Làm gì nếu tê tay chân khi mang thai tháng thứ 6 “hoành hành”??? Khi mang thai tháng thứ 6, nhiều mẹ hay bị tê tay chân, đây là một tình trạng phổ biến và thường chấm dứt sau khi sinh, nhưng đôi khi tình trạng này có thể kéo dài và khiến mẹ khó chịu.
>> Vượt qua thách thức phù chân khi mang thai bằng cách nào?
Tê tay chân khi mang thai tháng thứ 6, nguyên nhân do đâu?
Tê tay chân là cảm giác tê và như bị châm chích ở các đầu ngón tay, ngón chân và nếu mẹ thấy đau và tê tập trung ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón áp út thì có lẽ mẹ đã mắc phải hội chứng ống cổ tay (CTS). Nhiều phụ nữ đã trải qua cảm giác này trong suốt thai kỳ của mình, nguyên nhân của tình trạng này là do:
Các mô sưng gây chèn ép các sợi dây thần kinh:Tình trạng tê tay chân khi mang thai thường gặp nhất ở những người phải làm công việc đòi hỏi cử động bàn tay lặp đi lặp lại liên tục, ví dụ như người nghệ sĩ chơi dương cầm hoặc là người làm việc văn phòng chuyên gõ máy tính.
Tại sao ư? Vì cấu trúc ống cổ tay, nơi có thần kinh đi qua để chi phối cho ngón tay tương ứng, bị phù lên trong suốt thai kỳ (cũng giống như các mô khác trong cơ thể bị sưng), chính sự gia tăng áp lực này đã gây ra các triệu chứng như tê, cảm giác châm chích, nóng rát hoặc đau nhức. Các triệu chứng ấy không chỉ xuất hiện ở bàn tay, cổ tay mà còn lan lên khắp cả cánh tay.
Lười vận động hoặc tư thế ngủ không thoải mái: Ở bà bầu, khả năng lưu thông máu sẽ kém hơn người bình thường, do vậy việc tay chân bị chèn ép khi ngủ hoặc ngồi một chỗ quá lâu sẽ làm máu kém lưu thông và đẫn dến tình trạng tê tay chân khi mang thai.
Vấn đề bệnh lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bị tê tay chân khi mang thai như:
- Cơ thể thiếu khoáng chất (canxi, magie) và các vitamin thiết yếu (B1, B2, B9).
- Thiếu máu, hạ đường huyết (Thiếu máu do thiếu sắt là nguyên nhân hay gặp trong 3 tháng đầu)
- Cơ thể thiếu nước dẫn đến việc ứ đọng nhiều các sản phẩm lactate tại chỗ, gây mỏi cơ.
- Tiểu đường
- Béo phì
Tại sao mẹ bầu thường tê tay chân khi mang thai vào buổi tối?
Mặc dù cơn đau của hội chứng CTS có thể khởi phát vào bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng mẹ thường cảm thấy cổ tay mình đau nhiều hơn vào buổi tối. Đấy là do sự tích tụ dịch ở chân trong suốt cả ngày làm việc, đến bây giờ khi mẹ nằm xuống nghỉ ngơi chúng sẽ tái phân bố dịch trở lại vào các phần còn lại của cơ thể, trong đó có bàn tay. Chính vì vậy, việc nằm ngủ đè lên tay sẽ làm tình trạng tê tay chân khi mang thai tồi tệ hơn.
Cải thiện tình trạng tê tay chân khi mang thai bằng cách nào?
Để khắc phục tình trạng tê tay chân khi mang thai tháng thứ 6 cũng như các tháng khác của thai kỳ bạn nên tham khảo những mẹo cực hay sau:
“Nói không” với lười biếng: Ở bà bầu, khả năng lưu thông máu sẽ kém hơn người bình thường, vậy nên các mẹ bầu cần siêng tập thể dục hơn, vừa tốt cho sức khỏe vừa là giải pháp hiệu quả cải thiện tình trạng tê tay chân khi mang thai đấy ạ.
Thư giãn…thư giãn…: Khi “vướng phải” tình trạng tê tay chân khi mang thai thì bạn cần di chuyển nhiều hơn thay vì ngồi lì một chỗ đấy. Đặc biệt nếu công việc của bạn thường xuyên vận động “kiệt sức” các ngón tay (đánh bàn phím,..), bạn cần thường xuyên đi lại, vươn tay thư giãn và đừng quên xoa bóp ngón tay.
