Một trong những căn bệnh ‘thời đại’ mà hiện này rất nhiều người mắc phải kể cả người trẻ hay lớn tuổi là bệnh động mạch vành. Căn bệnh này như thế nào mà được gọi là ‘kẻ giết người thầm lặng’?
1. Bệnh động mạch vành có nguy hiểm?
Bệnh động mạch vành (tiếng Anh có tên là Coronary artery disease), còn được gọi là bệnh mạch vành, bệnh tim do xơ vữa động mạch hay bệnh tim thiếu máu cục bộ là bệnh xảy ra khi lớp lót của động mạch vành hình thành các mảng xơ vữa.
Khi các mảng xơ vữa hình thành ngày càng nhiều sẽ làm cho máu lưu thông chậm hoặc gây ra tình trạng tắc nghẽn. Tuy nhiên phải mất khá nhiều năm để có thể hình thành nên các mảng xơ vữa này.
Bệnh động mạch vành
2. Triệu chứng ở tim có liên quan tới bệnh động mạch vành
Bệnh động mạch vành có thể mất nhiều năm để tiến triển vì thế đôi khi người bệnh sẽ không biểu hiện bất cứ triệu chứng gì cho đến khi động mạch vành đủ hẹp, lúc này người bệnh sẽ gặp một số vấn đề như
Nhồi máu cơ tim: Cơn nhồi máu cơ tim xảy ra khi dòng máu mang oxy tới cơ tim bị cản trở bởi mảng xơ vữa. Triệu chứng phổ biến nhất của nhồi máu cơ tim là đau ngực.
Phần lớn những người bị nhồi máu cơ tim sẽ có cảm giác khó chịu ở giữa ngực hoặc bên ngực trái, thông thường tình trạng này kéo dài hơn vài phút hoặc tái phát nhiều lần. Cơn đau sẽ làm cho người bệnh có cảm giác như ngực bị đè nén hay tức ngực. Triệu chứng có thể nhẹ hoặc nặng.
Đôi khi người bệnh có thể còn có cảm giác khó tiêu và ợ nóng. Cơn đau của hiện tượng nhồi máu cơ tim có thể rất giống với cơn đau thắt ngực nhưng cơn đau thắt ngực thường chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn và giảm bớt khi người bệnh nghỉ ngơi.
Suy tim: Suy tim là tình trạng tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Triệu chứng phổ biến nhất của suy tim là khó thở, mệt mỏi, phù ở mắt cá chân, cẳng chân, bụng và tĩnh mạch ở cổ.
Loạn nhịp tim. Là hiện tượng xảy ra khi tần số và nhịp điệu của tim không đều. Khi bị loạn nhịp tim, người bệnh sẽ có các triệu chứng như tim bị nhảy nhịp hoặc đập quá nhanh. Một vài loại loạn nhịp có thể khiến tim ngừng đập đột ngột, tình trạng này có thể gây tử vong trong vòng vài phút nếu như người bệnh không được cấp cứu kịp thời.
3. Nguyên nhân gây ra bệnh mạch vành
Một số nghiên cứu cho rằng bệnh mạch vành khởi phát khi có một vài tác nhân làm hư hại bề mặt lót bên trong của động mạch vành, các yếu tố này gồm:
- Hút thuốc lá.
- Nồng độ của một số loại chất béo và cholesterol trong máu cao.
- Cao huyết áp.
- Đường huyết cao do đề kháng insulin hoặc bệnh đái tháo đường.
- Viêm mạch máu.
- Các phương pháp xạ trị ở vùng ngực để điều trị một số loại ung thư nhất định.
- Lối sống ít vận động.
4. Chẩn đoán bệnh mạch vành
Người bệnh sẽ được bác sĩ thăm khám để có chẩn đoán bệnh, thông thường cần phải làm thêm một số xét nghiệm trước khi xác định được chẩn đoán. Các xét nghiệm bao gồm:
- Chụp mạch vành.
- Điện tâm đồ gắng sức.
- Điện tâm đồ.
- Chụp CT đánh giá vôi hóa mạch vành (EBCT).
- Test vận động gắng sức.
- CT tim.
- Nuclear stress test.
5. Điều trị bệnh mạch vành có khó khăn?
Mục tiêu điều trị nhằm giúp người bệnh:
- Giảm triệu chứng bệnh.
