Bạo hành tinh thần trẻ em bao gồm những hành động gây suy giảm sự phát triển cảm xúc, hoặc cảm giác về sự tự tôn của một đứa trẻ. Thường thì bạo hành tinh thần luôn luôn hiện diện khi các dạng bạo hành/ lạm dụng khác được xác định (như bạo hành thể chất, lạm dụng tình dục).
Bạo hành tinh thần trẻ em
Đó có thể là những lời chỉ trích, đe dọa liên tục, từ chối yêu thương, không ủng hộ hay hướng dẫn trẻ.
Rất khó để nhận ra việc trẻ bị bạo hành tinh thần, và do đó, các dịch vụ bảo vệ trẻ em không thể can thiệp nếu không có bằng chứng về sự tổn thương tinh thần ở trẻ. Thường thì bạo hành tinh thần luôn luôn hiện diện khi các dạng bạo hành/ lạm dụng khác được xác định (như bạo hành thể chất, lạm dụng tình dục).
Bạo hành tinh thần trẻ em bao gồm các hành vi sau:
- Làm lơ: Cha mẹ hoặc người chăm sóc không có mặt để đáp ứng về thể chất hay tâm lý đối với trẻ. Ví dụ: không nhìn trẻ hoặc không gọi trẻ bằng tên.
- Chối bỏ: Đây là sự chủ động từ chối đáp lại những mong muốn của trẻ (ví dụ: từ chối chạm vào trẻ, từ chối nhu cầu của trẻ, chế nhạo trẻ).
- Cô lập: Liên tục ngăn trẻ có những tương tác xã hội bình thường với bạn bè, các thành viên gia đình và những người lớn khác; hoặc nhốt con, không cho trẻ đi lại tự do.
- Lợi dụng hoặc làm hư trẻ: Người lớn dạy, khuyến khích hay bắt ép trẻ làm những hành vi không phù hợp hoặc trái pháp luật, như là dạy trẻ ăn cắp hay bắt trẻ bán dâm…
- Tấn công bằng lời nói: Bao gồm việc coi thường, sỉ nhục, chế nhạo hay dùng lời nói đe dọa trẻ.
- Đe dọa: Tức là đe dọa hay bắt nạt trẻ, làm trẻ sợ hãi. Bao gồm việc đưa trẻ hay người thân của trẻ hoặc thứ trẻ yêu quý (vật nuôi hay búp bê) vào tình huống nguy hiểm, hoặc đưa ra những mong muốn thiếu thực tế, cứng nhắc với trẻ, kèm theo lời đe dọa sẽ làm hại chúng nếu trẻ không đạt được điều mà người đó mong muốn.
- Bỏ bê: Về giáo dục (như không cho trẻ đi học), về tâm lý (như từ chối hay làm lơ nhu cầu điều trị tâm lý của trẻ), về y tế (từ chối hay làm lơ nhu cầu điều trị bệnh tật của trẻ).
Tóm lại, bạo hành tinh thần trẻ em là việc tấn công lên tinh thần của trẻ, giống như việc bạo hành thể chất là tấn công lên cơ thể của trẻ vậy.
Hành vi coi thường, sỉ nhục, chế nhạo là bạo hành tinh thần trẻ em đấy.
Trong khi các định nghĩa về bạo hành tinh thần trẻ em ngày càng phức tạp và mơ hồ, thì các chuyên gia đồng ý rằng, thái độ hay hành động tiêu cực không thường xuyên thì không gọi là bạo hành. Vì ngay cả những ông bố, bà mẹ tốt đôi lúc cũng không kiểm soát được bản thân, và có những câu nói làm tổn thương trẻ, không chú ý đến trẻ và cố ý đe dọa trẻ.
Bạo hành tinh thần trẻ em không chỉ diễn ra trong gia đình. Trẻ em có thể bị giáo viên và những người lớn có uy quyền bạo hành, hoặc bị bạn bè bạo hành/ ngược đãi (còn gọi là bắt nạt). Bạo hành ở trường học có thể gây tổn hại rất lớn cho trẻ và cần những can thiệp hiệu quả.
Dấu hiệu khi trẻ bị bạo hành tinh thần
Về phía đứa trẻ
- Không nhận được sự chú ý của cha mẹ để hỗ trợ về các vấn đề thể chất hay y khoa.
- Gặp vấn đề trong học tập (hay khó tập trung), mà không phải do nguyên nhân về thể chất hay tâm lý đặc biệt nào.
- Luôn luôn cảnh giác, giống như để chuẩn bị cho những thứ tệ hại sẽ xảy ra.
- Thiếu sự trông nom của cha mẹ.
- Phục tùng mệnh lệnh, thụ động hoặc thụt lùi quá mức.
- Đến trường hay tham gia các hoạt động rất sớm, nhưng lại về trễ và không muốn về nhà.
- Miễn cưỡng khi ở xung quanh những người đặc biệt .
- Tiết lộ sự ngược đãi.
- Cảm thấy không vui, thấy sợ hãi và căng thẳng.
- Có hành động gây hấn và chống đối xã hội, hoặc hành động quá già dặn so với tuổi của mình.
- Khó khăn trong học tập hoặc đến trường.
- Khó khăn trong kết bạn.
- Có những dấu hiệu của việc bạo hành thể chất và thiếu dinh dưỡng.
- Có những cơn đau bí ẩn và khó kiềm lại được.
