Chăm sóc bà bầu

Hiện tượng sinh non – Biến chứng thai kỳ thường gặp

Sinh non là một trong những biến chứng khi mang thai có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển và tăng trưởng của trẻ. Cùng bài viết đi tìm nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sinh non để giảm thiểu nguy cơ xảy ra và cách phòng ngừa nhé!

Sinh non là gì?

Chuyển dạ sinh non là chuyển dạ khởi phát sau tuần thứ 20 của thai kỳ và trước khi kết thúc tuần thứ 37.

Chuyển dạ sinh non rất thường gặp (ở Mỹ, tỉ lệ thống kê khoảng 12% trường hợp phụ nữ mang thai bị sinh non).

Nguyên nhân sinh non là gì?

Nguyên nhân có thể dẫn đến biến chứng chuyển dạ sinh non khi mang thai bao gồm hút thuốc lá, uống rượu, lạm dụng thuốc, tăng cân quá ít trong thai kỳ hoặc tăng cân quá nhiều, thiếu dinh dưỡng, nhiễm trùng nướu răng và các bệnh nhiễm trùng khác (như bệnh lây qua đường sinh dục, nhiễm khuẩn âm đạo, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng ối), bất túc cổ tử cung, tử cung tăng kích thích, các bệnh mãn tính của mẹ, nhau bong non hay nhau tiền đạo. Các mẹ nhỏ hơn 17 tuổi hay lớn hơn 35 tuổi, mẹ mang đa thai, hay từng có tiền căn chuyển dạ sinh non cũng làm tăng nguy cơ sinh non. Hiện tượng sinh non cũng phổ biến hơn ở những mẹ có điều kiện chăm sóc kém. Ngoài ra, phần lớn các trường hợp sinh non là do chỉ định của bác sĩ liên quan đến các tình trạng y khoa cần phải cho chuyển dạ sinh non như tiền sản giật hay ối vỡ non.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu nhiều hơn các nguyên nhân sinh non vì khoảng một nửa các trường hợp chuyển dạ sinh non không tìm được yếu tố nguy cơ.

Dấu hiệu và triệu chứng khi sinh non

Các dấu hiệu sinh non và triệu chứng mà mẹ có thể gặp phải (một hoặc tất cả):

  • Chuột rút như trong kỳ kinh nguyệt
  • Các cơn gò tử cung thường xuyên và tăng lên kể cả khi mẹ thay đổi tư thế.
  • Áp lực nặng vùng lưng
  • Chằng nặng bất thường vùng chậu
  • Xuất huyết âm đạo
  • Vỡ màng ối
  • Thay đổi ở cổ tử cung (cổ tử cung dãn mỏng, mở rộng và rút ngắn hơn) thấy được qua siêu âm.

Hiện tượng sinh non - Biến chứng thai kỳ thường gặp

Chuột rút – Một trong những triệu chứng mẹ sinh non có thể gặp phải

Những điều mà mẹ và bác sĩ có thể làm?

Bởi vì mỗi ngày bé ở trong bụng mẹ sẽ làm tăng khả năng sống và sự khoẻ mạnh cho bé, nên mục tiêu điều trị cơ bản là kéo dài thai kỳ càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, không dễ để ngăn chặn hiện tượng sinh non. Các phương pháp được khuyến cáo thường xuyên như nằm nghỉ ngơi tại giường (bed rest), uống nhiều nước, theo dõi hoạt động của tử cung tại nhà dường như không hiệu quả trong việc ngăn chặn hay phòng ngừa chuyển dạ sinh non, nhưng nhiều bác sĩ vẫn yêu cầu tiến hành chúng.

Ngoài ra, nếu mẹ có các cơn gò tử cung sớm, các bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp điều trị khác như bổ sung progesterone để làm giảm hoạt động của tử cung (thuốc thường chỉ được dùng cho các mẹ có tiền căn chuyển dạ sinh non hoặc mẹ có cổ tử cung ngắn mà không mang đa thai hay đang dùng thuốc giảm co tử cung); kháng sinh (nếu nhiễm trùng cấy vi khuẩn phát hiện liên cầu khuẩn nhóm B) hoặc cho dùng thuốc giảm co tử cung (có thể tạm thời dừng các cơn co tử cung và kéo dài thời gian chờ tác dụng của steroid giúp phổi thai nhi trưởng thành nhanh hơn, vì vậy sẽ giúp thai nhi có sức khỏe tốt hơn thay vì phải đối mặt với sinh non). Tại bất kì thời điểm nào mà bác sĩ ghi nhận các nguy cơ cho mẹ và bé khi kéo dài thai kỳ cao hơn nguy cơ sinh non, bác sĩ sẽ không cố gắng kéo dài thai kỳ nữa.

