Bệnh rối loạn trầm cảm là rối loạn xảy ra khi những cảm xúc phiền muộn kéo dài và làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của một đứa trẻ hoặc thanh thiếu niên. Bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng và biểu hiện khác nhau của bệnh trầm cảm để đánh giá và phân loại bệnh này.
Rối loạn trầm cảm là gì?
Không chỉ người lớn mới bị trầm cảm, mà trẻ em và trẻ vị thành niên cũng có thể mắc phải rối loạn này. Tin tốt lành là trầm cảm có thể điều trị được.
Có khoảng 5% trẻ em và thanh thiếu niên trong dân số mắc bệnh rối loạn trầm cảm vào bất kì thời điểm nào trong cuộc sống. Những trẻ phải chịu sức ép của sự căng thẳng, trải qua mất mát hoặc có những rối loạn về lo âu, cư xử, học tập và tập trung chú ý thì có nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm cao hơn. Rối loạn này cũng có xu hướng di truyền trong gia đình.
Hành vi của một đứa trẻ bị trầm cảm có thể khác với hành vi rối loạn trầm cảm ở người lớn, vì vậy mà các chuyên gia tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên khuyên các bậc phụ huynh nên học cách nhận biết những dấu hiệu cảnh báo sớm của rối loạn trầm cảm ở trẻ.
Phân loại rối loạn trầm cảm
Dựa vào triệu chứng và biểu hiện, rối loạn trầm cảm được phân thành những dạng sau:
Trầm cảm nặng. Có những triệu chứng nghiêm trọng của rối loạn trầm cảm làm ảnh hưởng đến khả năng học tập, làm việc, ngủ nghỉ, ăn uống và tận hưởng cuộc sống của trẻ. Một giai đoạn rối loạn có thể chỉ xảy ra một lần trong đời, nhưng đa phần, một người sẽ trải qua nhiều giai đoạn.
Rối loạn trầm cảm dai dẳng. Khí sắc trầm cảm kéo dài trong ít nhất 2 năm. Một người được chẩn đoán dạng rối loạn trầm cảm này sẽ trải qua những giai đoạn trầm cảm nặng kèm theo các thời kì mà triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, nhưng các triệu chứng phải kéo dài trong 2 năm.
Một số dạng rối loạn trầm cảm khác (hoặc chúng có thể phát triển trong những hoàn cảnh riêng biệt) bao gồm:
- Trầm cảm có loạn thần: xảy ra khi trẻ bị trầm cảm nặng cộng với một số dạng rối loạn tâm thần, như có những niềm tin sai lệch bị bóp méo, hoặc phá vỡ tính thực tại (hoang tưởng), nghe hoặc nhìn thấy những điều khó chịu trong khi người khác không nghe/ nhìn thấy (các loại ảo giác).
- Trầm cảm sau sinh: đây là dạng nghiêm trọng hơn nhiều so với trạng thái “baby blues” (trạng thái khóc lóc và ủ rũ sau khi sinh con). Nhiều phụ nữ trải qua dạng rối loạn này sau khi sinh con, khi mà những thay đổi về nội tiết tố, thể lý, cùng với trách nhiệm đối với việc chăm sóc đứa con mới sinh có thể là điều quá sức với người đó. Theo ước tính, có đến 10 – 15% phụ nữ mắc rối loạn này.
- Rối loạn trầm cảm theo mùa (SAD): được đặc trưng bởi sự khởi phát triệu chứng trầm cảm trong suốt mùa đông – mùa có ánh sáng mặt trời tự nhiên ít hơn. Và dạng rối loạn trầm cảm này nói chung sẽ được cải thiện vào mùa xuân và hè. SAD có thể được điều trị hiệu quả với liệu pháp ánh sáng, nhưng nếu chỉ áp dụng đơn độc liệu pháp này thì theo khảo sát, có đến gần một nửa trong số những người mắc SAD không cảm thấy tốt hơn. Các thuốc chống trầm cảm và liệu pháp tâm lý có thể làm giảm triệu chứng của SAD khi được áp dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với liệu pháp ánh sáng.
Rối loạn lưỡng cực (hay còn gọi là rối loạn hưng). Trầm cảm, không phổ biến bằng dạng trầm cảm nặng hay trầm cảm dai dẳng. Rối loạn lưỡng cực đặc trưng bởi những thay đổi tâm trạng theo chu kì – từ dâng cao đến cực độ (hưng cảm) đến hạ thấp cực độ (trầm cảm).
1.Depression in Children and Teens. Đọc thêm tại:
<http://www.webmd.com/depression/tc/depression-in-childhood-and-adolescence-cause>. [Ngày 11 tháng 9 năm 2015].
2.Depression. Đọc thêm tại:
<http://www.nimh.nih.gov/health/topics/depression/index.shtml>. [Ngày 11 tháng 9 năm 2015].
3.The Depressed Child. Đọc thêm tại:
<http://www.aacap.org/AACAP/Families_and_Youth/Facts_for_Families/Facts_for_families_Pages/The_Depressed_Child_04.aspx>. [Ngày 12 tháng 9 năm 2015].