Tình cảm gia đình là một thứ tình cảm thiêng liêng và cần phải trân trọng. Nhưng tình cảm này có thể thay đổi khi trẻ lớn lên và những bữa ăn, những dịp đi chơi cùng nhau sẽ là cơ hội tốt để thắt chặt tình cảm gia đình.
Khi lớn lên, trẻ sẽ giao tiếp nhiều hơn với thế giới bên ngoài và ít hơn với gia đình, vậy nên tình cảm giữa các thành viên trong gia đình có thể bị ảnh hưởng. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn thắt chặt tình cảm gia đình, tham khảo ngay nhé.
Những bữa ăn giúp làm tăng tình cảm gia đình
Chúng ta không thể giao tiếp, gắn kết và có nhiều niềm vui với nhau như một gia đình nếu căn nhà chỉ là nơi để các thành viên nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng và ra khỏi nhà. Khi trẻ lớn dần lên, những khoảnh khắc giản dị của gia đình sẽ vô cùng có ý nghĩa đối với trẻ. Bữa ăn gia đình và các thói quen khác có thể làm tăng tình cảm gia đình, tạo ra những kí ức vững bền. Chính vì thế, dù trẻ đã lớn hơn và có nhiều hoạt động riêng, nhưng việc cả gia đình ăn tối với nhau một vài lần một tuần rất quan trọng trong việc gắn kết các thành viên trong gia đình.
Tùy thuộc vào thời gian học tập và làm việc của các thành viên trong gia đình, mẹ có thể linh động sắp xếp thời gian để mọi người có thể ăn cơm chung với nhau. Không nhất thiết bữa ăn đó phải là buổi tối. Nếu mọi người có thể ăn sáng ở nhà, thì hãy thuyết phục mọi người dậy sớm hơn thường lệ 30 phút để có thể ăn sáng thoải mái với nhau, thay vì phải ăn vội vàng để đi làm, đi học.
Một số gợi ý khác cho việc ăn cùng nhau để tăng thêm tình cảm gia đình:
- Ăn trưa cuối tuần cùng với nhau.
- Dành một tối trong tuần để gia đình ra ngoài ăn tối cùng nhau. Không cần thiết phải ăn uống ở những nơi đắt tiền, hãy để cho từng thành viên trong gia đình chọn nhà hàng mỗi tuần, miễn là các món ăn phù hợp với tất cả mọi người.
- Dành thời gian ăn nhẹ cùng nhau khi mọi người ở nhà vào buổi tối.
Thắt chặt tình cảm gia đình bằng việc ăn cơm cùng nhau
Điều quan trọng là các bữa ăn diễn ra thường xuyên và trở thành một thói quen của gia đình. Khi mọi người ăn uống cùng với nhau, hãy cố gắng để bữa ăn không bị gián đoạn. Để làm được điều này, bạn có thể tắt TV, ngưng kiểm tra email (trừ phi đó là trường hợp thực sự cần thiết). Hãy dành hết thời gian để nói chuyện và lắng nghe những người thân của mình. Những cuộc trò chuyện thân mật như vậy sẽ khiến bầu không khí của gia đình vui vẻ hơn, tình cảm gia đình khăng khít hơn. Nếu bạn thấy ai đó không tham gia vào cuộc trò chuyện thì hãy hỏi thăm người ấy, ví dụ như “Lan ơi, con kể cho mẹ nghe về ngày đi học hôm nay của con đi”.
Thắt chặt tình cảm gia đình bằng cách lên kế hoạch đi chơi hoặc đi nghỉ cùng nhau
Một số gia đình có thói quen dành ra một ngày trong tuần để đi chơi cùng với nhau. Khi trẻ còn nhỏ, các em rất thích đi cùng gia đình đến sở thú, công viên giải trí, đi mua sắm,… Nhưng khi các em lớn dần và bước vào tuổi vị thành niên, việc duy trì thói quen này trở nên khó khăn. Từ chỗ hào hứng với việc đi chơi, các em lại than thở “Mình phải đi sao?”
Tuy là khó nhưng đừng để việc đi chơi làm trẻ không vui và cảm thấy đó là nghĩa vụ. Một số em cho rằng trong tuần đã bị kiểm soát, thì nay việc đi chơi vào cuối tuần sẽ khiến trẻ càng cảm thấy bị trói buộc vào gia đình, không có thời gian để vui chơi cùng bè bạn. Cho nên, cha mẹ hãy cố gắng giữ thói quen này nhưng đừng cứng nhắc.
