Bị thủy đậu khi mang thai có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề cho bé. Tiêm phòng vacxin thủy đậu trước khi có ý định mang thai một tháng là cách an toàn và hiệu quả để phòng tránh bệnh cho cả bạn và bé.
Ai có nguy cơ bị thủy đậu khi mang thai cao nhất?
Nếu trước đây bạn từng bị thủy đậu, bạn gần như miễn nhiễm với bệnh này, tuy nhiên nếu bạn chưa từng bị thủy đậu và hiện đang mang thai, bạn có nguy cơ khá cao bị nhiễm virus và mắc bệnh, do vậy, cần hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh thủy đậu.
Trong trường hợp bạn không chắc mình đã từng mắc thủy đậu hay chưa, cách tốt nhất hãy đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm định lượng kháng thể thủy đậu lưu hành trong huyết thanh.
Mẹ bầu có khả năng nhiễm thủy đậu không?
Bệnh thủy đậu cực kỳ dễ lây, do đó nếu bạn chưa từng bị thủy đậu mà tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, khả năng bạn bị thủy đậu là vô cùng cao. Trên thực tế, nếu có người thân trong nhà bị thủy đậu và bạn chưa miễn dịch với bệnh, 90% khả năng bạn bị lây bệnh.
Dấu hiệu bệnh thủy đậu khi mang thai?
Khoảng từ 10 tới 21 ngày (thường là từ 14 tới 16 ngày) sau khi tiếp xúc người bị thủy đậu mà bạn sẽ bắt đầu có những triệu chứng giống cảm cúm thông thường và rồi sẽ nổi những chấm ngứa trên da. Những chấm ngứa ban đầu là những nốt hồng đỏ rồi lớn dần, sau đó trở thành bóng nước. Vài ngày sau, bóng nước khô và đóng mài.
Bạn có thể sẽ thấy ban ngứa đầu tiên trên mặt, ngực hoặc bụng mình, sau đó các nốt ấy sẽ lan rộng ra những vị trí khác của cơ thể. Bạn sẽ có thể lây nhiễm cho người khác trong vòng 48 giờ trước khi bạn bắt đầu nổi ban đỏ đầu tiên và sẽ hết khả năng lây nhiễm khi tất cả ban đều đóng mài
Thai nhi có bị ảnh hưởng nếu mẹ bị thủy đậu khi mang thai?
Tùy theo thai kỳ của bạn đang ở tuần lễ thứ mấy mà bệnh thủy đậu có thể gây ảnh hưởng đến con bạn. Theo Hiệp hội dịch vụ thông tin Quái thai học (OTIS) thì:
- Nếu bạn bị thủy đậu vào 3 tháng đầu thai kỳ: Nguy cơ con bạn bị dị tật bẩm sinh sẽ là từ 0.5 tới 1%.
- Nếu bạn bị bệnh từ tuần lễ thứ 13 đến tuần 20: Nguy cơ càng cao, khoảng 2%.
- Nếu bạn mắc bệnh trong vòng 5 ngày trước sinh hoặc 1 tới 2 ngày sau sinh: Con bạn có 20 tới 25% nguy cơ mắc thủy đậu bẩm sinh.
- Nếu bạn bị thủy đậu trong khoảng từ 5-21 ngày trước khi sinh: Bé vẫn có nguy cơ bị thủy đậu, tuy nhiên lúc này bé có thể nhận được kháng thể từ cơ thể mẹ, do đó, các triệu chứng thủy đậu bẩm sinh ở bé có thể ít nghiêm trọng hơn.
Thai nhi có bị ảnh hưởng nếu mẹ bị thủy đậu khi mang thai
Ngoài ra, thủy đậu còn có thể làm gia tăng nguy cơ sẩy thai hoặc thai lưu, do đó nếu bạn bị thủy đậu khi mang thai, hãy đến gặp bác sĩ để được siêu âm kiểm tra dị tật và những bệnh lý khác của thai.
Bạn cũng có thể gặp chuyên gia di truyền để thảo luận về những nguy cơ có thể gặp ở bé để đưa ra quyết định phù hợp.
