Đất nước ta bốn mùa hoa thơm trái ngọt, nhất là vào mùa xuân hoa quả càng nở rộ, đó là lộc quý mà thiên nhiên ban tặng. Dâng lộc quý cúng tổ tiên bằng cách trang trí mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên Đán thật đẹp là một phong tục ngày Tết đầy nét nhân văn của người Việt trong những ngày đầu năm mới.
Cách trang trí mâm ngũ quả ngày Tết xuất phát từ lý thuyết về ngũ hành: Thuỷ – Hỏa – Mộc – Kim – Thổ, những yếu tố tạo nên vũ trụ và sự vận hành của nó. Thông thường mâm ngũ quả đẹp ngày Tết gồm năm loại quả có các màu khác nhau tượng trưng cho mong ước: Phú (giàu có) – quý (sang trọng) – thọ (sống lâu) – khang (khỏe mạnh) – ninh (bình yên).
Mâm ngũ quả Tết còn là thành quả của một năm lao động miệt mài của những người nông dân. Những sản vật đó đều kết tinh từ những nhọc nhằn lam lũ, những giọt mồ hôi của người dân lao động chắt chiu qua những ngày mùa. Và đến khi xuân sang nắng ấm, những trái ngọt thơm lành được kính dâng lên ông bà tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu và ước mong những điều tốt lành trong năm mới.
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên Đán ở miền Bắc
Thông thường, mâm ngũ quả ngày Tết sử dụng năm loại quả đó là: bưởi, chuối, đào, hồng, quýt. Theo như cách bày mâm ngũ quả ngày Tết cổ truyền ở miền Bắc thì hướng đến ý nghĩa biểu trưng nhiều hơn. Quả phật thủ vàng ươm hay nải chuối xanh như bàn tay che chở, ban phúc lộc của đức phật cho con người. Nổi bật chính giữa là trái bưởi căng mọng như sự đầy đặn, trọn vẹn căng đầy sức sống của vạn vật quanh ta. Màu sắc thắm tươi của quýt, hồng, đào đặt xung quanh tượng trưng cho sự may mắn, phồn thịnh cát tường. Điểm xuyến thêm cho mâm ngũ quả đẹp ngày Tết là quýt vàng hay những trái táo màu xanh nhỏ xinh hoặc những trái ớt đỏ mọng như hoàn thiện nét trang trí cuối cùng của bức tranh hoa trái sống động, đầy màu sắc.
Ngày nay, mâm ngũ quả Tết trên bàn thờ người Việt phong phú hơn về chủng loại bởi sự góp mặt của những hoa quả ngoại nhập. Ngoài những loại quả truyền thống, còn có cả nho, lê, táo, cam, măng cụt, thanh long… Với tính hòa hợp trong văn hóa, người Việt Nam luôn có thể tìm thấy những yếu tố có ý nghĩa đối với đời sống tâm linh của dân tộc mình.
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Trung
Miền Trung nghèo khó với đất đai cằn cỗi, ít hoa trái, lại thêm thời gian Tết thường rơi vào mùa đông khắc nghiệt, và cả những hậu quả thiên tai để lại từ trước đó chưa dứt nên cây trái đặc sản địa phương rất hiếm. Người dân quê không quá quan trọng hình thức của mâm ngũ quả mà chủ yếu là có gì cúng nấy để tỏ lòng thành kính lên tổ tiên. Ngoài ra, do chịu sự giao thoa văn hóa giữa hai miền Nam – Bắc nên mâm ngũ quả Tết bày biện: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài…. đa dạng, phong phú.
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết cổ truyền ở miền Nam
Nếu như mâm ngũ quả ở miền Bắc thường đa màu sắc thì miền Nam lại kiêng cữ hơn trong việc chọn trái cây cúng tổ tiên. Vì cho rằng từ chuối có âm đọc lệch nghe giống từ “chúi” thể hiện sự đi xuống, không ngẩng đầu lên được nên không thấy nải chuối xanh mơn mởn trên mâm ngũ quả của người Nam. Họ cũng không trưng những trái cam óng ả bởi câu “quýt làm cam chịu”, lê (“lê lết”), táo (người Nam gọi là “bom”), lựu (“lựu đạn”) và sầu riêng. Ngoài ra, người Nam không chọn trái có vị đắng, cay.
Đúng theo câu nói dân gian “Cầu sung vừa đủ xài”, mâm ngũ quả người miền Nam thường có: Mãng cầu, sung,dừa, đu đủ, xoài với quan niệm: Cầu (mãng cầu: thoả mãn trong sự cầu xin) – Sung (sung: chỉ sự sung túc, sung mãn) – Vừa (quả dừa: có nghĩa là không thiếu) – Đủ (đu đủ: mang đến sự đầy đủ, thịnh vượng) và xài (xoài: cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn). Đôi khi bên cạnh có thêm trái dứa làm chân đế thể hiện sự vững vàng và cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh tượng trưng cho lòng trung thành và tín nghĩa của người Miền Nam.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mâm ngũ quả ngày Tết thay đổi rất nhiều và nó thiên về ý nghĩa trang trí không gian xuân nhiều hơn là ý nghĩa tâm linh. Do trái cây thì rất đa dạng và con cháu cũng muốn thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà tổ tiên nên mâm ngũ quả trình bày ngày càng thẩm mỹ và phong phú hơn. Người ta không câu nệ cứng nhắc là 5 quả nữa mà có thể bày đến 8, 9 hay thậm chí 10 quả, không kén chọn số chẵn hay lẻ. Và dù có bày nhiều hơn nhưng người ta vẫn gọi là mâm ngũ quả.