Trẻ bị bạo hành tinh thần có thể có những cơn đau bí ẩn
Về phía cha mẹ
- Phủ nhận các vấn đề của con ở trường hay ở nhà, hoặc đổ lỗi cho trẻ những vấn đề đó.
- Đề nghị giáo viên và người chăm sóc khác có biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nếu con phạm lỗi.
- Luôn coi con là người tệ hại, vô giá trị hay gánh nặng.
- Yêu cầu thành tích học tập hoặc thể chất cao (những thành tích này trẻ không thể đạt được).
- Làm mọi điều chỉ để thỏa mãn nhu cầu cảm xúc của cha mẹ.
- Ít quan tâm đến con.
Cha mẹ và con
- Hiếm khi tiếp xúc hay nhìn nhau.
- Nhìn nhận hoàn toàn tiêu cực về mối quan hệ cha mẹ và con.
- Nói rằng họ không thích nhau.
Nguyên nhân trẻ bị bạo hành tinh thần
Bạo hành tinh thần có thể xảy ra ở mọi gia đình. Hầu hết cha mẹ đều mong muốn những điều tốt nhất cho con.
Tuy nhiên, một số cha mẹ có thể làm tổn thương tâm lý hay tình cảm của trẻ do họ căng thẳng hoặc kỹ năng làm cha mẹ yếu kém, do bị tách biệt xã hội hay thiếu nguồn lực hỗ trợ, hoặc có những mong đợi không phù hợp ở trẻ.
Một nguyên nhân khác là do khi còn nhỏ, họ đã bị cha mẹ mình bạo hành/ ngược đãi.
Hậu quả của bạo hành tinh thần trẻ em
Mặc dù khó nhận ra những dấu hiệu về bạo hành tinh thần, nhưng những hậu quả của nó đối với trẻ có thể nhận thấy qua nhiều biểu hiện, như: cảm giác không an toàn, thiếu tự tin, có hành vi tự hủy hoại bản thân, hành động ác độc (ví dụ: đốt lửa và bạo lực với động vật), rút lui khỏi bạn bè, các kỹ năng cơ bản kém phát triển, lạm dụng rượu bia, tự tử, khó khăn trong hình thành mối quan hệ.
Một trẻ đã từng bị bạo hành có nguy cơ cao bạo hành lại con mình khi họ trưởng thành.
Khi lớn lên, những người bị bạo hành tinh thần khi còn nhỏ sẽ có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần (trầm cảm, rối loạn lo âu, nghiện chất, rối loạn nhân cách…) và khó khăn trong các mối quan hệ.
Cha mẹ nên làm gì?
Cha mẹ cần làm gì để hạn chế sự bạo hành tinh thần lên trẻ?
Tất cả trẻ em đều cần được yêu thương, chấp nhận, khuyến khích, kỷ luật và sự chú ý tích cực. Dưới đây là một số đề xuất nhằm hạn chế việc bạo hành tinh thần ở trẻ:
- Xin lỗi con. Nếu bạn mất bình tĩnh và nói ra điều gì đó trong cơn tức giận, hãy xin lỗi trẻ. Trẻ cần biết rằng người lớn cũng có thể thừa nhận khi họ sai.
- Không gọi trẻ bằng những biệt danh hoặc dán nhãn cho trẻ bằng các từ như là “Ngốc nghếch”, “Lười biếng” hay “Vô dụng”; hoặc các câu như “Mày chẳng biết làm gì cả”; “Giá mà con được như anh trai con thì tốt biết mấy”, “Con chẳng bao giờ làm gì đúng cả”…. Tất cả đều ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ. Trong khi một đứa trẻ xứng đáng được tôn trọng.
- Phạt trẻ khi trẻ làm sai. Đưa ra những hình phạt phù hợp và giải thích với trẻ trước và sau khi phạt trẻ. Hình phạt là nhằm điều chỉnh hành vi của con, chứ không phải là để trừng trị hay sỉ nhục trẻ.
- Khen ngợi con kể cả khi con hoàn thành các nhiệm vụ nhỏ hay làm những việc tốt.
- Lấy lại bình tĩnh. Khi bạn cảm thấy mất kiểm soát, hãy đi ra một nơi khác một mình trong vài phút (nhớ đảm bảo con vẫn ở nơi an toàn). Trong khoảng thời gian này, bạn hãy hít thở sâu, hoặc nhờ một người lớn khác giúp đỡ, cho đến khi bình tĩnh lại.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ. Với những gia đình có nguy cơ bạo hành tinh thần cao, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua sự trung tâm bảo vệ trẻ em, bác sĩ, cơ sở tâm lý và trường học.
- What Is Child Abuse and Neglect? Recognizing the Signs and Symptoms. Đọc thêm tại: <https://www.childwelfare.gov/pubpdfs/whatiscan.pdf>. [Ngày 24 tháng 9 năm 2015].
- Emotional Abuse. Đọc thêm tại:<http://www.americanhumane.org/children/stop-child-abuse/fact-sheets/emotional-abuse.html>. [Ngày 24 tháng 9 năm 2015].
- Types of child abuse. Đọc thêm tại: <http://www.asca.org.au/About/Resources/Types-of-child-abuse.aspx>. [Ngày 24 tháng 9 năm 2015].
- Impact of child abuse. Đọc thêm tại: <http://www.asca.org.au/About/Resources/Impact-of-child-abuse.aspx>. [Ngày 24 tháng 9 năm 2015].