Cách phòng ngừa hiện tượng sinh non

Không thể ngăn ngừa tất cả các trường hợp sinh non vì không phải tất cả các yếu tố nguy cơ đều có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, những biện pháp sau đây có thể góp phần làm giảm nguy cơ sinh non (và cũng góp phần nâng cao sức khoẻ thai): uống bổ sung acid folic trước khi có thai, chăm sóc tiền sản sớm, dinh dưỡng đầy đủ (bổ sung đầy đủ các loại vitamin, đặc biệt là vitamin D); chăm sóc răng miệng tốt, không hút thuốc, không dùng cocain, không uống rượu và các loại thuốc không được bác sĩ kê toa; khám phát hiện và điều trị sớm các tình trạng nhiễm trùng như viêm âm đạo do vi trùng và nhiễm trùng đường tiết niệu; tuân theo các chỉ định và lời khuyên của bác sĩ như hạn chế các hoạt động mạnh bao gồm quan hệ tình dục, đứng lâu hay công việc đòi hỏi phải đi bộ nhiều, đặc biệt với những mẹ đã có tiền căn sinh non.

Biến chứng của hiện tượng sinh non

Sinh non có thể gây ra một số mối quan ngại về sức khỏe của bé, chẳng hạn như sinh nhẹ cân, khó thở suy hô hấp, các bộ phận cơ thể kém phát triển và các rối loạn thị lực. Những bé sinh non cũng có nguy cơ chậm phát triển về khả năng học tập và các vấn đề về hành vi.

Có lẽ mẹ muốn biết?

Một bé sinh non tháng thường cần được chăm sóc tại khoa chăm sóc sơ sinh trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng đầu. Mặc dù non tháng có liên quan đến sự chậm tăng trưởng và hạn chế phát triển, nhưng hầu hết các bé sinh non đều bắt kịp và không để lại di chứng kéo dài. Nhờ vào sự phát triển trong lĩnh vực chăm sóc sơ sinh, các bé hầu hết đều khoẻ mạnh khi được cho xuất viện.

Dự đoán chuyển dạ sinh non

Kể cả các mẹ có những yếu tố nguy cơ cao của sinh non, hầu hết các mẹ sẽ chuyển dạ khi thai đủ tháng. Một cách để dự báo chuyển dạ sinh non là đo lường chất bài tiết của cổ tử cung hoặc âm đạo, gọi là fetal fibronectin (fFN). Các nghiên cứu cho thấy một số mẹ có kết quả xét nghiệm dương tính với fFN có nguy cơ chuyển dạ sinh non trong vòng 1-2 tuần sau khi xét nghiệm. Tuy nhiên, xét nghiệm có giá trị hơn trong việc chẩn đoán các mẹ không có nguy cơ sinh non (kết quả âm tính) so với dự đoán mẹ có nguy cơ sinh non. Khi fFN dương tính, cần phải có các biện pháp làm giảm nguy cơ sinh non. Xét nghiệm hiện nay được sử dụng rộng rãi nhưng chỉ áp dụng cho các mẹ có nguy cơ cao. Nếu mẹ không có các yếu tố nguy cơ cao thì không cần phải làm xét nghiệm này.

Một xét nghiệm tầm soát khác nữa là đo chiều dài cổ tử cung. Đo chiều dài cổ tử cung qua siêu âm trước tuần thứ 30 để xác định xem có các dấu hiệu cổ tử cung ngắn hay hở không. Cổ tử cung ngắn làm tăng nguy cơ sinh non đặc biệt khi cổ tử cung bắt đầu ngắn vào giai đoạn sớm của thai kỳ.

Các xét nghiệm khác có thể dùng để chẩn đoán hiện tượng sinh non bao gồm:

  • Khám khung chậu: để đánh giá độ săn chắc và độ căng tức của tử cung, kích thước và vị trí của bé. Ngoài ra, bác sĩ còn xác định xem cổ tử cung đã bắt đầu mở hay chưa (nếu mẹ không bị vỡ màng ối hay nhau tiền đạo).
  • Đo cơn gò tử cung: bác sĩ sử dụng một máy monitor để đo thời gian và khoảng cách giữa các cơn co thắt tử cung.
  • Chọc ối định độ trưởng thành: để xác định sự trưởng thành phổi của bé. Kỹ thuật này cũng có thể được sử dụng để phát hiện nhiễm trùng trong nước ối.



  1. Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA. P556-558
  2. Preterm labor. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/preterm-labor/basics/complications/con-20035359>. [Ngày 12 tháng 12 nằm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com