Việc làm đẹp khi mang thai có vẻ sẽ khó khăn hơn vì cơ thể của mẹ sẽ có những thay đổi lớn. Đây cũng là giai đoạn mẹ nên thay đổi suy nghĩ và cách thức làm đẹp vì việc làm đẹp cho bà bầu không đúng cách có thể ảnh hưởng đến bé con trong bụng.
Một trong những nguyên tắc quan trọng mẹ cần ghi nhớ khi thực hiện các phương pháp làm đẹp cho bà bầu là không nên làm đẹp một cách tùy ý như trước. Giờ đây, mẹ cần phải biết những gì nên và không nên khi làm đẹp. Thế nhưng làm thế nào để biết được cái gì nên và không nên dành cho phụ nữ mang thai? Những thông tin bên dưới có thể giúp ích cho mẹ đấy.
Mẹo chăm sóc da mặt khi mang thai
Hầu hết các phương pháp chăm sóc da mặt thường sẽ an toàn khi mang thai. Tuy nhiên, một số liệu pháp mài mòn da (như kỹ thuật siêu mài mòn da kỹ thuật số microdermabrasion hay tẩy da chết bằng glycolic) có thể lợi bất cập hại, bởi chúng dễ gây kích ứng cho làn da vốn đang cực kỳ nhạy cảm do sự thay đổi hormone khi mang thai.
Ngoài ra mẹ cũng cần tránh xa các liệu pháp chăm sóc da liên quan đến việc sử dụng dòng điện đặc biệt microcurrent. Tốt hơn hết, hãy trao đổi với bác sĩ thẩm mỹ để biết được những phương pháp êm ái và ít gây kích ứng cho da nhất mẹ nhé.
Thuốc chống nhăn. Những chất tiêm chống nhăn như botox, collagen, restylane hay juvederm đều chưa được kiểm chứng an toàn cho phụ nữ mang thai. Do đó tốt nhất mẹ hãy khoan tiêm hay uống những chất trên trong thời gian này.
Các sản phẩm kem chống nhăn. Khi mang thai, việc sử dụng mỹ phẩm cần thận trọng hơn nhiều, vì việc lạm dụng hoặc sử dụng mỹ phẩm chất lượng kém có thể ảnh hưởng cực kỳ xấu đến thai nhi. Tốt nhất mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Thường thì bác sĩ sẽ khuyên mẹ không nên dùng sản phẩm chứa vitamin A (hayRetinoid- một loại vitamin A), vitamin K hoặc BHA (acid salicylic) và cho phép mẹ dùng các sản phẩm chứa AHA (alpha-hydroxy acid) hoặc axít trái cây. Tuy nhiên tin tốt lành là mẹ sẽ thấy cơ thể mang thai của mình tích nước khiến da mặt căng mọng mà không cần nhờ đến mỹ phẩm chống nhăn nào cả.
Trị mụn. Do sự thay đổi hormone khi mang thai, mụn có thể trỗi dậy trên mặt mẹ như nấm sau mưa. Nhưng trước khi chăm sóc da mặt bằng cách sử dụng bất kỳ sản phẩm trị mụn nào, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước.
Không được sử dụng thuốc accutane (dùng trị mụn trứng cá) và retin-A vì chúng có thể gây dị tật cho thai nhi. Với các loại thuốc trị mụn chứa axit beta-hydroxy (BHA), axit salicylic và benzoyl peroxide, mẹ cũng nên hỏi qua bác sĩ trước khi dùng. Trị mụn bằng lazer và các phương pháp lột tẩy cũng nên đợi đến sau khi sinh.
Do đó, tốt nhất là mẹ nên ngăn ngừa và hạn chế mụn bằng phương pháp tự nhiên nhất, đó là uống thật nhiều nước, ăn uống lành mạnh và luôn giữ mặt thật sạch sẽ. À, tuyệt đối không nặn mụn mẹ nhé.
Làm đẹp răng cho bà bầu
Không phải kỹ thuật nha khoa thẩm mỹ nào cũng an toàn cho thai phụ đâu mẹ nhé. Mặc dù làm đẹp cho bà bầu là việc rất quan trọng nhưng mẹ cũng hãy để ý đến sự an toàn của mình và bé yêu nhé!
Sản phẩm tẩy trắng. Tuy chưa có minh chứng về những nguy hại của sản phẩm tẩy trắng răng trong khi mang thai, mẹ cũng nên “cẩn tắc vô áy náy”. Do đó mẹ nên đợi thai nhi được vài tháng trước khi tiến hành. Trong thời gian đó, mẹ hãy giữ răng sạch và dùng chỉ nha khoa thường xuyên để giúp ích cho phần nướu đang trong giai đoạn vô cùng nhạy cảm này.
Sản phẩm làm bóng. Những cách thức làm bóng răng cũng rơi vào trường hợp “cẩn tắc vô ưu”. Một lý do nữa khiến mẹ nên đợi đến sau khi sinh, đó là sự nhạy cảm của nướu sẽ khiến các quy trình làm trắng hay làm bóng răng đều trở nên rất khó chịu.
Làm đẹp tay và chân cho bà bầu
Sơn móng là phương pháp làm đẹp khi mang thai tuyệt đối an toàn (đặc biệt, thời điểm này móng tay của mẹ mọc nhanh và cứng hơn bao giờ hết nữa đó) nhưng hãy tìm salon nào thông thoáng để tránh hít phải quá nhiều mùi hóa chất (bởi mẹ đâu phải chỉ thở cho chính mình).
