Sức khỏe

Xử lý như thế nào khi bé bị bỏng nước sôi?

Trẻ em rất hiếu động nên khó tránh khỏi trường hợp bé bị bỏng nước sôi, vậy nên mẹ hãy trang bị sẵn những kiến thức cơ bản về cách chữa bỏng nước sôi để kịp thời xử lý khi sự cố xảy ra, bảo vệ vùng da bị tổn thương của bé và tránh bị nhiễm khuẩn nữa.

Bé bị bỏng nước sôi trong khi khám phá thế giới xung quanh

Tớ là một đứa trẻ hiếu động. Tớ thích nghịch ngợm, tò mò khám phá thế giới xung quanh và hậu quả là có một lần tớ đã bị bỏng nước sôi khi tưởng phích nước của mẹ có thể dùng làm đồ chơi cho mình.

Tớ sợ hãi khi phích nước đổ toang trên nền nhà, nước bắn hết vào tay làm tớ rất đau rát. Tớ vừa khóc vừa gọi sự cứu giúp của mẹ.

lam-gi-khi-be-bi-bong-nuoc-soi-hinh-anh1

Các bé thường hiếu động nên rất dễ bị bỏng nước sôi

Khi bé bị bỏng nước sôi mẹ cần xối vết bỏng dưới vòi nước chảy chậm

Khi tớ bị bỏng, mẹ vội vàng bế tớ ra khỏi vũng nước nóng và nhanh chóng đặt cánh tay bị bỏng nước sôi của tớ dưới vòi nước sạch chảy chầm chậm khoảng 15 – 20 phút tới khi tay tớ tê ơi là tê để làm mát vết bỏng và giúp da tay tớ đỡ đau rát hơn.

lam-gi-khi-be-bi-bong-nuoc-soi-hinh-anh2

 

Mẹ nhanh chóng đặt vùng da bị bỏng dưới vòi nước.

Tớ thấy lúc tớ mới bị bỏng nước sôi, bố cũng cuống lên bảo mẹ: “Em nhúng tay con vào cốc nước lạnh hoặc tiện lấy cái bát to đựng nước lạnh cũng được”. Sau đó khi đã trấn tĩnh lại, bố còn đùa rằng “Thằng bạn anh có đứa con gái, lúc con bé bị bỏng nước sôi, tiện cốc Coca lạnh lại có đầy đá đang uống trên tay, nó cho tay con vào luôn vì thấy có bác sĩ tư vấn nếu không có nước thì tiện có dung dịch lỏng nào không độc hại thì cho tạm tay bé vào ngay lúc đó để làm dịu cơn rát rồi có chuyện gì tính tiếp. Mãi lúc sau nó mới nhớ ra là khi đang bị bỏng thì không nên xối rửa với nước đá, khổ thế chứ.”

Mẹ kiểm tra tay tớ để xem xét mức độ trầm trọng của vết bỏng rồi dịu dàng nói: “Không sao đâu con yêu, lần sau con cần tránh xa cái phích nước ra nhé! May mà lần này vết bỏng nhỏ, bị đỏ nhưng không sưng rộp quá nhiều, con mà bị tuột phần da ở cánh tay là mẹ sẽ phải cho đến bệnh viện gặp bác sĩ đó”.

lam-gi-khi-be-bi-bong-nuoc-soi-hinh-anh3

 

Mẹ cần kiểm tra vết bỏng thật kỹ khi bé bị bỏng nước sôi

Bố lại nói xen vào: “Cũng may chứ như con anh Dũng bạn anh, vết bỏng nước sôi to hơn bàn tay nên phải vào viện. Mà thằng bé gan lì thật, nó không khóc tẹo nào luôn.” Lúc nào có chuyện xảy ra với mình là bố hay thêm mắm thêm muối lắm, vừa để làm hai mẹ con không sợ quýnh lên, vừa chia sẻ và nói chuyện để tớ không khóc. Những lúc đau mà có bố bên cạnh tớ đều thấy mình mạnh mẽ hơn. Con cám ơn bố nhiều!

 

lam-gi-khi-be-bi-bong-nuoc-soi-hinh-anh4

Khi bé bị bỏng nước sôi, bố mẹ cần động viên tinh thần để bé đỡ sợ nữa!

Không nên bôi thuốc mỡ, thuốc kháng sinh, bơ, sữa hay kem đánh răng khi bé bị bỏng nước sôi

Mẹ tháo cái vòng ở tay tớ ra, may mà vòng của tớ có chốt tháo chứ vòng chui tay là chịu rồi. Sau đó mẹ lấy bông mềm sạch thấm nhẹ để vùng da tay bị bỏng của tớ khô đi chứ không chà sát làm tớ đau.

Rồi mẹ với tay định lấy lọ thuốc mỡ bôi cho tớ thì bị bố chặn lại ngay “Ấy đừng! Em không nên bôi thuốc mỡ, thuốc kháng sinh, bơ, sữa hay kem đánh răng gì cả, chúng giữ nhiệt trong vết bỏng đó! Để anh gọi hỏi anh bác sĩ bạn anh cho chắc đã, thuốc phải dùng theo hướng dẫn chứ dùng linh tinh lại làm con đau và tổn thương da sâu hơn”.

