghiên cứu đã cho thấy so với việc rách tự nhiên, việc rạch tầng sinh môn vẫn có khả năng trở thành vết rách độ 3 hoặc 4 (rách gần đến hoặc đến tận trực tràng, đôi khi gây đi tiêu không tự chủ).
Thế khi nào cần đến thủ thuật rạch tầng sinh môn?
Việc rạch tầng sinh môn vẫn cần thiết trong một vài tình huống sinh đẻ nhất định:
- Rạch tầng sinh môn có thể sẽ cần thiết khi em bé quá to và cần lối ra rộng rãi hơn
- Khi em bé cần được sinh ra nhanh chóng
- Khi bác sĩ phải thực hiện dùng giác hút chân không hoặc kẹp lấy thai để giúp bé ra khỏi ống sinh, hoặc để gỡ vai em bé ra ở trường hợp sinh khó do vai bị mắc kẹt trong ống sinh.
Rạch tầng sinh môn sẽ tiến hành thế nào?
Nếu bạn cần được rạch tầng sinh môn và nếu có thời gian, bạn sẽ được tiêm thuốc giảm đau tại chỗ trước khi rạch. Tuy nhiên, bạn có thể không cần đến thuốc nếu bạn đã được gây tê ngoài màng cứng, hoặc nếu tầng sinh môn của bạn bị mỏng và tê đi vì đầu bé chèn lên khi phần đầu bé đã lộ ra một phần ở cửa âm đạo.
Bác sĩ lúc đó sẽ dùng kéo phẫu thuật để tạo ra một đường rạch ngay chính giữa kéo hướng xuống trực tràng hoặc đường rạch kéo từ giữa sang bên lệch hướng trực tràng (thường vết rạch lệch phổ biến hơn).
Thủ thuật rạch tầng sinh môn
Sau khi bé yêu của bạn chào đời và nhau thai cũng đã được đẩy ra ngoài, bác sĩ sẽ khâu lại vết cắt. Bạn sẽ được tiêm thuốc giảm đau tại chỗ nếu không được tiêm trước đó hoặc thuốc gây tê ngoài màng cứng đã hết tác dụng.
Nếu bạn không muốn rạch tầng môn thì…
Để hạn chế việc rạch tầng sinh môn và mẹ sinh dễ dàng mà không cần biện pháp này, một số bà đỡ và nhà hộ sinh khuyên mẹ nên massage tầng sinh môn một vài tuần trước ngày dự sinh nếu mang thai lần đầu.
Nếu mẹ từng sinh thường trước đây, cửa âm đạo của mẹ đã giãn ra, việc massage trước như vậy có thể cũng không giúp gì nhiều cho mẹ.
Trong thời gian chuyển dạ, những việc sau có thể có ích cho mẹ như:
- Đắp gạc ấm để giảm sự khó chịu cho tầng sinh môn
- Massage tầng sinh môn
- Đứng hoặc ngồi xổm và thở ra, hoặc gừ giọng khi rặn đẻ để giúp tầng sinh môn dễ dàng giãn ra
Trong giai đoạn rặn đẻ, bác sĩ có thể sẽ hỗ trợ bằng cách ấn nhẹ vào tầng sinh môn để đầu em bé không bị bật ra quá nhanh và gây cho mẹ vết rách không cần thiết.
Nếu mẹ thấy chưa sẵn sàng và vẫn còn lo lắng, mẹ hãy thảo luận với bác sĩ mẹ chọn đỡ đẻ cho mình về các vấn đề liên quan đến việc rạch tầng sinh môn. Bác sĩ rất có thể sẽ đồng ý rằng không nên thực hiện thủ thuật này trừ phi có lý do thiết thực đó mẹ ạ. Và chỉ rất thỉnh thoảng bác sĩ mới cần thiết rạch tầng sinh môn mà thôi.
Thông thường thì quyết định cuối cùng về việc rạch tầng sinh môn được đưa ra lúc mẹ sinh con hoặc trong phòng đỡ đẻ – khi phần đỉnh đầu bé yêu của mẹ đã từ từ lộ ra.
- Episiotomy: When it’s needed, when it’s not. Đọc thêm tại: < http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/labor-and-delivery/in-depth/episiotomy/art-20047282>. [Ngày 08 tháng 01 năm 2016]
- Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA. P 374 – 375