Công dụng của gừng có quá nhiều nên ai cũng biết. Gừng là một loại thảo dược quý giá trong tự nhiên, tuy có xuất xứ từ Châu Á nhưng ngày nay gừng được trồng ở khá nhiều nơi.
Tìm hiểu về công dụng của gừng
Gừng có thể được sử dụng ở dạng củ gừng tươi (đông y gọi là sinh khương), gừng cạo vỏ sấy khô và nghiền thành bột (can khương), nước ép gừng hoặc tinh dầu gừng, hay gừng đã bào chế (bào khương). Gừng không chỉ tạo gia vị cho các món ăn, mà còn là vị thuốc quý không quá đắt tiền do tác dụng của gừng khá phong phú.
Công dụng của gừng rất đa dạng, không chỉ được dùng trong các loại thực phẩm và đồ uống, hay sử dụng như một chất gia vị làm cho món ăn ngon hơn. Nó cũng được sử dụng làm cho hương thơm trong xà phòng và mỹ phẩm.
Tuy nhiên, trong đông y, gừng tươi là thứ thuốc cay, ấm, nên người thuộc dạng âm huyết suy yếu, nóng trong,… không nên dùng nhiều. Gừng khô là vị thuốc “thuần dương”, người “âm hư nội nhiệt” càng không nên dùng. Nếu dùng gừng lâu ngày với mục đích chữa bệnh thì nên có sự chỉ dẫn cụ thể của thầy thuốc chứ không nên tự ý mua về dùng.
>> Cách giảm mỡ bụng bằng muối rang gừng hoặc đai quấn nóng
Công dụng của gừng rất đa dạng và được quý như một loại thảo dược của thiên nhiên
Công dụng của gừng 1: Làm giảm triệu chứng của một số bệnh
Gừng là một trong những vị thuốc cổ xưa nhất có tác dụng giảm triệu chứng của một số bệnh như cảm cúm, cảm lạnh hay sổ mũi có đờm, ho,… Uống trà gừng hay tắm nước gừng còn giúp bạn giảm bớt các triệu chứng cảm mạo phong hàn, chữa ho mất tiếng hoặc giúp nhanh khỏi bệnh hơn.
Ngoài ra, gừng cũng có tác dụng làm loãng đờm giúp giảm bớt các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên, ho và viêm phế quản.
Theo 1 nghiên cứu của cố giáo sư Đỗ Tất Lợi, có một vài bài thuốc đơn giản nhưng khá hiệu quả từ gừng như sau:
- Can khương (gừng khô) 10g, trích cam thảo 4g, nước 300 ml sắc còn 100 ml, chia nhiều lần uống trong ngày. Bài thuốc này chữa nhức đầu, lạnh bụng, nôn ọe, có đờm hiệu quả. Khi thấy bệnh thuyên giảm thì uống bớt dần.
- Can khương (gừng khô) thiêu tồn tính, ngày uống nhiều lần, mỗi lần 2 -4g, chiêu bằng nước cơm hay nước cháo chữa đi lị ra máu.
- Can khương (gừng khô) sấy khô tán nhỏ, dùng nước cơm chiêu thuốc, mỗi lần uống 2 – 4g chữa đi tả ra nước.
- Gừng tươi giã nhỏ, bọc vào mớ tóc rối, tẩm rượu, xào nóng đánh khắp người và xát vào chỗ đau mỏi. Bài thuốc này chữa cảm cúm, nhức đầu, ho, thân thể đau mỏi.
>> Rượu gừng nghệ hạ thổ: Bài thuốc giảm mỡ bụng sau sinh
Công dụng của gừng 2: Cải thiện hệ tiêu hóa
Bằng chứng cho thấy rằng, uống một liều duy nhất 1, 2 gram bột rễ gừng 1 giờ trước khi ăn làm tăng tốc độ tiêu hóa thức ăn ở những người bị khó tiêu. Gừng cũng giúp kích thích tiết dịch vị và làm tăng cảm giác ngon miệng ở những người chán ăn.
Một tác dụng khác của gừng là có thể giảm bớt triệu chứng đau bụng do Colic ở trẻ sơ sinh hoặc chống đầy hơi, khó tiêu ở người lớn do một hóa chất trong gừng có tác dụng nhuận tràng.
Công dụng của gừng 3: Giảm bớt triệu chứng đau bụng do hành kinh
Nếu phụ nữ dùng gừng trong thời gian hành kinh, đặc biệt trong 3 ngày đầu bị hành kinh thì triệu chứng đau bụng do co bóp trong những ngày này sẽ giảm hẳn.
Công dụng của gừng 4: Giảm bớt các triệu chứng say tàu xe
Nếu bạn dùng 1-2 g gừng sống cắt lát mỏng và ngậm nhấm nháp từng chút một sẽ giảm được sự khó chịu trong dạ dày khi say tàu xe, đồng thời có thể chịu đựng được lâu hơn trên tàu xe trước khi bắt đầu thấy buồn nôn hay nôn đấy.
Công dụng của gừng 5: Giảm bớt tình trạng chóng mặt và buồn nôn
Một tách trà gừng có thể giúp giảm bớt triệu chứng chóng mặt buồn nôn rất hiệu nghiệm.