Mẹ làm theo lời bố rồi băng tay tớ lại bằng gạc vô trùng nhằm tránh làm vỡ những bọng nước và nhiễm trùng vết bỏng. Mẹ tớ khéo lắm cơ, mẹ băng nhẹ ơi là nhẹ nên tớ không đau chút nào. Tay tớ vẫn thoải mái chứ không giống như lúc tớ hay nghịch dại tự lấy dây thun buộc thít chặt vào tay làm hằn vết cả lên đau ơi là đau.

 

lam-gi-khi-be-bi-bong-nuoc-soi-hinh-anh5

Khi bé bị bỏng nước sôi, mẹ cần dùng băng gạc vô trùng để tránh nhiễm khuẫn nhé!

Sau đó bố mẹ đưa tớ đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra xem vùng da bị bỏng nước sôi của tớ có nghiêm trọng hay không. May là mấy nốt phồng trên vết bỏng của tớ chưa bị vỡ ra chứ nó mà vỡ ra thì mẹ phải cắt sạch vùng da đã vỡ thì lâu ơi là lâu.

Hôm trước nhỏ em họ tớ vì hiếu động quá nên con bé bị bỏng nước sôi giống tớ, vết thương em í nổi phồng và bị vỡ ra nữa nên mẹ em phải hì hụi đun dụng cụ cắt móng tay đến 5 phút để tiệt trùng rồi mới dám bấm cắt thật sạch vùng da phồng rợp bị vỡ ấy.

Bác sĩ dặn vết thương của tớ bình thường không nghiêm trọng đâu vì tớ bị bỏng nhẹ thôi à. Tuy nhiên, khi về nhà lúc ngủ mẹ cũng cần chú ý kê tay tớ lên cái gối cao hơn ngực nhằm lúc tớ ngủ có thể giảm thiểu áp lực lên vết thương và giúp tớ bớt đau hơn trong quá trình liền da.

 

lam-gi-khi-be-bi-bong-nuoc-soi-hinh-anh6
Mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra vết bỏng có nghiêm trọng không nhé!

Bác sĩ còn nói với mẹ tớ: “Vết phồng rộp do bé bị bỏng nước sôi còn nguyên thế này, chị tuyệt đối không bóp tay hay làm vỡ vì vết phỏng phồng chứa nước là cơ chế bảo vệ vết thương của cơ thể và giúp vết thương nhanh chóng phục hồi nữa đấy”.

Sau khi nghe bác sĩ tư vấn mẹ tớ đã biết vùng da ở dưới vết bỏng khi chưa bị vỡ ra là tiệt trùng đảm bảo, nên mẹ bớt lo một xíu, mẹ còn nói tớ không được làm vỡ vết phồng đó vì nó mà vỡ thì vết thương sẽ bị nhiễm trùng í, nghe mẹ nói tớ sợ quá nên không dám đụng luôn á!

Hôm vừa rồi đi khám lại bác sĩ nói với mẹ tớ: “Vết bỏng của bé đã bình phục rồi, nhưng ở độ tuổi này các bé thường rất hiếu động, tò mò, vậy nên chị cần sắp xếp mọi vật dụng trong nhà hợp lý, những vật nóng cần tránh xa tầm tay của bé để tránh trường hợp bé bị bỏng nước sôi lần nữa”.

Nghe bác sĩ nói vết bỏng của tớ đã lành, tớ mừng lắm và ngưỡng mộ mẹ nghê ghớm, cách chữa bỏng nước sôi của mẹ thật là tài!

 

lam-gi-khi-be-bi-bong-nuoc-soi-hinh-anh7

Để tránh bé bị bỏng nước sôi, mẹ nên đặt ấm nước xa tầm tay của bé

Nhưng sau lần bỏng nước sôi đó, mẹ nghe lời bác sĩ đã sắp xếp đồ dùng trong nhà hợp lý hơn rồi, mẹ để phích nước sôi, ấm nước hoặc các vật dụng nóng trên cao để tránh tầm với của tớ. Mẹ không cho tớ tới gần bếp khi mẹ đang nấu ăn và mẹ chú ý tới tớ nhiều hơn, quan sát khi tớ đang chơi, không cho tớ nghịch đồ lung tung nữa. Còn tớ hihi…tớ đã biết sợ rồi nên vật gì nóng là tớ chẳng dám lại gần nữa đâu!




  1. Spock, B, Needlman, R, 2012, Baby and Childcare, 9th edn, Bookwell, Finland
  2. How to treat burns caused by boiling water. Đọc thêm tại: <http://www.livestrong.com/article/234471-how-to-treat-burns-caused-by-boiling-water/>. [Ngày 22 tháng 7 năm 2014]
  3. Làm gì khi trẻ bị bỏng nước sôi. Đọc thêm tại: <http://www.phununet.com/WikiPhununet/ChiTietWiki.aspx?m=0&StoreID=8318>. [Ngày 22 tháng 7 năm 2014]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com