Khi mẹ mang thai tuần 19, sắt và canxi là dưỡng chất cần thiết hơn hết mà mẹ cần bổ sung. Ngoài ra, mẹ cũng nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C nữa nhé, chúng sẽ giúp mẹ hấp thu tối đa dưỡng chất sắt.
>> Mang thai tuần thứ 20 và những điều mẹ bầu cần quan tâm
>> Khám phá sự phát triển thú vị của thai nhi qua các tuần
Sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ ở tuần 19
Đáy tử cung (dạ con) của mẹ giờ đã chạm rốn và sẽ cao thêm khoảng 1cm mỗi tuần. Thai nhi 19 tuần tuổi đo từ đỉnh đầu xuống mông dài khoảng 15cm, nặng tầm 240g và lớn như quả cà chua rồi đấy ba mẹ à. Bé con hiện đang nuốt dịch ối vào, và thận thì tiếp tục sản xuất ra nước tiểu. Trên da đầu, tóc bé cũng đang mọc ra.
Tuần này cũng là tuần mà sự phát triển giác quan của thai nhi trong bụng mẹ lên đến đỉnh điểm. Các tế bào thần kinh chịu trách nhiệm cho từng giác quan – vị giác, khứu giác, thính giác, thị giác và xúc giác – đang sinh sôi ở những khu vực chuyên biệt của não bộ. Sự sản xuất các tế bào thần kinh giảm khi các tế bào thần kinh hiện có lớn lên và tạo được những liên kết phức tạp hơn.
Khi thai nhi được 19 tuần tuổi là có thể mẹ đã bắt đầu cảm nhận được các chuyển động của bé con rồi. Nếu trước giờ mẹ vẫn chưa có cảm giác gì rằng mình sắp có con thì chẳng có gì khiến mẹ chắc chắn hơn về điều đó bằng việc cảm nhận được cử động của bé lần đầu tiên.
Hầu hết phụ nữ mang thai bắt đầu cảm nhận được cử động của thai (được gọi là thai máy) giữa thời gian 18 tuần và 20 tuần tuổi.
Nếu đã từng mang thai trước đây thì thường mẹ sẽ sớm thấy thai máy hơn. Điều mà lúc đầu mẹ nghĩ là do bụng bị sôi lại có thể được gây ra khi bé con thực hiện mấy cú lộn ngược đấy. Mẹ nhớ ghi chép lại thời điểm lần đầu cảm thấy cử động của bé để nói cho bác sỹ biết vào lần khám thai tới nhé.
Mẹ hãy xem thêm bài những thắc mắc xoay quanh vấn đề quan hệ khi mang thai để biết liệu chuyện ấy có ảnh hưởng đến em bé không hay cách quan hệ an toàn cho việc mang thai nhé.
Mẹ bầu nên ăn gì khi mang thai tuần 19?
Khi mẹ mang thai tuần 19, mẹ cần bổ sung đủ lượng chất sắt cho cơ thể. Cơ thể cần nhiều sắt vì nhu cầu về lượng máu tăng, cũng như đáp ứng cho sự phát triển của bé.
Một số loại thực phẩm giàu sắt mà mẹ nên ăn là các loại thịt đỏ, các loại đậu, rau lá xanh đậm, nước ép mận, nho khô… Mẹ cũng nên kết hợp những thức ăn có chứa chất sắt với những thực phẩm giàu vitamin C. Vitamin C có tác dụng hỗ trợ cho quá trình hấp thu sắt.
Ngoài ra, chứng ợ nóng có thể làm phiền mẹ mang thai tuần 19 đấy. Mẹ nên tránh việc ăn quá no, dùng thức uống có cồn và ăn đồ cay. Mẹ cũng có thể dùng thêm thuốc kháng axit để cảm thấy thoải mái hơn và an toàn cho thai nhi. Mẹ nhớ hỏi trước bác sĩ để biết được loại thuốc kháng axit nào phù hợp với mình nhé.
Để tránh nhiễm khuẩn, mẹ bầu nên tránh các loại thực phẩm như lạp xưởng, nem chua, thức ăn thừa trong tủ lạnh… Tốt nhất là sử dụng thức ăn đã nấu chín và đảm bảo an toàn vệ sinh.
Ngoài ra, một số mẹ mang thai tuần 19 có thể sẽ cảm thấy thèm các “món” kỳ lạ như: cát, than, bột giặt… Có thể vì lúc này cơ thể mẹ có nhu cầu về các chất có trong những “món” này đấy. Tuy nhiên, đừng ăn mẹ nhé, thay vào đó, mẹ hãy đảm bảo có một thực đơn đầy đủ các chất dinh dưỡng, phong phú cả mùi vị lẫn thành phần.
Mời ba mẹ xem video về sự phát triển thai nhi ở tuần 19:
- Fetal development – 19 weeks pregnant. Đọc thêm tại: <http://www.babycentre.co.uk/19-weeks-pregnant>. [Ngày 14 tháng 04 năm 2016]
- Thai 19 tuần tuổi. Đọc thêm tại: <http://nhatkybe.vn/cam-nang/thuoc-phat-trien/thai-19-tuan-tuoi.html>. [Ngày 14 tháng 04 năm 2016]
- Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 19. Đọc thêm tại: <http://www.marrybaby.vn/40-tuan-thai/su-phat-trien-cua-thai-ky-tuan-thai-thu-19>. [Ngày 14 tháng 04 năm 2016]
- Thai nhi tuần 19. Đọc thêm tại: <https://www.huggies.com.vn/mang-thai/thai-nhi-theo-tuan/thai-nhi-tuan-19/>. [Ngày 14 tháng 04 năm 2016]