Sức khỏe

Cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính hệ thần kinh trung ương do vi rút viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, rất nguy hiểm, có nguy cơ tử vong và để lại di chứng cao. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần đề cao cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em.

 

Viêm não Nhật Bản – Căn bệnh nguy hiểm

Sau thời gian ủ bệnh kéo dài từ 5-15 ngày, viêm não Nhật Bản sẽ phát triển theo 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn khởi phát, kéo dài từ 1-6 ngày. Bé có sẽ có một số dấu hiệu như sốt đột ngột, thường kèm theo ớn lạnh, cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, nôn hoặc đau đầu.
  • Giai đoạn 2: Đây là giai đoạn toàn phát. Ở giai đoạn này bé tiếp tục bị sốt cao (38-40OC). Lúc này, bé cũng có một số dấu hiệu của viêm màng não như đau đầu; cứng gáy; táo bón; nôn và buồn nôn. Ngoài ra, bé còn có một số biểu hiện của rối loạn ý thức như li bì; hôn mê hoặc bé cũng có thể có những biểu hiện của tổn thương thần kinh trung ương như co giật (ngón tay, lưỡi, mi mắt hoặc toàn thân bị run giật) kèm theo rối loạn thần kinh thực vật.
  • Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn hồi phục. Nếu qua được giai đoạn này, bé có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên trong một số trường hợp nghiêm trọng, viêm não Nhật Bản có thể để lại một số di chứng nghiêm trọng như liệt cứng ở chi trên hoặc chi dưới, liệt mặt hoặc rối loạn tinh thần, mất ổn định về tình cảm, thay đổi tính tình, chậm phát triển trí tuệ.

Phương thức lây truyền của bệnh viêm não Nhật Bản

Bệnh viêm não Nhật Bản lây theo đường máu do muỗi họ Culex đốt. Muỗi hút máu động vật nhiễm virus như các loài chim hoang dã, lợn… rồi từ đó truyền virus cho người. Tuy nhiên, bệnh không lây từ người qua người.

>> Thông tin về bệnh viêm màng não mô cầu mẹ cần biết

Cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em

Bệnh viêm não Nhật Bản lây theo đường máu do muỗi họ Culex đốt

Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em

Để chẩn đoán chính xác bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em, ngoài những đặc điểm lâm sàng bác sĩ có thể yêu cầu bé làm thêm một số xét nghiệm như xét nghiệm MAC-ELISA từ máu hoặc dịch não tủy.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh viêm não Nhật Bản mà chỉ có thuốc hỗ trợ điều trị để làm giảm các triệu chứng của bệnh mà thôi.

Để hạ sốt, mẹ có thể cho bé uống Paracetamol, chườm mát và đặt bé ở nơi thoáng mát.

Trong trường hợp bé bị co giật, bác sĩ có thể cho bé sử dụng Diazepam tiêm bắp hoặc Diazepam pha loãng với 5-10ml dung dịch đẳng trương tiêm chậm tĩnh mạch.

Nếu bé bị co giật hay khó thở, bác sĩ sẽ cho bé thở oxy hoặc hút đờm dãi làm thông thoáng đường thở. Ngoài ra, nếu bé bị ngừng thở có thể thở máy hoặc đặt nội khí quản bóp bóng.

Để chống phù não, bác sĩ có thể truyền tĩnh mạch dung dịch Manitol 20% trong 30 – 60 phút với lượng 1,5 – 2g/kg/lần. Khi bé có các biểu hiện phù não như đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, sử dụng phương pháp này sớm sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn. Có thể truyền lại sau 8 giờ nếu biểu hiện phù não không cải thiện, nhưng không nên truyền chất này quá 3 lần trong 24 giờ và không truyền quá 3 ngày. Bác sĩ cũng có thể truyền dexamethason 0,2 – 0,4mg/kg/lần cách nhau mỗi 8 giờ, tiêm tĩnh mạch chậm, nhưng cũng không được truyền dexamethason quá 3 ngày.

Phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em bằng cách nào?

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản là đưa bé đi tiêm phòng viêm não Nhật Bản. Ngoài ra, còn nhiều bệnh khác ở trẻ mà mẹ cần đưa bé đi tiêm phòng, mẹ xem thêm bài 18 bệnh dịch cần tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Và để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em, mẹ có thể áp dụng một số hướng dẫn dưới đây để phòng ngừa bé bị muỗi chích:

  • Có thể cho bé sừ dụng một số loại thuốc đuổi muỗi có chứa DEET (Ultrathon,Hourguard), Permethrin (Lyclear,Nix) hay Picaridin(Bayrepel, Saltidin). Mẹ lưu ý không nên dùng sản phẩm có chứa DEET cho các bé sơ sinh dưới 2 tháng tuổi nghen, đồng thời, các bé trên 2 tháng tuổi chỉ nên sử dụng các sản phẩm có nồng độ DEET thấp hơn 30%. Một số sản phẩm có thể gây ra tác dụng phụ, vì vậy, mẹ cần đọc kĩ hướng dẫn trước khi cho bé sử dụng bất kì loại sản phẩm nào.
  • Mẹ hãy nhớ tránh các sản phẩm có chứa đồng thời DEET và kem chống nắng nha, vì kem chống nắng cần được sử dụng thường xuyên, trong khi DEET chỉ nên sử dụng 1 lần/ngày. Ngay cả những bé lớn tuổi cũng không nên sử dụng thuốc chống côn trùng có chứa DEET nhiều hơn 1 lần/ngày đâu. Vì nếu sử dụng thường xuyên, sản phẩm này có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc đấy. Ngoài ra, mẹ hãy đảm bảo rửa sạch DEET với nước và xà phòng vào cuối ngày.
  • Cho bé mặc áo dài tay và quần dài khi ở ngoài trời. Sử dụng lưới chống muỗi cho nôi của trẻ sơ sinh.
  • Giữ bé tránh xa những nơi có nhiều côn trùng hoặc những vũng nước đọng.
  • Muỗi thường đốt người vào những thời điểm nhất định trong ngày, phổ biến vào lúc bình minh, hoàng hôn hay chập choạng tối, vì vậy, mẹ cần hạn chế cho bé ra ngoài vào thời gian này.



  1. Japanese Encephalitis. Đọc thêm tại: <http://www.who.int/ith/diseases/japanese_encephalitis/en/>. [Ngày 13 tháng 12 năm 2014].
  2. Japanese Encephalitis Vaccin. Đọc thêm tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a607019.html>. [Ngày 13 tháng 12 năm 2014]
  3. Viêm não Nhật Bản ở trẻ em. Đọc thêm tại: <http://www.dieutri.vn/benhhocnhi/9-12-2011/S1849/Viem-nao-nhat-ban-o-tre-em.htm>. [Ngày 13 tháng 12 năm 2014].
  4. West Nile Virus. Shelov, SP & Altmannn TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA.
  5. Thuốc đuổi muỗi. Đọc thêm tại: <http://www.mass.gov/eohhs/docs/dph/cdc/factsheets/mosquito-repellents-vt.pdf>. [Ngày 12 tháng 12 năm 2014].
  6. Những điều cần biết về bệnh viêm não Nhật Bản và cách phòng chống. Đọc thêm tại: <http://www.nihe.org.vn/new-vn/hoi-dap-ve-dich-benh-viem-nao-nhat-ban/113/Ho%CC%89i-dap-ve%CC%80-be%CC%A3nh-Viem-na%CC%83o-Nha%CC%A3t-Ba%CC%89n.vhtm>. [Ngày 13 tháng 12 năm 2014].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com