Mẹ không hoàn hảo

Bệnh ghẻ ngứa ở trẻ em

Bênh ghẻ ngứa là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei gây ra, khoảng từ 2-4 tuần từ khi chúng kí sinh thì da bé sẽ bắt đầu nổi phát ban đỏ. Đây là tình trạng phổ biến ở trẻ em, và đặc biệt bệnh rất dễ lây lan sang người khác.

Dạo này chẳng hiểu sao tớ bắt đầu bị nổi các bọng nước nơi kẽ ngón tay, ngón chân. Ngứa ơi là ngứa! Nhiều khi gãi tróc da ra mà cơn ngứa vẫn hoành hành. Tớ chịu chẳng biết làm sao, nên khóc quấy, bẳn gắt.

Bố tớ săm soi, xong “phán như đúng rồi”: “Ơ! Cu Bi bị ghẻ nè. Thảo nào! Do mẹ để con nó ở bẩn quá mà!”
Thật là oan cho mẹ tớ. Vì việc tớ bị ghẻ có thể là do lây nhiễm các bạn hay chơi cùng thôi. Chứ mẹ tớ kĩ càng lắm, lúc nào cũng giữ cho tớ thơm tho sạch sẽ hết trơn đó.

Bệnh ghẻ ngứa ở trẻ em

Bệnh ghẻ ngứa là bệnh truyền nhiễm do một loại ký sinh trùng tên là Sarcoptes scabiei gây ra. Chúng “đào hang” ở lớp biểu bì của da và đẻ trứng trong đó. Khoảng từ 2-4 tuần từ khi kí sinh trùng kí sinh thì da tớ mới bắt đầu nổi phát ban đó. Tớ thấy trên da mình, các vết bọng xuất hiện phân tán rải rác, thường có ở lòng bàn tay và bàn chân. Nhưng ở tất tần tật các khu vực khác trên da, “kẻ thù giấu mặt” này cũng có thể xuất hiện. Còn đối với các anh chị lớn hơn, khi bị ghẻ thì ngoài xuất hiện các bọng nước, các anh chị ấy còn có cảm giác ngứa ngáy dữ dội đặc biệt là vào ban đêm.

Bệnh ghẻ ngứa là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei gây ra

Bệnh ghẻ ngứa dễ lây nhiễm qua đường tiếp xúc. Đấy! Đã bảo là lỗi không do mẹ tớ mà! Nếu một người trong gia đình bị ghẻ thì những người khác cũng có thể bị lây. (Eo ơi! Vậy tớ đã là vật truyền nhiễm rồi đấy! Hi vọng là bố mẹ không cách ly tớ.)

Cách trị bệnh ghẻ ngứa

Ngay khi tớ có dấu hiệu của ghẻ, mẹ đưa tớ đến gặp bác sĩ ngay. Vì mẹ biết, nếu để càng lâu thì bệnh càng nặng và có thể sẽ lây lan ra cho các thành viên khác trong gia đình.

Bác sĩ có thể sẽ cạo nhẹ một lớp mẫu ở da, mang đi kiểm tra xem kí sinh trùng hoặc trứng của chúng có kí sinh dưới da hay không. Nếu đúng là tớ mắc bệnh ghẻ ngứa thì bác sĩ có thể cho tớ  sử dụng kem bôi tại chỗ permethrin 5% (Elimite). Còn đôi với các bé nhỏ hơn 2 tháng tuổi thì có thể sử dụng kem Sulphur 5% hoặc crotamiton 10% (Eurax). Hầu hết các loại kem này có thể sử dụng cho toàn bộ cơ thể từ da đầu đến lòng bàn chân và được rửa sạch sau vài giờ, mẹ còn cẩn thận bôi kem cho tớ ở các vùng như cổ, mặt và da đầu, tránh vùng mắt và miệng.

Bác sĩ còn khuyên nên đưa các thành viên khác trong gia đình đi kiểm tra, kể cả các thành viên không có dấu hiệu phát ban, tuy nhiên chỉ có những người bị nổi phát ban mới điều trị bằng thuốc Antiscabies.

Bác sĩ còn khuyên nên đưa xác thành viên trong gia đình đi kiểm tra, kể cả những người không phát ban

Mẹ tớ đã cắt sạch móng tay cho tớ để ngăn ngừa nhiễm trùng do gãi. Bác sĩ nói rằng nếu tớ ngứa dữ quá và chịu không nổi thì bác sĩ sẽ cho tớ sử dụng thuốc kháng histamin hoặc thuốc chống ngứa. Nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn, tớ có thể sẽ được cho uống thuốc kháng sinh.
Sau điều trị, tình trạng ngứa vẫn có thể tiếp tục từ 2-4 tuần. Nếu sau bốn tuần tình trạng ngứa vẫn còn xảy ra thì có khả năng bệnh tái phát, lúc đó tớ cần được chữa trị lại. (Tớ không mong điều này xảy ra đâu!).

Bên cạnh vệ sinh sạch sẽ cho tớ, mẹ tớ còn giặt sạch vỏ gối,chăn, bọc nệm, đồ ngủ của tớ. Đối với những thứ không thể mang giặt được, mẹ tớ cho vào túi nhựa và để ít nhất là 4 ngày rồi mới sử dụng lại vì kí sinh trùng Sarcoptes scabiei sẽ chết nếu không được tiếp xúc với da trong thời gian dài. Mẹ tớ thật là tuyệt, mẹ đúng là dũng sĩ diệt… ghẻ!