Trong quá trình phát triển của trẻ từ 2 -2.5 tuổi, trẻ bắt đầu phát triển ý thức về cảm xúc của mình. Việc quan trọng mà cha mẹ cần làm là trò chuyện với trẻ và thể hiện niềm hạnh phúc rằng có rất nhiều người yêu quý trẻ.
Trẻ 2 tuổi trở lên bắt đầu có nhận thức về những gì người khác cần và cảm thấy. Trong quá trình phát triển của trẻ, bạn có thể giúp trẻ phát triển nhận thức này cũng như sự tự tin với những hoạt động sau:
- Xây dựng cho trẻ đời sống xã hội bằng cách đưa trẻ đi gặp bạn bè cùng lứa, người thân thường xuyên và trò chuyện về họ sau chuyến viếng thăm.
- Cùng xem ảnh những người thân trong gia đình và khuyến khích trẻ gọi tên những người trong ảnh.
- Hãy nhắc đến cả vú nuôi, cô trông trẻ hay bất cứ ai trông nom trẻ trong cuộc nói chuyện về những việc họ đã làm cùng với trẻ.
- Dán ảnh những người thân lên một tấm bảng nhỏ, ghi tên họ phía dưới, có thể trẻ sẽ thích treo “bức tranh đặc biệt” này lên tường đấy.
Dán những bức tranh lưu lại kỉ niệm trong quá trình phát triển của trẻ
Gợi mở cảm xúc
Nếu trẻ tỏ ra buồn rầu, việc bạn nói “Ba/ mẹ biết rằng con đang buồn” sẽ giúp trẻ hiểu và đối phó với nỗi buồn tốt hơn. Qua các giai đoạn phát triển của trẻ, trẻ sẽ từ từ học cách kiểm soát những cảm xúc của mình. Nhưng cần phải dạy cho trẻ hiểu rằng đá hay cắn người khác khi tức giận là không đúng.
Có những nguyên tắc cần được tuân theo và bạn phải thiết lập chúng. Việc cho trẻ biết bạn cảm thấy như thế nào cũng rất quan trọng. Ví dụ như khi trẻ làm gì đó khiến bạn cảm thấy tức giận hãy nói với trẻ “con làm mẹ thấy rất giận” và giải thích lý do vì sao.
Trẻ cần phải học được rằng những hành động của trẻ đều dẫn đến hậu quả dù tốt dù xấu.
Con cảm thấy thế nào?
Trẻ thường bộc lộ cảm xúc qua 3 cách chính: nói cho bạn biết, thể hiện qua thái độ và ngôn ngữ hình thể hoặc thể hiện cảm xúc trong lúc chơi.
Bạn hãy quan sát trẻ thật kỹ để biết được nhiều hơn về những sự thay đổi cảm xúc trong quá trình phát triển của trẻ. Thử bày những trò chơi đòi hỏi sự tập trung vào việc con người, những món đồ chơi cảm thấy trong những tình huống khác nhau như thế nào:
- Để trẻ tắm cho búp bê hay đưa những món đồ chơi đi ngủ. Nếu 1 trong những bạn đồ chơi “bị ốm” hãy cho trẻ cơ hội được chăm sóc chúng để chúng cảm thấy khá hơn.
- Tổ chức một buổi tiệc trà với những bạn đồ chơi bằng thức ăn thật và để tre bón cho các bạn đồ chơi ăn.
- Đừng hoảng nếu thấy trẻ thô bạo hay tra tấn các bạn đồ chơi vì đó là tự nhiên. Nhưng nếu trẻ chỉ hành động như vậy khi chơi chứ không phải trong đời thật thì tốt hơn.
Cảm xúc mạnh mẽ
Với trẻ, thế giới này là một nơi đầy những cảm xúc mà trẻ vẫn chưa học cách che giấu hay kiểm soát được cảm xúc của mình. Trẻ sẽ cười, khóc, la hét hay giận dữ cực độ hầu như mỗi ngày. Nếu trẻ không thể tự hiểu hay làm điều gì đó trẻ muốn, trẻ sẽ vô cùng tức giận với sự thất bại đó.
Hầu như người lớn đều cảm thấy rất khó khăn trong việc chấp nhận thái độ của trẻ. Bạn hãy hết sức bình tĩnh và kiên nhẫn. Trẻ không cố ý chọc giận hay khiến bạn xấu hổ đâu, tất cả những gì trẻ cần chính là được yêu thương. Những lo lắng hay nỗi sợ hãi của trẻ đều rất thật. Bạn có thể nghiến chặt răng, thở sâu, đếm đến 10 và làm ngơ khi trẻ không ngoan ngoãn.
Trong quá trình phát triển của trẻ từ 2 -2.5 tuổi, trẻ sẽ bắt đầu phát triển ý thức về cảm xúc của mình, vậy nên cha mẹ cần theo dõi, cảm thông và giúp trẻ hoàn thiện dần cảm xúc của mình.
Young, C., 2007, Entertaining and educating babies and todders, Usborne Publisher, England (p.104+105)