- Giảm yếu tố nguy cơ để góp phần làm chậm hoặc ngưng tình trạng tạo mảng xơ vữa.
- Giảm nguy cơ tạo cục máu đông.
- Làm rộng hoặc tạo cầu nối mới cho vùng mạch vành bị tắc nghẽn.
- Phòng ngừa biến chứng.
Trước tiên, hãy thay đổi lối sống
Một lối sống lành mạnh có thể giúp động mạch vành khoẻ mạnh hơn. Bạn có thể áp dụng lối sống mới mang lại sức khỏe cho bản thân như:
- Ngưng hút thuốc lá.
- Chế độ ăn hợp lý, khoẻ mạnh.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Giảm cân nếu thừa cân.
- Giảm stress.
Dùng thuốc trị bệnh động mạch vành
- Thuốc ổn định lượng cholesterol. Công dụng chính của thuốc là làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu (LDL cholesterol) để giảm sự hình thành mảng xơ vữa.
- Aspirin. Bác sĩ có thể chỉ định aspirin cho người bệnh dùng hằng ngày. Thuốc giúp chống đông máu vì thế có thể ngăn chặn hình thành cục máu đông trong lòng động mạch vành. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng ngăn ngừa nhồi máu tái phát.
- Chẹn beta.. Nhóm thuốc này giúp làm chậm nhịp tim và giảm huyết áp, do đó làm giảm nhu cầu oxy của cơ tim. Thuốc cũng giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim tái phát.
- Nitroglycerin (Aldonine 2,6mg; Limitral 2,5mg) Thuốc dạng viên, dạng xịt hay miếng dán có thể giúp kiểm soát cơn đau ngực bằng cơ chế giãn mạch làm giãn các động mạch vành và giảm lưu lượng tim.
- Thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotesin Hai nhóm thuốc này có công dụng tương tự nhau và giúp làm hạ huyết áp, giảm tiến triển bệnh. Thuốc cũng giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim tái phát.
Các thủ thuật khác
- Nong mạch và đặt stent. Phương pháp phẫu thuật này được thực hiện bằng cách sử dụng một quả bóng nhỏ để đẩy và làm thông đoạn động mạch vành bị tắt. Một ống kim loại nhỏ gọi stent sẽ được đưa vào đoạn động mạch bị tắt để giữ cho đoạn động mạch được mở.
Nong và đặt stent động mạch vành
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Phẫu thuật viên sẽ dùng một mạch máu khác trong cơ thể để tạo một cầu nối (bypass) bắc ngang qua đoạn động mạch bị tắc. Việc này cho phép máu có thể lưu thông vòng qua đoạn bị tắc hoặc hẹp. Biện pháp này đòi hỏi phải phẫu thuật tim hở, nên thường được dùng trong các trường hợp bị hẹp nhiều đoạn mạch vành.
6. Phòng ngừa bệnh mạch vành
Chọn lựa cho mình một lối sống lành mạnh có thể giữ động mạch khỏe mạnh, không bị hình thành mảng xơ vữa , đây là cách hữu hiệu giúp điều trị cũng như phòng ngừa căn bệnh này.
Bạn có thể áp dụng các cách sau nhằm giúp cải thiện sức khỏe tim mạch của bản thân.
- Ngưng hút thuốc lá. Cũng như tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Kiểm soát tốt các tình trạng hiện tại của cơ thể như huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh tiểu đường vì đây là những vấn đề làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
- Hoạt động thể chất đều đặn. Việc này có thể giúp cải thiện nồng độ cholesterol trong máu và huyết áp cũng như giúp bạn đạt cân nặng lý tưởng. Bạn nên hỏi bác sĩ để được tư vấn xem bài tập nào an toàn đối với mình.
- Kiểm soát chế độ ăn như ít chất béo, giảm muối, nhiều trái cây, rau và ngũ cốc và duy trì cân nặng lý tưởng
- Giảm căng thẳng. Stress có thể gây hại cho tim. Bạn có thể giảm căng thẳng bằng cách chia sẻ các vấn đề và cảm nhận của mình, thay vì cứ giữ chúng trong lòng. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng một số phương pháp khác để giảm căng thẳng như tập thể dục, hít thở sâu, thiền hoặc yoga.