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu lành mạnh: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tê tay chân khi mang thai là do cơ thể bạn thiếu hụt canxi và magie. Do vậy bạn đừng quên bổ sung các thực phẩm giàu canxi vào khẩu phần ăn mỗi ngày của mình nhé: sữa, tôm, cua, cá,. Bên cạnh đó, cũng đừng quên bổ sung các vitamin cần thiết như C, E, P – tăng tính năng bảo vệ các tĩnh mạch.
>> Bà bầu cần bổ sung vitamin như thế nào cho đúng?
Chọn tư thế ngồi, ngủ thật thoải mái: Nếu khi ngồi hoặc ngủ bạn cảm thấy tê tay/chân, hãy xoa bóp nhẹ, lắc lắc cổ tay/chân và nhanh chóng đổi tư thế để máu lưu thông tốt hơn. Một lưu ý nhỏ cho các mẹ bầu là không dùng cánh tay để gối đầu cho bé nhé.
Sử dụng đá hoặc tinh dầu: Dù đã xoa bóp, lắc cổ tay/chân hay đổi vị tư thế nhưng tình trạng tê tay chân khi mang thai của bạn không thuyên giảm thì có thể sử dụng đá hoặc tinh dầu nhé.
- Chườm lạnh cũng giúp giảm sưng và đau. Không nên chườm nóng vì có thể làm tình trạng sưng nề tăng thêm.
- Ngâm tay vào chậu nước có một vài giọt tinh dầu lavender hay hoa cúc để giảm đau rất hiệu quả.
Đi thăm khám: Nếu tình trạng tê tay chân khi mang thai thường xuyên làm phiền và khiến bạn mất ngủ về đêm mặc dù bạn đã áp dụng các mẹo cải thiện trên, hãy nhờ đến bác sĩ.
Việc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid và nhóm steroid để điều trị hội chứng CTS thường không được khuyến cáo sử dụng trong thai kỳ. Tốt nhất mẹ nên hỏi thêm ý kiến của bác sĩ. May mắn thay, tình trạng phù do thai kỳ thường sẽ tự hết sau khi bà mẹ sinh con xong, và lúc đó hội chứng ống cổ tay cũng hết hẳn.
Làm gì nếu vẫn bị tê tay chân sau khi sinh con?
Trong vòng một năm sau khi bé được sinh ra, triệu chứng tê tay chân thường sẽ biến mất cùng với tình trạng phù. Tuy nhiên, sau khi sinh con hơn 1 năm, nhiều mẹ vẫn còn tiếp diễn tình trạng tê tay chân này và do đó cần đến bác sĩ để điều trị.
Tiêm thuốc steroid: Nếu dùng nẹp bó cổ tay lại không còn hiệu quả, thì bác sĩ có thể dùng phương pháp chích thuốc corticosteroid (steroid) cho mẹ. Phương pháp điều trị này giúp giảm viêm và dịu bớt áp lực chèn ép lên dây thần kinh. Tuy nhiên, đây chỉ là điều trị ngắn hạn, tạm thời.
Phẫu thuật: Nếu triệu chứng tê tay chân vẫn không cải thiện được, bác sĩ có thể đưa ra đề nghị thực hiện tiểu phẫu ở bàn tay. Trong thủ thuật này, người phẫu thuật viên sẽ thực hiện cắt bỏ dây chằng để làm dịu bớt triệu chứng chèn ép lên dây thần kinh. Bà mẹ chỉ cần được gây tê vùng/khu trú trong suốt thời gian làm phẫu thuật.
Nhưng mẹ có thể yên tâm vì hội chứng ống cổ tay chỉ là một vấn đề nhỏ của thai kỳ, thông thường nó có thể tự biến mất và sẽ chẳng bao giờ cần đến phẫu thuật để điều trị.
- Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA.
- Carpal tunnel syndromein pregnancy. Đọc thêm tại: <http://www.babycentre.co.uk/a234/carpal-tunnel-syndrome-in-pregnancy#ixzz3ixYB9A22>. [Ngày 15 tháng 08 năm 2015]