Chưa đến tuổi dậy thì nhưng một số bé gái đã phát triển ngực ở độ tuổi 6-7, còn bé trai dưới 9 tuổi lại có dấu hiệu tăng kích cỡ tinh hoàn được gọi là dậy thì sớm. Nếu con bạn gặp phải tình trạng này thì hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân trẻ dậy thì sớm.
Thông thường, các bé gái bắt đầu dậy thì ở độ tuổi từ 8-14 còn bé trai là từ 9-16 tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi chính xác dậy thì của trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm cả tiền sử gia đình, dinh dưỡng và giới tính. Bên cạnh một số bé dậy thì muộn thì tình trạng dậy thì sớm vẫn không phải là hiếm, và cứ 160 trẻ thì có 1 trẻ sẽ rơi vào trường hợp này.
Nguyên nhân gây ra dậy thì sớm là gì?
Dưới đây là một số nguyên nhân nghi ngờ dẫn đến tình trạng dậy thì sớm ở trẻ:
- Có các khối u, u nang, buồng trứng hoặc tuyến giáp bất thường.
- Rối loạn hệ thần kinh trung ương, ví dụ như u não, bại não, bệnh xơ cứng củ, u xơ thần kinh.
- Ảnh hưởng chậm của các liệu pháp xạ trị lên não hoặc tủy sống trong điều trị các bệnh ung thư trong giai đoạn thơ ấu.
- Hội chứng McCune-Albringht.
- Nam giới trong gia đình có tiển sử dậy thì trước tuổi.
Trẻ dậy thì sớm hay muộn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Tuy vậy, trong số các bé mắc phải chứng dậy thì sớm thì có khoảng 90% bé gái và 50% bé trai không hề mắc một căn bệnh nào cho thấy có liên quan đến tình trạng này.
Các triệu chứng của dậy thì sớm như thế nào?
Đối với bé gái, dậy thì sớm phát triển trước 8 tuổi sẽ có những dấu hiệu dưới đây:
- Lông nách hoặc lông mu phát triển.
- Ngoại hình bắt đầu phát triển nhanh.
- Ngực phát triển.
- Có kinh nguyệt.
- Cơ quan sinh dục ngoài hoàn thiện.
Đối với các bé trai, dậy thì sớm là khi những dấu hiệu dưới đây xuất hiện trước 9 tuổi:
- Xuất hiện lông nách hoặc lông mu.
- Tinh hoàn và dương vật phát triển.
- Xuất hiện râu ở mặt, thường râu sẽ mọc đầu tiên ở phần phía trên môi.
- Cơ bắp phát triển.
- Vỡ giọng.
Mặc dù trẻ dậy thì sớm hơn các bạn đồng trang lứa nhưng sự phát triển của trẻ vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, tốt hơn hết nếu con bạn gặp phải tình trạng dậy thì sớm thì hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra nhé.
Bạn cũng cần lưu ý là có một số trẻ gặp phải tình trạng có lượng hormone sinh dục cao, chúng sẽ kích thích sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, mặc dù trẻ rất phổng phao về ngoại hình nhưng kích thước tinh hoàn và buồng trứng của trẻ vẫn tương ứng với độ tuổi, các bé trai vẫn chưa thể sản sinh tinh trùng, bé gái chưa bắt đầu rụng trứng. Điều này còn được xem như là dậy thì chưa hoàn toàn (hay dậy thì giả).
Bạn có thể khó tin nhưng việc sử dụng kem dưỡng tóc, mỹ phẩm có chứa estrogen có thể là đóng góp vào việc rối loạn phát triển này của trẻ.
Có cách chữa trị dậy thì sớm ở trẻ hay không?
Việc điều trị dậy thì sớm còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Trong một số trường hợp bác sĩ chuyên khoa nội tiết có thể đề nghị chữa trị cho trẻ bằng liệu pháp ức chế hormone. Liệu pháp ức chế không làm ngăn chặn quá trình phát triển mãi mãi mà chỉ để kéo dài thời gian trước dậy thì của bé. Quá trình phát triển của bộ phận sinh dục sẽ bắt đầu ở độ tuổi phù hợp hơn giúp trẻ không còn cảm giác bị “ lạc bầy” giữa đám bạn cùng trang lứa.
Nhưng nếu nguyên nhân trẻ dậy thì sớm là do các khối u thì bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ khối u.
Một số vấn đề có thể xảy ra đối với trẻ dậy thì sớm?
Trẻ dậy thì sớm có thể sau này không đạt được chiều cao như các bạn cùng trang lứa vì sự tăng trưởng của trẻ dừng lại quá sớm.
Ngoài ra, sự phát triển tình dục sớm có thể sẽ làm trẻ mắc phải một số vấn đề về tâm lý xã hội. Trẻ ở độ tuổi này luôn mong muốn được giống như các bạn bè cùng trang lứa nhưng dậy thì sớm có thể làm cho trẻ trông khác với bạn bè, vì vậy cha mẹ cần kịp thời giải thích để giảm bớt sự lo lắng cho trẻ.
- Early arrivals: Precocious and pseudoprecocious puberty. Donald E. Greydanus, MD., F.A.A.P., Editor-in-chief and philip Bashe, (eds) 2003, Caring for your teenager, Bantam books, USA
- Precocious puberty. Đọc thêm tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001168.htm>. [Ngày 21 tháng 01 năm 2015]