Sức khỏe

Giúp con sống chung với bệnh động kinh

Bé bị bệnh động kinh cần sự giám sát chặt chẽ và hỗ trợ nhiều từ phía gia đình. Cha mẹ cần là người luôn bên cạnh hỗ trợ tinh thần, cho bé uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, tái khám thường xuyên,…là những cách hữu ích giúp bé sống “hòa bình” với căn bệnh này.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc hoặc phương pháp nào điều trị khỏi bệnh động kinh, các phương pháp như dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn, phẫu phuật,… chỉ là để kiểm soát, ngưng hoặc giảm bớt các cơn co giật mà thôi. Bên cạnh đó, để hạn chế các cơn co giật tái phát, mẹ cần lưu ý những điều sau đây:

Cho bé dùng thuốc đúng chỉ định và tái khám thường xuyên

Mẹ cần cho bé dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn đồng thời đưa bé đi tái khám ở bác sĩ thần kinh từ 1 – 4 lần/ năm, ngay cả khi tình trạng của bé đã được cải thiện sau khi sử dụng thuốc nhé.

Tránh các tác nhân gây động kinh

Mệt mỏi, sốt cao, chán nản, thiếu ngủ có thể là tác nhân dẫn đến xuất hiện các cơn co giật đấy. Vì vậy, mẹ cần đảm bảo cho bé luôn được thoải mái, duy trì chế độ ăn uống đầy đủ, giảm bớt những căng thẳng không đáng có, ngủ đủ giấc nhằm kiểm soát tình trạng động kinh.

Giup con song chung voi benh dong kinh hinh anh

Mệt mỏi, sốt cao có thể là tác nhân dẫn đến cơn co giật ở trẻ

Giữ an toàn cho bé khi tắm, đi bơi, đạp xe

Nếu bé còn nhỏ, mẹ nên giám sát khi bé tắm, đối với bé lớn hơn thì không nên khóa cửa khi tắm hoặc chỉ cho bé tắm khi có người ở nhà. Mẹ cũng nên giảm nhiệt độ nước nóng (nếu có tắm nước nóng) để tránh trường hợp bé bị bỏng do cơn động kinh xảy ra bất ngờ.

Đối với các bé bị bệnh động kinh, mẹ không nên để bé đi bơi hay đạp xe đạp một mình. Nếu cho bé đi bơi thì cần có người giám sát, hoặc nếu mẹ để bé đạp xe đạp thì hãy đội nón bảo hiểm cho bé.

Hỗ trợ tinh thần cho bé

Đôi khi, vì căn bệnh của mình mà bé cảm thấy xấu hổ, cô lập hoặc nghĩ rằng bản thân mình khác biệt với bạn bè, bé cũng có thể gặp phải một số vấn đề về hành vi và học tập. Vì vậy, mẹ hãy luôn bên cạnh, động viên, khuyến khích bé nói ra những suy nghĩ của mình nhé. Điều này có thể giúp bé cảm thấy tích cực hơn đấy mẹ ạ. Mẹ cũng có thể nhờ đến sự giúp đỡ của giáo viên, nhân viên xã hội, nhân viên tư vấn sức khỏe tâm thần hoặc nhà tâm lý…

Phần lớn các bé bị bệnh động kinh cũng có những ước mơ và hy vọng giống như bao bạn nhỏ khác, vì vậy mẹ không nên ngăn cản mà hãy tạo điều kiện cho bé theo đuổi ước mơ của bản thân mình, mẹ nhé.

Xem thêm: Chẩn đoán và điều trị bệnh động kinh ở trẻ



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Epilepsy in childhood. Đọc thêm tại: <http://www.epilepsysociety.org.uk/epilepsy-childhood#.VU8P247tmkq> [Ngày 8 tháng 5 năm 2015]
  2. Epilepsy. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/epilepsy/symptoms-causes/dxc-20117207> [Ngày 8 tháng 5 năm 2015]
  3. Epilepsy. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/medical/brain/epilepsy.html#> [Ngày 8 tháng 5 năm 2015]
  4. Một số khái quát về bệnh động kinh. Đọc thêm tại: <http://www.bvtt-tphcm.org.vn/n-vn-1256-0/dong-kinh/benh-dong-kinh.html>. [Ngày 22 tháng 05 năm 2015].
  5. Side effects of Epilepsy drugs. Đọc thêm tại: <http://www.medicinenet.com/epilepsy_treatment/page2.htm>. [Ngày 22 tháng 05 năm 2015].
  6. Can seizures be prevented. Đọc thêm tại: http://www.webmd.com/epilepsy/guide/can-seizures-be-prevented. [Ngày 22 tháng 05 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com