Sức khỏe

Nguy cơ sốc phản vệ khi tiêm kháng sinh

Sốc phản vệ khi tiêm kháng sinh có thể xảy ra ở liều dùng rất nhỏ (tức là sốc phản vệ có thể xảy ra ngay khi thử test), không có dấu hiệu báo trước và mọi phương tiện cấp cứu sau khi đã đưa thuốc vào người đều không cứu được bệnh nhân.

Nguy cơ sốc phản vệ khi tiêm kháng sinh

Điều đầu tiên và cơ bản ai cũng nên biết rằng thuốc là con dao hai lưỡi, bên cạnh những lợi ích để phòng ngừa và điều trị bệnh, thuốc cũng có thể gây ra những phản ứng bất lợi, những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cho người dùng thuốc. Loại thuốc nào cũng có thể gây ra những tác hại như vậy, nhưng riêng thuốc kháng sinh thì mức độ nguy hiểm lại càng cao.

Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong ngay sau khi tiêm thuốc kháng sinh mặc dù nhân viên y tế đã tuân thủ nghiêm chỉnh quy tắc điều trị khi dùng thuốc. Đó là những ca sốc phản vệ, một dạng dị ứng thuốc nghiêm trọng và đặc biệt nguy hiểm, nhiều khi là bất khả kháng do cơ địa dị ứng của người được dùng thuốc.

Nguy hiểm hơn, sốc phản vệ có thể xảy ra ở liều dùng rất nhỏ (tức là sốc phản vệ có thể xảy ra ngay khi thử test), không có dấu hiệu báo trước và mọi phương tiện cấp cứu sau khi đã đưa thuốc vào người đều không cứu được bệnh nhân. Đó là rủi ro không ai mong muốn mà người dùng thuốc cần biết để chia sẻ với ngành y tế nếu có phản ứng có hại nguy hiểm xảy ra trong quá trình dùng thuốc.

nguy-co-soc-phan-ve-khi-tiem-khang-sinh-hinh-anh1

Sốc phản vệ luôn là cơn ác mộng của ngành Y

Tại nhiều địa phương, dị ứng thuốc chiếm tỷ lệ hơn 8,5% dân số, trong đó nguy hiểm nhất là sốc phản vệ, chiếm khoảng 10% trong số các ca dị ứng thuốc. Trong số người bị sốc phản vệ, khoảng 10% tử vong. Trong ngành y, sốc phản vệ được coi là một tai biến kinh hoàng, một dạng dị ứng cấp tính với những biểu hiện rất rầm rộ: người bệnh choáng váng, nổi mày đay, huyết áp tụt, tím tái, vã mồ hôi, khó thở, mất ý thức…

Chỉ tiêm kháng sinh khi thật sự cần thiết

Tiêm thuốc kháng sinh có những ưu điểm là thuốc được hấp thu trực tiếp và trọn vẹn vào máu nên có tác dụng nhanh và hiệu quả cao, đồng thời thuốc không qua hệ tiêu hóa nên không bị dịch tiêu hóa hoặc gan chuyển hóa. Tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch thuốc kháng sinh cho phép thuốc nhanh chóng đến ổ nhiễm khuẩn để hoạt chất phát huy tác dụng giúp tăng hiệu quả chữa bệnh.

Tuy vậy, khi tiêm kháng sinh cũng cần phải lưu ý một số nhược điểm như phải có dụng cụ thích hợp (ống tiêm, kim tiêm…). Truyền dịch kháng sinh thì phải có bộ dây truyền và phải tuyệt đối vô trùng, nếu không sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng (như áp-xe, nhiễm virut viêm gan B, C). Người tiêm thuốc phải là nhân viên y tế đã qua đào tạo biết các kỹ thuật tiêm đúng cách.

nguy-co-soc-phan-ve-khi-tiem-khang-sinh-hinh-anh2

Có hay không nguy cơ sốc phản vệ khi tiêm kháng sinh?

Tuy nhiên, thuốc tiêm kháng sinh dễ gây phản ứng toàn thân hay tại chỗ khi cơ thể không dung nạp thuốc. Khi tiêm các dung dịch thuốc kháng sinh có khi gây sốc phản vệ trầm trọng, vì vậy chỉ dùng thuốc tiêm kháng sinh thay cho thuốc uống trong trường hợp cấp cứu, bệnh nhiễm trùng nặng, người bệnh không thể hợp tác uống thuốc hoặc khi dược chất cần sử dụng không có dạng thuốc uống.

Khi phải dùng dạng thuốc kháng sinh tiêm, cần có sự cân nhắc bởi nếu có tác dụng không mong muốn tiêm thuốc sẽ nguy hiểm hơn uống thuốc và nguy cơ sốc phản vệ có thể xảy ra ngay ở liều rất nhỏ hoặc xảy ra chậm, tức là có khi đến mũi tiêm thứ hai, thứ ba phản ứng sốc phản vệ mới xảy ra.

Nhận biết nguy cơ sốc phản vệ khi tiêm kháng sinh

Phản ứng dị ứng thuốc ngay tức thì, nặng nhất là phản ứng phản vệ mà biểu hiện lâm sàng thường gặp là sốc phản vệ. Nhẹ hơn thì có thể phản ứng trên da: ngứa, nổi mẩn đỏ da (có thể khu trú tại chỗ hoặc lan ra toàn thân). Phản ứng chậm hơn ở ngoài da sau vài giờ đến vài ngày như hội chứng Stevens – Johnson, hội chứng Lyell – bong da, tróc niêm mạc toàn thân, bệnh nhân cũng có thể tử vong sau đó vì nhiễm trùng da và nhiễm trùng huyết.

Sau khi dùng thuốc, nếu bị các triệu chứng kể trên thì nên đến bệnh viện ngay và thông báo cho bác sĩ biết thuốc mình đã sử dụng thật đầy đủ. Có nhiều triệu chứng mà người bệnh không thể nào biết, như uống thuốc xong bị rối loạn tiền đình, suy thận, mất tế bào máu… thì phải theo dõi nhiều ngày sau dùng thuốc mới nhận biết được bởi những cán bộ có chuyên môn.

nguy-co-soc-phan-ve-khi-tiem-khang-sinh-hinh-anh3

Nguy cơ sốc phản vệ khi tiêm kháng sinh là rất cao!

Cần lưu ý các biện pháp dân gian như uống nước đậu xanh, uống nước chanh, lòng trắng trứng… đều không có cơ sở khoa học và không cấp cứu được dị ứng thuốc. Khi đi khám, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ thuốc mình đã bị dị ứng hay phản ứng trước đó (nếu biết). Nên báo cho thầy thuốc tình trạng cơ thể trước đó có dị ứng với thức ăn hay chất lạ như bụi phấn, hoá chất… để có cơ sở đề phòng và hạn chế sử dụng những loại thuốc có nguy cơ cao gây dị ứng hoặc sốc phản vệ.

Không nên lạm dụng thuốc và đặc biệt không tự mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh và một số thuốc chuyên khoa đặc trị, kể cả thuốc nhỏ mắt, bôi ngoài da có chứa kháng sinh cũng phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc.




ThS. Lê Quốc Thịnh, Tiêm kháng sinh: Coi chừng sốc phản vệ. Tham khảo tại: <http://suckhoedoisong.vn/tiem-khang-sinh-coi-chung-soc-phan-ve-n47085.html>. [Ngày 11 tháng 12 năm 2016]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com