Tôi đã nghe nói về bị trĩ khi mang thai và rất lo lắng mình sẽ bị mắc căn bệnh này, tôi có thể làm gì để ngăn chặn bệnh trĩ không? Và cách chữa bệnh trĩ cho bà bầu là gì??
Trĩ là một cơn đau to lớn ở mông, hơn một nửa phụ nữ mang thai gặp phải bệnh trĩ, đặc biệt khoảng giữa tam cá nguyệt thứ 2 đến thứ 3.
Nguyên nhân mẹ bị trĩ khi mang thai
Phụ nữ mang thai dễ bị giãn tĩnh mạch dưới chân, và vào thời điểm này, các tĩnh mạch vùng ruột thẳng (trực tràng) cũng như vậy. Áp lực từ tử cung đang mở rộng, cộng với sự tăng lưu lượng máu đến vùng xương chậu có thể làm cho các tĩnh mạch vùng ruột thẳng (trực tràng) bị sưng, phồng và ngứa.
Táo bón có thể làm nặng thêm tình trạng này, hoặc thậm chí gây ra bệnh trĩ, vì khi phân bị cứng mẹ sẽ phải cố gắng rặn khi đi vệ sinh, từ đó gây áp lực lên vùng trực tràng của mẹ và thế là nó bị sưng và phình lên.
Bạn có thể làm gì?
Rất may mắn là vẫn còn nhiều cách giúp mẹ tránh bị trĩ khi mang thai, hoặc ít nhất là hạn chế sự khó chịu khi bị bệnh trĩ.
- Cách phòng ngừa tốt nhất đầu tiên là mẹ phải tránh bị táo bón bằng cách đi vệ sinh thường xuyên hơn, uống nhiều nước và cung cấp thêm chất xơ vào thực đơn.
- Tập các bài tập Kegels cũng có thể giúp mẹ tránh khỏi bệnh trĩ bằng cách cải thiện lưu thông máu đến khu vực này.
- Giảm áp lực bằng cách ngủ nghiêng qua một bên, không nên nằm ngửa khi ngủ. Tốt nhất mẹ nên nghiêng qua bên trái một vài lần trong ngày nhằm làm giảm áp lực lên các mạch máu vùng hậu môn.
- Hãy tiếp tục chuyển động. Tránh đứng hoặc ngồi nhiều giờ liền, mẹ hãy cố gắng đi lại 5 phút mỗi tiếng, điều này sẽ cải thiện lưu thông máu.
- Đừng quá cố gắng và không kéo dài thời gian vào nhà vệ sinh (bỏ những quyển sách và các tài liệu có thể đọc khác ra khỏi phòng tắm để mẹ không bị cám dỗ vừa ngồi vừa đọc). Nếu mẹ không thể đi tiêu được hãy thử một số cách làm giảm hoặc tránh bị táo bón. Ngồi với hai chân để trên một chiếc ghế đẩu thấp có thể giúp mẹ dễ đi tiêu hơn đấy.
- Hãy luôn giữ vệ sinh sạch sẽ. Sử dụng nước ấm và giấy vệ sinh hai lớp mềm (giấy trắng và không mùi) để lau sau khi đi tiêu. Tránh lau quá mạnh tay mẹ nhé, vì sẽ làm rát vùng da nhạy cảm này. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể dùng khăn giấy ướt nếu như lau bằng khăn giấy khô khiến mẹ đau hơn.
- Tắm bồn nước ấm 5 – 10 phút cũng có thể làm giảm sự khó chịu và giữ cho cơ thể sạch sẽ. Hoặc mẹ có thể ngâm mông của mình trong bồn nước ấm từ 10 – 15 phút vài lần mỗi ngày.
- Để làm dịu các chỗ đau do bị bệnh trĩ khi mang thai, mẹ hãy dùng thử miếng đệm witch hazel hoặc chườm nước đá. Nếu việc ngồi khiến mẹ bị đau thì hãy dùng gối hình donut để giảm bớt áp lực.
Ngoài ra, mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc, thuốc bôi hoặc các liệu pháp khác để điều trị bệnh trĩ khi mang thai. Hầu hết các sản phẩm hỗ trợ khi bị trĩ không nên sử dụng quá một tuần, nếu sử dụng lâu hơn có thể khiến tình trạng viêm nặng hơn. Đừng cố áp dụng những kinh nghiệm dân gian nhé, vì đôi khi sẽ không tốt cho sức khỏe của mẹ đâu. Tốt nhất là mẹ nên đi khám bác sĩ về vấn đề bị trĩ.
Bị trĩ khi mang thai và những điều cần biết
Bệnh trĩ đôi khi có thể gây chảy máu, đặc biệt là khi mẹ đang đi đại tiện, mặc dù những vết nứt hậu môn (nứt một cách đau đớn trên da hậu môn, do áp lực khi đi vệ sinh lúc bị táo bón) cũng có thể là nguyên nhân gây chảy máu trực tràng.
Việc bị chảy máu trực tràng luôn luôn cần được thăm khám bởi bác sĩ, nhưng thường chỉ có hai thủ phạm chính là do trĩ và các vết nứt hậu môn. Bị trĩ khi mang thai không nguy hiểm (chỉ gây khó chịu) và thường hết sau khi sinh – mặc dù chúng cũng có thể tiếp tục phát triển sau khi sinh như là kết quả việc cố rặn lúc đẻ.
1. Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA. P 272
2. Hemorrhoids During Pregnancy. Đọc thêm tại: <http://www.whattoexpect.com/pregnancy/symptoms-and-solutions/hemorrhoids.aspx>. [Ngày 07 tháng 09 năm 2015].
3. Hemorrhoids during pregnancy. Đọc thêm tại: <http://www.babycenter.com/0_hemorrhoids-during-pregnancy_244.bc>. [Ngày 07 tháng 09 năm 2015].