Mẹ không hoàn hảo

Bệnh cận thị ở trẻ em – Cách chẩn đoán và chăm sóc

Bệnh cận thị là một tật khúc xạ phổ biến làm cho bé chỉ nhìn thấy rõ những vật ở gần, còn các vật ở xa thì bị mờ đi. Tình trạng cận thị thường bắt đầu ở các bé từ 6-12 tuổi, một số trường hợp bé sơ sinh có thể bị cận thị, đặc biệt là những bé sinh non.

Những dấu hiệu cần lưu ý

Khi bị bệnh cận thị, bé thường có các biểu hiện như: thường xuyên nheo mắt; hay ngồi gần tivi, màn hình; trong lớp học thường phải ngồi gần bảng mới thấy chữ; cầm sách rất gần mỗi khi đọc, không nhận ra được những vật ở xa, hay nháy và dụi mắt.

Cận thị thường được phát hiện ở độ tuổi đến trường, thường trở nên nặng hơn khi bé bước vào tuổi dậy thì và có xu hướng ổn định khi bước vào tuổi 20.

Nguyên nhân bé bị cận thị

Sự khác nhau giữa mắt bé bị bệnh cận thị và mắt thường

Bình thường các tia sáng khi đi vào mắt sẽ hội tụ thành hình ảnh, hình ảnh này sẽ nằm ngay trên võng mạc của bé. Tuy nhiên, đối với những bé bị cận, nhãn cầu thường giãn dài ra hơn bình thường (theo hướng từ trước ra sau), vì vậy hình ảnh này sẽ không nằm ngay trên võng mạc mà bị dời tới trước. Đó là lý do vì sao bé sẽ nhìn mờ những vật ở xa. Ngoài ra, bệnh cận thị xảy ra cũng có thể là do thủy tinh thể hoặc giác mạc có hình dáng bất thường.

Nhiều nghiên cứu cho rằng yếu tố di truyền đóng một vai trò lớn trong việc hình thành tật cận thị. Nếu vợ chồng bạn có người bị cận thị thì bé cũng có nguy cơ cao bị cận.

Các phương pháp chẩn đoán bệnh cận thị ở trẻ

Để xác định bệnh cận thị, bác sĩ có thể kiểm tra mắt cho bé bằng các phương pháp như:

Đo nhãn áp

Sử dụng kính thích hợp

Mục đích của việc điều trị là giúp ánh sáng hội tụ lại trên võng mạc bằng cách sử dụng kính thích hợp. Bạn có thể cho bé sử dụng kính có gọng hoặc kính áp tròng. Tuy nhiên, chỉ nên cho bé đeo kính áp tròng khi bé đã đủ lớn và có thể tự chăm sóc bản thân mình (thông thường là khi bé bước vào tuổi vị thành niên). Bên cạnh đó, bạn nên hỏi bác sĩ mắt của bé để được tư vấn thêm về việc sử dụng kính áp tròng.

Ngoài ra, có thể chữa cận thị bằng một số phẫu thuật như Lasik, Lasek, PRK, gắn kính nội nhãn, tuy nhiên, chỉ áp dụng phương pháp phẫu thuật cho người trên 18 tuổi.

Nên cho con đi kiểm tra mắt

Cận thị thường do di truyền nên rất khó để có thể phòng ngừa. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế tác động của cận thị lên bé bằng cách cho bé đi kiểm tra mắt sớm, nhất là khi trong gia đình có tiền sử cận thị hoặc các chứng bệnh khác về mắt. Nếu như bé cảm thấy khó chịu khi học tập hoặc xem tivi mặc dù ở khoảng cách bình thường, thì có thể bé đã bị cận thị. Lúc này, bạn nên mang bé đi kiểm tra mắt để sớm có phương pháp can thiệp và điều trị tật này.