Cha mẹ cần biết cách giải quyết mâu thuẫn và cách kiềm chế cơn nóng giận với con khi dạy trẻ ở tuổi vị thành niên để tránh xảy ra bất hòa và có thể hiểu con hơn.
Cha mẹ và bản thân trẻ thường cảm thấy bối rối khi trẻ đến giai đoạn vị thành niên. Trẻ ở độ tuổi này không còn quá nhỏ để gọi là trẻ con nhưng cũng chưa đủ trưởng thành để được coi là người lớn. Dù luôn đấu tranh để dành quyền tự chủ cho bản thân, song đôi khi trẻ lại không sẵn sàng để gánh vác trách nhiệm đi kèm. Trẻ thường có xu hướng làm theo những điều mình muốn và khó tuân theo các nguyên tắc do cha mẹ đặt ra. Trong khi đó, cha mẹ nhiều lúc lại cảm thấy trẻ chưa đủ lớn để được trao cho sự tự do mà trẻ nghĩ đáng lý ra mình phải có được. Do đó, sự bất hòa giữa cha mẹ và trẻ thường là khó tránh khỏi. Để tránh những hiểu lầm đáng tiếc có thể dẫn tới mâu thuẫn gây rạn nứt mối quan hệ giữa hai bên, cha mẹ cần biết cách giải quyết mâu thuẫn và cách kiềm chế cơn nóng giận với con trong khi dạy dỗ trẻ. Cha mẹ có thể tham khảo một số gợi ý sau đây nhé!
1. Bình tĩnh, hãy thật bình tĩnh
Nếu cơn giận dữ của bạn bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát khi chất vấn về các lỗi lầm của trẻ, bạn nên rời khỏi đó 5 đến 10 phút hoặc cho đến khi đã lấy lại được bình tĩnh. Nếu cần thiết, có thể đi dạo xung quanh, ra vườn tưới hoa hay đơn giản là dành một vài phút ở trong phòng tắm và học cách kiềm chế cơn giận. Các cách này tuy đơn giản nhưng bạn sẽ thấy hiệu quả bất ngờ vì có thể giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh và hợp lý hơn.
Bỏ đi chỗ khác là một cách kiềm chế cơn nóng giận với con đấy
Những lúc cảm thấy mình mất bình tĩnh, bạn cần tách khỏi những thành viên khác trong gia đình và làm gì đó để tỉnh táo trở lại. Con bạn cũng cần được như vậy.
2. Thay vì buộc tội, hãy cho trẻ biết cảm giác của bạn
Thay vì dùng những câu nói về trẻ, rằng trẻ đã làm thế này, trẻ đã sai thế kia – nghe như đang buộc tội và đe dọa – khiến trẻ có phản ứng phòng vệ, cách giải quyết ở đây là hãy dùng những câu về bạn, cho trẻ thấy bạn cảm thấy như thế nào, suy nghĩ của bạn ra sao. Bạn hãy đặt mình vào vị trí của con để cảm nhận xem câu nói nào sau đây dễ khiến con “tự ái” hơn nhé.
“Mẹ rất buồn khi kết quả học tập của con không được tốt.”
Và: “Tùng, tại sao con lại học hành như thế này hả?”
Bạn đã nhận ra được sự khác biệt trong lời nói chưa nào? Chắc hẳn câu nói đầu tiên sẽ khiến trẻ phải suy nghĩ hơn là câu thứ hai chỉ làm cho trẻ bực bội mà thôi.
3. Giải thích rõ lý do tại sao trẻ làm bạn buồn hay tức giận
Bạn hãy giải thích rõ cho trẻ biết vì nguyên nhân nào mà trẻ khiến bạn tức giận, việc đó ảnh hưởng đến bạn ra sao và để lại hậu quả như thế nào. Đó cũng là một trong những cách giải quyết mâu thuẫn với con đấy.
4. Hãy để quá khứ thuộc về quá khứ
Đừng lôi lại những chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Thật không công bằng khi cứ mãi trách móc một người về một việc mà họ chẳng còn khả năng để thay đổi. Nếu một điều gì đó làm bạn phiền lòng trước đây, bạn nên phàn nàn ngay lúc đó, không phải là bây giờ.
