Một đứa trẻ có thể trở nên có trách nhiệm hơn và cảm thấy tự hào khi trẻ ở nhà một mình nếu trẻ đã sẵn sàng cho việc đó. Bên cạnh đó, cha mẹ cần có trách nhiệm chỉ dạy, hướng dẫn trẻ để đảm bảo an toàn cho trẻ trong thời gian cha mẹ vắng mặt.
Trẻ có thể ở nhà một mình hay không là một câu hỏi cho không ít bậc cha mẹ hiện nay. Vì sao vậy? Vì không phải lúc nào bạn cũng luôn có mặt bên cạnh con, nhất là khi bé đã lớn hơn một chút và có thể tự lập hơn. Điều quan trọng là bạn cần chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để đảm bảo an toàn cho bé.
Khi trẻ ở nhà một mình
Chồng chị Hồng đi làm xa nhà, 1 tháng mới về nhà một lần nên bình thường chỉ có hai mẹ con chị ở nhà với nhau. Cu Tí năm nay lên lớp 5, thằng bé rất ngoan ngoãn và hiểu chuyện nên dù sống xa chồng, chị Hồng cũng được an ủi phần nào.
Thời gian gần đây công ty chị Hồng khá nhiều việc nên sếp yêu cầu chị và một số nhân viên phải tăng ca làm thêm giờ, từ sáng cho đến 8h tối mới được về nhà. Được phòng Nhân sự thông báo, chị Hồng rất lo lắng không biết phải gửi cu Tí cho ai cho yên tâm.
Sau khi tham khảo ý kiến của một số chị em có kinh nghiệm, chị đành quyết định cho con ở nhà một mình trong thời gian mình phải đi làm vì không còn cách nào khác. Chị bắt đầu hướng dẫn con và chuẩn bị mọi thứ, sẵn sàng bảo đảm an toàn cho con.
Ở nhà một mình – trải nghiệm tích cực
Không chỉ riêng cu Tí con nhà chị Hồng, mỗi ngày sau giờ học, nhiều trẻ em phải về nhà một mình, ở nhà một mình và tự chăm sóc bản thân trong khi cha mẹ bận đi làm. Có khi trẻ sẽ phải tự chăm sóc bản thân vào buổi tối, cuối tuần hoặc trong các kỳ nghỉ – bất cứ khi nào cha mẹ hoặc các người lớn khác vắng nhà.
Vào giai đoạn thích hợp, việc trẻ ở nhà một mình có thể là một trải nghiệm tích cực cho trẻ. Một đứa trẻ có thể trở nên có trách nhiệm hơn và cảm thấy tự hào khi ở nhà một mình nếu trẻ đã sẵn sàng cho việc đó.
Ở độ tuổi 11 hay 12, hầu hết trẻ em không có khả năng xử lý các tình huống căng thẳng hoặc trường hợp khẩn cấp yêu cầu trẻ phải đưa ra quyết định đúng đắn khi trẻ ở nhà một mình. Do đó cách tốt nhất là cha mẹ nên bố trí để người lớn hay một trẻ vị thành niên lớn tuổi hơn ở nhà cùng trẻ khi cha mẹ đi vắng, hoặc có cách giám sát khác hiệu quả hơn.
Một số trường hợp ngoại lệ khi trẻ ở độ tuổi 8 – 10, một số trẻ đã đủ chín chắn và có thể ở nhà một mình sau giờ học. Trước ngày đầu tiên trẻ ở một mình, bạn cần phải chắc chắn rằng trẻ cảm thấy an toàn, đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tiếng gõ cửa, các trường hợp khẩn cấp và các chấn thương.
Mẹ cần suy nghĩ về những sự cố có thể xảy ra khi trẻ ở nhà một mình
Tuy nhiên, ngay cả khi trẻ có vẻ đủ chín chắn để ở nhà một mình, bạn cũng cần phải suy nghĩ về một số yếu tố sau để đảm bảo an toàn cho trẻ:
- Nhà của bạn có an toàn không?
- Khu phố của bạn có an toàn không?
- Thời gian trẻ ở nhà một mình mỗi ngày là bao lâu?
- Có người lớn nào sống hoặc làm việc gần đó không, nơi mà trẻ có thể nhờ sự giúp đỡ của họ bất kỳ lúc nào cần thiết?
- Trẻ có các nhu cầu về y tế, thể chất hay tình cảm đặc biệt không?
- Gia đình của bạn có trải qua giai đoạn khó khăn do chuyển nhà, có người mất, ly dị hoặc tái hôn gần đây không?
Chuẩn bị cho mọi tình huống khi trẻ ở nhà một mình
Theo kinh nghiệm của các chị cùng công ty, trước khi cho con ở nhà một mình, chị Hồng đã thảo luận kĩ càng về một vài vấn đề, tình huống có thể xảy ra để con biết cách ứng phó. Cho đến khi cu Tí cảm thấy thoải mái với sự bố trí đó, chị mới quyết định cho con ở nhà một mình.
Ngoài ra, chị Hồng đã tìm đến một số nơi cung cấp các khóa học phục vụ và hỗ trợ tốt cho trẻ trong việc chuẩn bị tự chăm sóc bản thân trước khi trẻ ở nhà một mình.