Trẻ thường nhiệt tình với các chuyến đi chơi của gia đình khi mà trẻ được đóng góp ý kiến trong việc chọn địa điểm và hoạt động vui chơi. Bạn cần chú ý đến sở thích của các thành viên và lên kế hoạch trong kì nghỉ nhưng cần linh hoạt hơn nhé, một kì nghỉ chớp nhoáng có thể làm cho mọi người kiệt sức và căng thẳng hơn là cảm thấy vui vẻ đấy. Điều quan trọng là các thành viên có thể ở cùng nhau và các chuyến đi chơi như vậy thường làm cho tình cảm gia đình bạn thắm thiết hơn.
Cho con cái thăm nơi làm việc của bố mẹ
Đối với thanh thiếu niên, công việc và nơi làm việc của cha mẹ thường là một điều bí ẩn của thế giới người lớn. Có thể bạn không nghĩ tới việc chia sẻ với con hoặc cho rằng con mình còn nhỏ và chưa hiểu nên không nói chuyện với con, khiến con thực sự không biết công việc của bố mẹ là gì. Bạn có thể cho con đến nơi làm việc, nhất là vào kì nghỉ hè, để con bạn hình dung về những gì bạn làm mỗi ngày. Qua đó, trẻ có thể hiểu được một phần vất vả, khó khăn của bạn, cũng như thấy được con người khác của bố mẹ, và có thể trẻ sẽ nhận ra những tài năng ẩn giấu của bạn trong công việc mà bấy lâu trẻ không hề hay biết, điều này cũng góp phần làm tăng tình cảm gia đình.
Cha mẹ thường hay kể cho con về công việc nếu nó liên quan đến những việc cha mẹ làm ở trường của con hoặc những buổi họp mặt quan trọng. Điều này có thể làm trẻ cảm thấy bạn chỉ quan tâm đến công việc mà không quan tâm đến các con. Vì thế hãy cẩn thận khi nói về chủ đề này cha mẹ nhé!
Giao tiếp hiệu quả trong gia đình
Giao tiếp là nguồn sống của các mối quan hệ, bao gồm cả các mối quan hệ trong gia đình. Giao tiếp cũng là một cách thể hiện tình cảm gia đình. Cha mẹ và trẻ có thể làm cho giao tiếp trong gia đình hiệu quả hơn bằng các cách như:
- Cởi mở, trung thực và tử tế.
- Lắng nghe một cách tập trung, tích cực. Có thể nhìn vào mắt nhau và gật đầu trong khi người kia nói để họ biết rằng bạn đang lắng nghe họ.
- Giảm các yếu tố gây phiền nhiễu trong khi nói chuyện (như xem ti vi, đọc báo, nhắn tin điện thoại…).
- Khi trò chuyện, nghe cả nội dung câu chuyện và quan sát sự biểu cảm, ngôn ngữ cơ thể của người nói để biết thật sự họ muốn truyền đạt điều gì.
- Kiểm tra ý nghĩa của thông điệp nếu nó không rõ ràng.
- Tránh đọc suy nghĩ của người khác.
- Tránh phê bình, đánh giá và có hành động trịch thượng đối với người khác.
Thông qua giao tiếp, chúng ta truyền đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình và kết nối với người khác. Giao tiếp là sự tương tác giữa nhiều người, vì vậy, điều quan trọng là phải để cho tất cả các thành viên trong gia đình đều được lên tiếng và thể hiện ý kiến của mình, tất cả các ý kiến đều được lắng nghe và tôn trọng. Cha mẹ cũng nên dạy cho trẻ việc lắng nghe trong giao tiếp từ khi trẻ còn nhỏ. Và nếu giao tiếp theo những cách trên phát huy tốt, không những gắn kết tình cảm gia đình bạn mà còn giúp các thành viên phát triển tốt các mối quan hệ ngoài xã hội của mình.
- Strengthening Family Relationships. Đọc thêm tại: <http://www.advocatesforyouth.org/publications/1229-strengthening-family-relationships>. [Ngày 13 tháng 8 năm 2015].
- Donald E. Greydanus, MD, FAAP và Philip Bashe (2003). Caring for Your Teenager. Bantam Books. Trang 82 – 89.