Nhận thức của bé 1 tuổi về thế giới xung quanh thế nào? Bé 1 tuổi có thể làm gì? Nắm rõ các mốc phát triển nhận thức của bé, ba mẹ có thể giúp bé học hỏi rất nhanh.
Bé 1 tuổi có thể làm gì?
Bé 1 tuổi bắt đầu biết phân biệt màu sắc và hình dáng của các đồ vật cũng như biết tự tìm các đồ vật bị giấu. Bé cũng bắt đầu biết đóng giả làm bác sĩ để khám bệnh cho búp bê hoặc người cùng chơi.
Bé 1-2 tuổi có thể phân biệt màu sắc và hình dáng đồ vật
Bắt chước là một phần quan trọng trong quá trình học hỏi và hành vi ứng xử của bé nên bé có thể liên tục bắt chước những hành động của bạn.
Những đặc điểm trong sự phát triển về nhận thức của bé 1-2 tuổi
Bé ở tuổi này rất khó để tập trung vào 1 sự vật hay sự việc nào đó quá lâu. Bé sẽ chỉ làm những điều trong khả năng và dựa vào tiến trình phát triển của bé.
Ví dụ: Bạn sẽ thấy bé không thèm đẩy xe tập đi khi bé đã có thể đi rành rẽ. Bên cạnh đó, những trò chơi quá phức tạp khiến bé bối rối cũng sẽ nhanh chóng làm bé chán và từ chối chơi.
Bé rất tò mò. Ở giai đoạn này, các nút bật công tắc, điều khiển từ xa, hay các món đồ chơi lên dây cót có một sức hút mãnh liệt đối với bé. Đừng ngạc nhiên nếu bạn thấy bé cứ cố với lấy cái remote và chỉa vào phía tivi bấm bấm.
Bắt chước cũng là phần quan trọng nhất của bé trong giai đoạn này. Nếu trước 1 tuổi bé chỉ đơn thuần là cầm nắm các đồ vật thì nay bé đã có thể cầm lược để chải đầu, bi bô vào điện thoại như thể đang trò chuyện thật. Ban đầu bé sẽ chỉ chơi 1 mình, sau đó sẽ có thêm “bạn cùng chơi” là búp bê, gấu bông hay robot.
Bé 1-2 tuổi rất thích bắt chước hành động của người lớn
Bé rất thích bắt chước người thân, đặc biệt là anh chị của bé. Và bởi vì bé sẽ bắt chước tất cả những hành vi của người lớn mà bé nhìn thấy, nên người thân cần nhận thức rõ các hành xử của mình để làm gương cho bé
Bé 2 tuổi rất thích chơi trốn tìm và bé ghi nhớ đồ vật được giấu ở đâu khá lâu. Nếu bạn lấy bánh của bé bỏ vào túi khi bé đang chơi, có thể bạn sẽ quên khuấy đi mất, nhưng bé sẽ không quên đâu.
Bé cũng sẽ bắt đầu hiểu được việc rời xa mẹ. Cũng như việc biết đồ vật được giấu đâu đó dù bé không thấy, bé sẽ hiểu rằng bố mẹ sẽ luôn quay lại, dù bố mẹ xa bé cả ngày trời. Điều này có thể giúp bé chấp nhận xa mẹ dễ dàng hơn.
Bé là “đạo diễn” phân vai cho mọi người khi chơi. Đôi khi bé sẽ đem đồ chơi đến chỗ bạn và nhờ giúp bật nó lên, hoặc cũng có lúc bé sẽ giật lấy và muốn tự mình mày mò. Thường thì khi bé biết mình vừa làm được gì đó đặc biệt, bé sẽ dừng lại chờ bạn vỗ tay. Việc hưởng ứng những “hiệu lệnh” này sẽ hỗ trợ và động viên bé tìm tòi học hỏi tốt hơn.
Tuy nhiên, bé chưa hiểu được hậu quả của việc mình làm. Bạn cũng sẽ phải giúp bé đánh giá và nhận định tình hình những việc mà bé chưa tự làm được. Đúng là giai đoạn này bé đã biết vài thứ hoạt động ra sao, nhưng bé sẽ vẫn chưa hiểu được cách việc này tác động lên việc khác ra sao, vẫn chưa nằm được hoàn toàn nguyên nhân – hệ quả.
Ví dụ có thể bé có thể hiểu là chiếc xe sẽ tự lăn xuống dốc, nhưng sẽ không biết được nếu lỡ chiếc xe đụng phải một ai đó dưới chân dốc thì sao. Bé có thể biết cửa đóng ra đóng vào được, nhưng sẽ không biết làm sao để không bị kẹt tay.
Và thậm chí nếu bé có bị kẹt tay 1 lần, thì cũng đừng nghĩ rằng bé đã học được bài học. Vì khả năng là bé sẽ không kết nối được việc bị đau tay với một loạt sự kiện trước đó dẫn đến việc bị đau, và sẽ lại bị kẹt tay lần nữa. Vì thế, hãy luôn giám sát và nhắc nhở bé để bé tránh được những tai nạn có thể xảy ra ba mẹ nhé!
- Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2014, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 6th edn, Bantam books, USA. Trang 302 Caring 6th.
- Cognitive Development: One-Year-Old. Tham khảo tại: <http://www.healthychildren.org/English/ages-stages/toddler/Pages/Cognitive-Development-One-Year-Old.aspx>. [Ngày 1 tháng 10 năm 2014]