Theo đó, các chuyên gia tâm lý chia sẻ với chị Hồng những thứ cần dạy cho con để đảm bảo an toàn cho trẻ:
Biết tên đầy đủ của trẻ, địa chỉ và số điện thoại ở nhà. Quan trọng hơn, trẻ cần phải biết rõ tên đầy đủ của bố mẹ, địa chỉ và số điện thoại tại nơi làm việc hoặc cách liên lạc với bạn tại nơi làm việc khi cần thiết khi trẻ ở nhà một mình.
Trẻ phải biết cách liên lạc với bạn hoặc người thân khi cần giúp đỡ. Phải chắc chắn rằng bạn có thể gọi cho trẻ mỗi ngày để đảm bảo trẻ đã đến nhà một cách an toàn và không có bất cứ điều gì bất thường xảy ra ở nhà nhé. Trẻ sẽ đánh giá cao cảm giác an toàn về hình thức giám sát này của bạn đấy. Bạn cần hướng dẫn cho trẻ cách sử dụng điện thoại, đặc biệt là khi trẻ cần gọi cho bạn, người hàng xóm hoặc dịch vụ khẩn cấp.
Yêu cầu trẻ ghi lại số điện thoại người thân và các số điện thoại khẩn cấp sau:
- Số 113 – Lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh
- Số 114 – Số khẩn chữa cháy hay khi cần cứu hộ cứu nạn
- Số 115 – Cấp cứu y tế
Cần đảm bảo trẻ biết cách khóa cửa chắc chắn và ứng xử khi có người lạ. Bạn cũng cần hướng dẫn cách khóa cửa chắc chắn trước khi để trẻ ở nhà một mình và có thể yêu cầu trẻ gọi cho bạn sau khi đi học về, đã vào nhà và khóa cửa cẩn thận.
Đặc biệt, bạn hãy dặn trẻ, nếu trẻ về nhà và thấy một cánh cửa đang mở, hoặc khép hoặc bị hỏng, trẻ không được vào nhà và nên chạy sang nhà hàng xóm quen biết gần đó và gọi cho bạn. Nếu có người lạ mặt gõ cửa (kể cả những người quen biết nhưng không thân thiết), trẻ đang ở nhà một mình thì không được mở cửa, nên gọi hỏi cha/mẹ hoặc trả lời rằng cha/mẹ đang ở nhà nhưng đang bận có gì cô/chú quay lại sau nha,…
Ngoài ra, bạn cần thảo luận với trẻ về một số tai nạn có thể xảy ra ở nhà và hướng dẫn trẻ giải quyết nó. Chắng hạn, bạn nên hướng dẫn trẻ cách nhanh nhất thoát khỏi nhà khi có hỏa hoạn và sau đó la lớn để hàng xóm giúp đỡ hoặc cách sơ cứu quen thuộc khi bị chảy máu.
Những lưu ý quan trọng khi con ở nhà một mình
Khi quyết định cho con ở nhà một mình, bạn cần đảm bảo các vật thể nguy hiểm như diêm, dao và các loại thuốc, hóa chất nguy hiểm khác đã ở xa khỏi tầm tay trẻ. Bạn cũng nên thiết lập một số quy tắc cơ bản về những gì trẻ có thể và không thể làm trong khi bạn vắng nhà.
Điều quan trọng là bạn phải đảm bảo rằng trẻ vui vẻ khi trẻ ở nhà một mình. Nếu trẻ không tự tin về việc bị bỏ ở nhà một mình, hãy tìm ai đó để chăm sóc trẻ khi bạn vắng nhà nhé. Bạn có thể nhờ một người lớn hoặc một trẻ vị thành niên lớn tuổi hơn mà bạn tin tưởng qua chơi với trẻ. Đừng nói với trẻ đó là “người giữ trẻ” mà hãy nói với trẻ rằng người đó đến để chơi cùng trẻ thôi.
Bạn cũng có thể đề nghị trẻ mời một người bạn đáng tin cậy cùng tuổi qua chơi và đề xuất này như một thử nghiệm sau này. Và hãy chắc chắn rằng cha mẹ người bạn của trẻ cũng biết rằng bạn đang vắng nhà nhé.
Đừng quên rằng các vật nuôi có thể là người bạn đồng hành tuyệt vời cho những đứa trẻ khi ở nhà một mình. Nhiều trẻ cảm thấy an toàn hơn khi có vật nuôi xung quanh – thậm chí là một con vật nhỏ như là chuột hamster cũng có thể làm cho trẻ cảm thấy mình đang có một người bạn đồng hành đấy.
- Edward L. Schor, MD, FAAP, 2004, Caring for Your School-Age ChildAges 5 to 12, 3th edn, American Academy of Pediatrics, USA
- Leaving children at home alone. Đọc thêm tại: <http://www.nidirect.gov.uk/leaving-children-at-home-alone>. [Ngày 30 tháng 12 năm 2014].
- Leaving children at home alone. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/firstaid_safe/home/home_alone.html#>. [Ngày 30 tháng 12 năm 2014].
- Safety & prevention. Đọc thêm tại: <http://www.cityofmadison.com/fire/prevention/safety/youth/homeAlone.cfm>. [Ngày 30 tháng 12 năm 2014].