Tuy nhiên, mẹ nên dặn nhân viên làm móng không xoa bóp khu vực giữa mắt cá và gót chân mẹ vì việc này sẽ kích thích co thắt tử cung đấy.
Hiện vẫn chưa có chứng cứ rõ ràng về tác hại của việc đắp móng bằng bột acrylics, tuy nhiên mẹ nên cẩn thận bỏ qua vẫn hơn bởi chúng không chỉ có mùi khó chịu mà còn là nơi tích tụ vi khuẩn nữa.
Làm đẹp cho bà bầu bằng cách nuông chiều cơ thể
Không khi nào mà cơ thể mẹ xứng đáng được nuông chiều bằng lúc này cả đâu mẹ nhé.
Làm đẹp khi mang thai bằng cách massage. Không gì hạnh phúc bằng được massage khi mẹ đang mỏi nhừ và đau lưng do “mang vác nặng”. Tuy nhiên mẹ cũng nên để ý đến một số hướng dẫn lưu ý để việc massage không những thoải mái mà còn an toàn cho mẹ.
- Hãy đảm bảo nhân viên massage cho mẹ có chứng nhận và hiểu biết tường tận về việc massage cho thai phụ.
- Tránh massage trong 3 tháng đầu thai kỳ vì việc này có thể khiến mẹ chóng mặt và buồn nôn hơn. Nhưng nếu mẹ đã lỡ massage trong thời gian này thì cũng đừng quá lo lắng, chúng chỉ gây khó chịu cho mẹ chứ không nguy hiểm gì cả.
- Mẹ nên nằm thư giãn đúng tư thế, không nên nằm ngửa quá lâu từ tháng thứ 4 trở đi, do đó hãy yêu cầu dịch vụ massage cung cấp bàn chuyên biệt có độ lõm cho bụng của mẹ hoặc dùng các loại gối đệm cho thai phụ hoặc nằm nghiêng.
- Không dùng các loại dầu massage có mùi, vì chúng có thể khiến khướu giác (vốn đang rất nhạy cảm) của mẹ khó chịu, thậm chí một số tinh dầu thơm còn có thể dẫn đến co thắt tử cung.
- Mẹ cần được xoa bóp đúng chỗ. Không nên dùng lực lên vùng gân giữa xương mắt cá và gót chân của mẹ vì có thể dẫn đến co thắt tử cung. Ngoài ra, nhân viên massage cũng nên tránh xa vùng bụng trên để mẹ không bị khó chịu. Và khi họ thực hiện quá mạnh, mẹ nên thông báo ngay để họ điều chỉnh lại lực bàn tay nhé.
Hương liệu. Do những ảnh hưởng của tinh dầu cây cỏ lên phụ nữ mang thai chưa được tìm hiểu rõ, thậm chí một số có thể gây hại. Do vậy, nếu muốn làm đẹp khi mang thai bằng phương pháp này, mẹ cần cẩn trọng khi sử dụng hương liệu.
Một vài tinh dầu sau đây được xem là an toàn khi mang thai: tinh dầu hoa hồng, nhài, oải hương, cúc, quýt, hoa cam và hoa ngọc lan. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến cáo mẹ cần pha loãng gấp đôi bình thường khi dùng đấy!
Bên cạnh đó, mẹ cần tránh những tinh dầu sau vì chúng có thể kích thích dạ con co thắt: tinh dầu húng quế (basil), hương thảo (rosemary), bách xù (juniper), xô thơm (sage), húng lủi/bạc hà (peppermint), oregano, bạc hà hăng (pennyroyal) và cỏ xạ hương (thyme). Các bà đỡ thường dùng những tinh dầu này khi vượt cạn chính vì chúng kích thích co thắt. Nếu mẹ gặp phải những loại tinh dầu trên tại spa, khi massage hay dùng xông trong nhà hoặc trong những sản phẩm lotion thì cũng đừng quá lo lắng vì hương thơm ở đó không quá đậm đặc. Nhưng cũng nên tránh tiếp xúc quá nhiều.
Các liệu pháp chăm sóc cơ thể, tẩy tế bào chết, quấn nóng, thủy liệu pháp. Các phương pháp tẩy tế bào chết thường an toàn, chỉ là không nên quá mạnh tay vì da mẹ đang trong giai đoạn rất nhạy cảm.
Ngược lại, hầu hết các liệu pháp quấn nóng lại không an toàn vì chúng làm tăng nhiệt độ cơ thể của mẹ lên quá 37 độ, chỉ có một vài liệu pháp quấn nóng bằng thảo mộc là được chấp nhận mà thôi. Ngâm nước ấm trong bồn tắm (không quá 37 độ) – một phần của thủy liệu pháp – vẫn an toàn cho mẹ nhưng tuyệt đối tránh xa buồng xông hơi, bồn sục và bồn tắm quá nóng.
Tắm nắng, nhuộm da và các loại lotion. Mẹ nên tránh xa phương pháp tắm nắng bằng tia cực tím vì chúng không tốt cho da và có thể gây nám. Tệ hơn, phương pháp này làm tăng nhiệt độ cơ thể của mẹ lên đến mức có hại cho sự phát triển của thai nhi.
Nếu mẹ dùng các sản phẩm nhuộm da (loại xịt hoặc bôi), hãy tham khảo với bác sỹ trước, và dù có được cho phép, hãy luôn nhớ rằng hormone của bạn trong khi mang thai có thể khiến da phản ứng không như ý với các chất nhuộm.