Bị ngứa khi mang thai kết hợp với triệu chứng vàng da có thể là do bệnh ứ mật thai kỳ. Vậy nguyên nhân và triệu chứng bệnh này như thế nào, chúng mình cùng tìm hiểu nhé!
Trong thời gian mang thai, nếu mẹ bầu bị ngứa khi mang thai ở lòng bàn tay, bàn chân hay toàn thân thì có thể để ý tìm hiểu về căn bệnh ứ mật thai kỳ, đặc biệt là nếu mẹ bầu thấy mình cũng bị vàng da nữa.
Vậy ứ mật thai kỳ là gì?
Ứ mật thai kỳ là tình trạng mà dòng chảy dịch mật trong túi mật trở nên chậm hơn so với bình thường (do các hormone thai kỳ gây ra), gây ra sự tích tụ của các axit mật trong gan, từ đó có thể tràn vào máu. Ứ mật thai kỳ có khả năng xảy ra cao nhất trong ba tháng cuối thai kỳ (tuần 29 tới tuần 40) khi các hormone thai kì được sản xuất nhiều nhất. Tình trạng ứ mật khi mang thai này sẽ biến mất sau khi sinh.
Ứ mật có thể làm tăng nguy cơ suy thai, sinh non, hoặc chết sau khi sinh, đó là lý do tại sao việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng.
Cứ 1000 trường hợp phụ nữ mang thai thì có 1-2 trường hợp bị ứ mật, phổ biến ở phụ nữ đa thai (sinh đôi, sinh ba…), từng bị tổn thương gan hay có mẹ hoặc chị em gái trong gia đình bị ứ mật.
Ứ mật khi mang thai, nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân gây ứ mật thai kỳ hiện nay vẫn chưa rõ ràng cho lắm, khoa học cho rằng có thể do yếu tố di truyền hay cũng do một số đột biến trong gen gây ra bệnh.
Hóc môn thai kỳ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh này. Mật là dịch tiêu hóa được sản xuất trong gan giúp hệ tiêu hóa phân cắt các chất béo. Có thể là do sự gia tăng các hoóc môn trong thời kỳ mang thai (thường xảy ra trong ba tháng cuối) làm dịch mật tràn ra khỏi gan chảy vào máu. Các axít mật sẽ lắng đọng trong các mô tế bào có thể dẫn đến tình trạng bị ngứa khi mang thai.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ứ mật khi mang thai
Thường thì các triệu chứng nhận biết được là bị ngứa khi mang thai rất dữ dội, đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân của mẹ và thường xảy ra ở giai đoạn cuối thai kỳ.
Các triệu chứng ứ mật khi mang thai có thể dao động từ nhẹ đến nặng tùy mẹ. Các triệu chứng thường bắt đầu trong kỳ mang thai thứ hai (3 tháng giữa) hoặc thứ ba (3 tháng cuối). Các triệu chứng phổ biến nhất mà mẹ có thể gặp phải đó là:
- Ngứa da: Thường thì các mẹ cảm thấy bị ngứa khi mang thai ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, nhưng cũng có một số mẹ cảm thấy ngứa toàn thân. Triệu chứng ngày càng tồi tệ hơn và ảnh hưởng đến giấc ngủ và các hoạt động hàng ngày của mẹ.
- Vàng da: Một số phụ nữ sẽ bị vàng da và lòng trắng mắt với tỷ lệ từ 10 tới 20% phụ nữ bị ứ mật. Vàng da là kết quả của sự tích tụ của một chất hóa học gọi là bilirubin trong máu do rối loạn gan và dòng chảy dịch mật suy giảm.
- Phân có màu trắng hay màu đất sét
- Nước tiểu sẫm màu
- Không có khả năng tiêu hóa một vài loại thức ăn
- Buồn nôn hoặc ói mửa
- Đau ở phần trên bên phải của bụng
Do đó, nếu mẹ đang mang thai mà xuất hiện các triệu chứng này thì nên gọi bác sĩ ngay. Mẹ có thể xem thêm bài Ứ mật thai kỳ – Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa để biết rõ hơn về căn bệnh này.