Bệnh viêm phế quản cấp tính xảy ra khi bé bị viêm đường thở dưới (dân gian còn gọi là sưng cuống phổi). Ở nước ta, đây là một bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong ở các bé đứng hàng thứ hai, chỉ sau bệnh tiêu chảy.
Bệnh viêm phế quản rất hay gặp ở các bé, đặc biệt là các bé dưới 1 tuổi. Những bé đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn nào đó như cúm, sởi, ho gà… rất dễ bị viêm phế quản. Ngoài ra, những bé đẻ non; còi xương; suy dinh dưỡng cũng dễ mắc bệnh, những bé này, một khi đã mắc bệnh thì thường diễn tiến nặng dẫn đến viêm phổi.
Bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ em
Khác với viêm phế quản mạn tính, bệnh viêm phế quản cấp là tình trạng viêm phế quản chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn (từ một vài ngày đến khoảng 10 ngày) mặc dù tình trạng ho có thể kéo dài đến vài tuần.
Một số loại vi-rút influenza; parainfluenza; RSV; rhinovirus, adenovirus, và corona là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm phế quản cấp. Bé có thể bị nhiễm những loại vi-rút này khi tiếp xúc với những giọt nước li ti bắn ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Không những vậy, vi-rút còn có thể bám vào các bề mặt (như tay nắm cửa, bàn phím máy tính…) và sống sót đến tận 24 tiếng. Vì vậy, bé cũng có thể bị nhiễm vi-rút thông qua các vật thể trung gian này.
Mặc dù, tác nhân gây bệnh viêm phế quản cấp ban đầu thường là virut, tuy nhiên, sau đó bé có thể bị bội nhiễm vi khuẩn (cùng lúc nhiễm thêm một loại vi khuẩn nào đó). Vi khuẩn hay gặp nhất là phế cầu khuẩn, H. influenzae rồi đến tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn… Những vi khuẩn này thường hiện diện ở mũi – họng, khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút thì chúng hoạt động mạnh hơn, tăng độc tính và gây bệnh.
Ngoài ra một số yếu tố khác như tiếp xúc với khói thuốc lá (bao gồm cả khói thuốc thụ động, bụi, khói, hơi dầu và ô nhiễm không khí…), thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cấp tính.
Xem thêm:
>> Triệu chứng nhận biết bé bị viêm phế quản cấp
>> Viêm phế quản cấp ở trẻ em – Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa