Sẽ có những lúc đứa trẻ của bạn làm việc nhà cẩu thả. Trong tình huống này, cách dạy con của bạn nên là can thiệp với sự động viên và chia sẻ nhẹ nhàng, dạy trẻ làm việc nhà bằng cách hướng dẫn con cách thực hiện tốt nhất.
Khi được giao nhiều nhiệm vụ, sẽ có những lúc trẻ làm việc cẩu thả, chậm chạp và kéo dài thời gian. Hầu hết trẻ em đều như thế. Trong những lúc này, bạn nên: can thiệp với sự động viên và chia sẻ nhẹ nhàng, dạy trẻ làm việc nhà bằng cách hướng dẫn con cách thực hiện tốt nhất.
Giao việc theo đúng khả năng của trẻ
Đôi lúc cha mẹ đòi hỏi quá nhiều ở con, hoặc luôn nhìn thấy sai sót trong mọi việc làm của con. Cha mẹ có thể làm con trẻ thấy nặng nề vì quá nhiều trách nhiệm, như số lượng việc nhà không cân đối, thời gian chăm em nhỏ quá nhiều, hoặc lịch trình của các hoạt động sau giờ học quá tải.
Khi điều đó xảy ra, trẻ sẽ cảm thấy quá sức và từ chối không làm bất kỳ việc gì nữa. Cha mẹ cần phải chú ý với sự quá tải này, và vẫn cho con đảm nhận những trách nhiệm phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Đương nhiên, mỗi trẻ khác nhau về những đặc điểm cá nhân và tính tình. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc trẻ thực hiện công việc. Một số trẻ thường không kiên trì, hay xao lãng giữa chừng. Một số khác lại không gọn gàng ngăn nắp. Và một số khác gặp khó khăn khi chuyển từ việc này sang việc khác. Cha mẹ cần để ý đến những đặc điểm ở mỗi trẻ và có cách dạy trẻ làm việc nhà phù hợp nhé.
Trẻ cần có những nghĩa vụ và trách nhiệm với gia đình, còn không trẻ sẽ không học được cách tự chịu trách nhiệm. Ở những môi trường không có tổ chức, hoặc ở những gia đình quá dễ dãi, có cách dạy con chưa phù hợp và cha mẹ có ít kỳ vọng ở con cái, trẻ sẽ mất những trải nghiệm quý giá, sự phát triển tinh thần trách nhiệm và sáng kiến, thế chủ động của trẻ sẽ chậm hơn.
Kết quả là, bất kỳ khi nào có yêu cầu cho trẻ, trẻ đều tỏ ra chậm chạp, kéo dài thời gian, không bao giờ học được cách bắt đầu thực hiện công việc của mình và hoàn thành chúng.
Khi trẻ làm việc nhà chậm chạp, cha mẹ nên làm gì?
Nếu con bạn làm việc nhà một cách chậm chạp và kéo dài thời gian thì đây là những cách giúp hữu ích để giúp trẻ hoàn thành công việc tốt hơn.
Cẩn thận liệt kê ra những công việc mà con bạn bắt buộc phải làm. Đảm bảo rằng trẻ hiểu những gì bạn yêu cầu ở trẻ hàng ngày và hàng tuần. Biểu đồ hoặc danh sách những việc vặt được dán trong phòng trẻ hoặc trên tủ lạnh cần phải ghi rõ ràng những yêu cầu của bạn.
Với trẻ em độ tuổi 5 – 12 tuổi, đặc biệt là với trẻ chưa từng đảm nhận một trách nhiệm nào trước đó, bạn nên cho trẻ làm quen từng nhiệm vụ một, nếu bạn áp một danh sách dài cho trẻ, trẻ hẳn sẽ không làm được mà ngược lại sẽ chống đối bạn.
Những lời khen ngợi chân thành từ bạn có thể là cách hiệu quả nhất để động viên trẻ và đảm bảo trẻ hoàn thành công việc tốt hơn. Khi con làm xong một nhiệm vụ, hãy khen ngợi trẻ và công việc trẻ đã làm. Tự mình thực hiện nhiệm vụ mà không cần nhắc nhở, hoàn thành một nhiệm vụ đặc biệt hoặc hoàn thành xuất sắc hơn bình thường xứng đáng được khen thưởng. Bạn cũng cần cân nhắc phần thưởng “hiện vật” như tiền tiêu vặt và nhãn dán chứng nhận hoàn thành công việc.
Con bạn sẽ luôn nhớ làm các công việc nhà nếu cuộc sống gia đình có tổ chức và có những thói quen. Khuyến khích trẻ làm việc nhà vào một thời điểm nhất định mỗi ngày. Những thói quen của các hoạt động khác như giờ ăn uống, làm bài tập, vui chơi và giờ đi ngủ cũng dạy cho trẻ sự tổ chức và giúp trẻ phát triển tính trách nhiệm.
Sắp xếp cuộc họp mặt gia đình mỗi tuần để xem xét về sự tiến bộ của trẻ. Hỏi những ý tưởng của trẻ về việc nhà và các trách nhiệm khác. Tạo một “hợp đồng” mới hoặc chỉnh sửa lại các việc nhà theo yêu cầu của trẻ. Điều quan trọng là nên giám sát và hỗ trợ trẻ, đó là cách tốt nhất để đảm bảo rằng trẻ luôn có trách nhiệm với công việc của mình.
Khi trẻ không hoàn thành việc nhà và các trách nhiệm khác, cha mẹ cần phải phạt trẻ. Ví dụ, bạn có thể quyết định cắt một số quyền lợi nhất định hoặc các hoạt động đặc biệt có ý nghĩa với trẻ khi trẻ làm việc nhà không đạt yêu cầu hoặc không làm.
Mặc dù vài cha mẹ có thể nghĩ rằng la rầy con sẽ giúp con biết trách nhiệm hơn, nhưng cách giải quyết này hiếm khi hiệu quả. Khen thưởng thành công và khích lệ động viên luôn hiệu quả hơn nhiều.
Khi nào nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ nhi
Trong một vài trường hợp trẻ hay kéo dài thời gian, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia. Hãy bày tỏ mối lo ngại của bạn với bác sĩ. Họ có thể giúp bạn an tâm rằng con bạn đang hành xử bình thường. Mặt khác, bác sĩ có thể xem xét cho trẻ gặp bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học để kiểm tra.
Việc kiểm tra này giúp xác định có khó khăn nào khác xảy ra hay không. Ví dụ, trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung chú ý dẫn đến việc gặp rắc rối khi làm bài tập về nhà. Đối với những trẻ này, việc kéo dài thời gian không phải là vấn đề. Việc chữa trị trong trường hợp này nên nhắm vào việc kiểm soát vấn đề khó tập trung của trẻ. Những nỗ lực từ sớm để giúp trẻ rất quan trọng cho tương lai của trẻ sau này đấy.
- Involving children in household chores. Đọc thêm tại: <http://raisingchildren.net.au/articles/tasks_and_chores_involving_kids.html>. [Ngày 29 tháng 9 năm 2015].
- Age-Appropriate Chores. Đọc thêm tại: <http://www.focusonthefamily.com/parenting/parenting-challenges/motivating-kids-to-clean-up/age-appropriate-chores>. [Ngày 29 tháng 9 năm 2015].
- Edward L.Schor, M.D. (2004). Caring for your school-age child: ages 5 to 12. Bantam Books. Trang 379 – 384.