Thủy đậu bẩm sinh là gì?
Thủy đậu bẩm sinh đặc trưng bởi những dị tật sơ sinh, phổ biến nhất là sẹo trên da, tay chân dị dạng; đầu nhỏ bất thường; có bệnh lý về thần kinh và thị giác.
Nếu bị thủy đậu bẩm sinh, thai nhi có thể tăng trưởng rất kém; bé có thể bị co giật cũng như có những khiếm khuyết phát triển thể chất và trí tuệ.
Mẹ bầu cần làm gì nếu lỡ tiếp xúc với người bị thủy đậu?
Nếu bạn không chắc hoặc nghĩ rằng mình chưa miễn dịch với thủy đậu, hãy đến trung tâm y tế để xét nghiệm máu.
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bạn chưa miễn dịch với bệnh, bạn có thể được chỉ định tiêm VariZIG để giảm nguy cơ nhiễm bệnh và những biến chứng nguy hiểm. Bạn có thể được tiêm trong vòng 10 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, hãy tiêm càng sớm càng tốt.
Mẹ có thể được chỉ định tiêm VariZIG để giảm nguy cơ nhiễm bệnh và những biến chứng nguy hiểm
Tuy nhiên, trên thực tế tiêm thuốc cũng không hoàn toàn ngăn được tình trạng nhiễm thủy đậu nặng. Thuốc cũng chỉ có tác dụng bảo vệ trong khoảng 3 tuần do đó nếu 3 tuần sau mà bạn lại tiếp xúc với nguồn lây thủy đậu nữa thì bạn sẽ phải tiêm lại liều khác.
Có thể tiêm vacxin thủy đậu khi mang thai không?
Bạn không thể tiêm thủy đậu khi mang thai, do đó hãy tiêm thủy đậu trước một tháng nếu có ý định mang thai nhé. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo phụ nữ nên chờ một tháng sau khi tiêm chủng thủy đậu rồi mới có thai.
Ngoài ra, hãy tiêm chủng ngay sau khi sinh con nếu bạn chưa có kháng thể, tiêm lần 2 từ 4 tới 8 tuần sau đó để không phải lo lắng ở lần mang thai sau. Vaccin thủy đậu hoàn toàn an toàn với phụ nữ đang cho con bú.
Nếu chưa miễn dịch với bệnh, cần làm gì để giảm nguy cơ thủy đậu khi mang bầu?
Hạn chế tiếp xúc với người đang bị hoặc có nguy cơ bị thủy đậu (những người chưa có miễn dịch và từng tiếp xúc với nguồn lây bệnh trong vòng 3 tuần hoặc những người có triệu chứng giống cúm).
Nếu không chắc với cách phòng ngừa thủy đậu khi mang thai, hãy hỏi bác sĩ mẹ nhé
Nếu bạn bị thủy đậu khi mang thai, bạn cũng cần hạn chế tiếp xúc với người bị zona. Thông thường, nếu bạn đã bị thủy đậu một lần thì sẽ không hoặc rất khó bị lại lần nữa, tuy nhiên, những vi-rút này vẫn còn tồn tại rất lâu trong cơ thể, một ngày nào đó chúng có thể hoạt động trở lại và gây ra bệnh Zona. Do đó, bù bạn không bị lây zona nhưng bạn có khả năng bị bệnh thủy đậu do người bệnh zona lây cho.
Tiêm vacxin phòng bệnh thùy đậu. Thêm vào đó, vì khả năng bạn mắc thủy đậu từ người sống cùng là cao nhất nên CDC khuyến cáo tất cả trẻ trên 12 tháng và những người có thể mắc bệnh nên tiêm phòng thủy đậu.
Điều này đặc biệt quan trọng khi những người thân của bạn vừa tiếp xúc với người bị thủy đậu, nếu tiêm chùng trong vòng vài ngày sau khi tiếp xúc, bạn sẽ làm giảm nguy cơ bị bệnh thủy đậu.
>> Chủ động tiêm vacxin thủy đậu để bảo vệ sức khỏe cho cả nhà