5. Đừng bao giờ coi thường cảm xúc của trẻ
Bạn có thể không đồng ý với cách nhìn nhận vấn đề của trẻ. Bạn có thể không tin ngay cả khi trẻ cho bạn biết cảm giác của trẻ như thế nào. Tuy nhiên, đừng bao giờ coi thường cảm xúc của trẻ. Để trẻ giải thích sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tâm sinh lý, về cách nhìn của con cái.
6. Hãy cho trẻ cơ hội sửa lỗi
Mục đích cuối cùng của bạn không phải là chiến thắng cuộc tranh luận, mà là để tìm ra cách giải quyết mâu thuẫn với con. Bạn nên cho trẻ cơ hội để sửa sai, và để trẻ giúp tìm ra cách khắc phục vấn đề một cách phù hợp.
7. Biết chấp nhận khi mình sai
Đôi khi cha mẹ cũng có những hành động hoặc lời nói không đúng nhưng lại không chịu xin lỗi vì họ cho rằng việc đó có thể sẽ làm giảm uy quyền của bản thân. Tuy nhiên, việc xin lỗi trẻ thực tế sẽ chỉ làm tăng thêm sự tôn trọng của trẻ đối với bạn.
Một đặc tính của trẻ ở tuổi vị thành niên là trẻ rất ghét sự thiếu thành thật và thường tìm ra ngay lỗi sai của cha mẹ. Nói “Thứ lỗi cho mẹ nhé”, với cha mẹ là một sự hạ mình, nhưng điều này với trẻ sẽ giúp xây dựng lòng tự trọng cho trẻ. Đó cũng là cách bạn làm gương cho con về cách nhận lỗi khi làm sai và gửi đến trẻ thông điệp rằng “Ba mẹ cũng không hoàn hảo”. Dù bạn có nhận ra hay không, trẻ thật ra luôn không ngừng so sánh bản thân với cha mẹ. Khi trẻ biết rằng bạn không hoàn hảo, trẻ sẽ nhận thấy rằng bạn cũng không đòi hỏi trẻ phải hoàn hảo – điều này giúp trẻ bớt cảm thấy áp lực.
8. Biến mình thành đồng đội của trẻ
Bạn tự hỏi tại sao mình luôn gặp khó khăn trong cách giải quyết mâu thuẫn với trẻ? Đơn giản là vì trong một cuộc tranh cãi ai cũng luôn muốn giành phần thắng và điều này vô tình đặt bạn và trẻ ở hai chiến tuyến đối lập. Bạn nên bỏ ý nghĩ đó đi và tìm mọi cách để có được một sự thỏa hiệp có lợi cho cả hai. Hãy luôn nhớ rằng “bạn” và “trẻ” là cùng một đội vì vậy chiến thắng chính là khi cả hai có thể tìm ra một giải pháp mà cả hai đều cảm thấy thoải mái.
9. Vai trò của bên thứ ba
Khi một cuộc tranh cãi giữa cha mẹ và con cái không thể đi đến hồi kết, bạn nên nghĩ đến việc nhờ một người khác đứng ra phân giải. Đó có thể là một người thân quen của gia đình, không có tính thiên vị và được tất cả các thành viên trong gia đình tôn trọng. Đồng thời, bạn cũng phải chắc chắn rằng đó không phải là một người hay ngồi lê đôi mách. Một người ngoài sẽ có thể đưa ra một góc nhìn khác và ý tưởng mới mà bạn chưa từng nghĩ đến trước đó cho vấn đề đang mâu thuẫn, giúp bạn và trẻ tìm được cách giải quyết khiến cả hai đều hài lòng.
- Restoring the peace: How to resolve conflicts and manage anger. Donald E. Greydanus, MD., F.A.A.P., Editor-in-chief and philip Bashe, (eds) 2003, Caring for your teenager, Bantam books, USA
- Parent- Teen conflict, managing it constructively. Đọc thêm tại: <http://www.mediate.com/articles/blythb1.cfm>. [Ngày 27 tháng 12 năm 2014]
- Conflict with your teen. Đọc thêm tại: <http://www.focusonthefamily.com/parenting/teens/conflict-with-your-teen/when-you-still-cant-resolve-conflict>. [Ngày 27 tháng 12 năm 2014]