Ngoài ra, nếu bạn bị buồn nôn do đang trong quá trình điều trị ung thư, buồn nôn và nôn sau phẫu thuật thì gừng là một giải pháp tuyệt vời. Đối với buồn nôn và nôn sau phẫu thuật, liều lượng có thể sử dụng là: 1-2 gam bột củ gừng nghiền mịn một giờ trước khi phẫu thuật.
Nếu bạn kết hợp gừng, vỏ quýt và đường nâu trước khi uống rượu có thể làm giảm các triệu chứng buồn nôn, nôn và tiêu chảy vào ngày hôm sau khi uống rượu bia.
Công dụng của gừng 6: Giảm đau, kháng viêm
Ngoài những tác dụng trên thì một công dụng của gừng cũng được khá nhiều người mong đợi, đó là gừng có thể giúp giảm đau do viêm khớp.
Một số nghiên cứu cho thấy sử dụng gừng hay sản phẩm có chiết xuất từ gừng có thể làm giảm đau ở một số người với một dạng viêm khớp được gọi là “viêm xương khớp”, giảm đau hông và đầu gối do viêm khớp. Việc sử dụng chiết xuất gừng kết hợp với riềng cũng làm giảm đau khi đứng, đau sau khi đi bộ và cứng khớp.
Công dụng của gừng 7: Giảm Cholesterol
Đã có bằng chứng cho thấy dùng 1 gram viên nang gừng ba lần mỗi ngày trong 45 ngày có thể làm giảm nồng độ Triglycerid và Cholesterol ở những người có lượng cholesterol cao. Hàm lượng Cholesterol cao là một chỉ số thường thấy ở những người béo phì hay thừa cân và có thể dẫn tới một số bệnh về tim mạch.
>> Trà gừng – Đồ uống mùa đông tuyệt vời
Công dụng của gừng 8: Giúp giảm bớt tình trạng ốm nghén
Việc sử dụng gừng trong khi mang thai là chủ đề gây tranh cãi khá nhiều. Có một số lo ngại rằng gừng có thể ảnh hưởng đến hormone giới tính thai nhi hay gây dị tật thai nhi.
Tuy nhiên, các nghiên cứu ở phụ nữ mang thai cho thấy gừng có thể được sử dụng một cách an toàn cho ốm nghén mà không gây hại cho em bé. Liều sử dụng đã được nghiên cứu cho mẹ bầu là 250 mg chiết xuất từ gừng mỗi lần, 4 lần mỗi ngày.
Dùng gừng cũng không có nguy cơ chuyển dạ sớm hoặc làm trẻ sơ sinh nhẹ cân. Có một số lo ngại rằng gừng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi mang thai, vì vậy một số chuyên gia khuyên không nên sử dụng gừng khi gần đến tháng chuyển dạ.
Như với bất kỳ loại thảo dược nào khác, trước khi sử dụng gừng trong khi mang thai, hãy hỏi ý kiến bác sĩ thường khám thai cho bạn nhé!
Một số lầm tưởng về công dụng của gừng
Tắm trong nước có chứa gừng có thể đẩy nhanh quá trình chuyển dạ? Sự thật là tắm trong nước có chứa dầu gừng cũng không rút ngắn thời gian chuyển dạ đâu!
Gừng giúp giảm cân? Chưa có nghiên cứu chứng minh khoa học đáng tin cậy nào nói rằng uống gừng đều đặn sẽ giảm cân.
Giảm nhức nửa đầu? Có bằng chứng cho thấy rằng, thức uống kết hợp giữa gừng và hoa cúc (Feverfew) có thể làm giảm độ dài và cường độ của cơn đau nửa đầu. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu rõ ràng rằng các tác động đó là từ gừng, từ cúc hay do sự kết hợp của cả 2.
Gừng giúp giảm đau cơ bắp sau khi tập thể dục? Có bằng chứng mâu thuẫn về việc liệu gừng giúp giảm đau cơ do tập thể dục hay không nên việc sử dụng gừng để xoa bóp sau khi tập luyện để giảm đau cơ vẫn còn nhiều tranh cãi.
- Ginger. Đọc thêm tại: <http://www.webmd.com/vitamins-supplements/ingredientmono-961-ginger.aspx?activeingredientid=961&activeingredientname=ginger>. [Ngày 01 tháng 12 năm 2015]
- Lợi ích và công dụng của gừng. Đọc thêm tại: <http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=9243:gng-li-ich-ca-gng-cong-dng-ca-gng-cha-bnh-bng-c-gng-cai-hay-ca-gng-nhng-cach-s-dng-gng&catid=11:suc-khoe-va-benh-tat&Itemid=26>. [Ngày 01 tháng 12 năm 2015]
- Ginger and ginger tea while breastfeeding. Đọc thêm tại: <http://www.momjunction.com/articles/ginger-and-ginger-tea-while-breastfeeding_00365770/>. [Ngày 01 tháng 12 năm 2015]
- Fresh ginger and breastfeeding. Đọc thêm tại: <http://www.livestrong.com/article/265204-fresh-ginger-breast-feeding/>. [Ngày 01 tháng 12 năm 2015]