Cách bảo quản sữa công thức cho trẻ sơ sinh như thế nào? Sữa công thức pha rồi để được bao lâu? Có nên pha sữa công thức thật nhiều rồi bảo quản như sữa mẹ? Hay sữa công thức để tủ lạnh được bao lâu?…vvv Nếu có thắc mắc, hãy cùng mekhonghoanhao tìm hiểu nhé!
>> Pha sữa công thức cho trẻ sơ sinh thế nào mới đúng?
>> Những lưu ý cực quan trọng khi pha sữa công thức cho bé
Sữa công thức pha rồi để được bao lâu: Điều kiện phòng?
Mẹ chỉ nên bé uống trong vòng 2 giờ thôi. Nếu bé bú không hết sữa pha sẵn thì mẹ nên đổ ngay phần sữa mà bé vừa bú thừa hoặc mẹ uống luôn nếu cảm thấy tiếc nhưng cũng không nên lạm dụng.
Tại sao ư? Là để tránh nhiễm khuẩn, nhất là vi khuẩn Crono. Với trẻ sơ sinh, vi khuẩn Crono (Cronobacter) có thể trở nên vô cùng nguy hiểm. Nếu với người lớn, chúng có thể gây ra ỉa chảy, nhiễm trùng vết thường, nhiễm trùng đường tiết niệu thì ở trẻ sơ sinh lại có thể dẫn tới nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não.
Sữa công thức pha rồi để được bao lâu: Trữ ở ngăn mát?
Bạn thắc mắc sữa công thức để tủ lạnh được bao lâu? Vì sữa bột không được tiệt trùng và vi khuẩn có thể sống sót trong sữa thậm chí nếu mẹ dùng nước tiệt trùng để pha. Nếu để trong tủ lạnh thì vi khuẩn có thể phát triển chậm hơn so với để bên ngoài, vì vậy sữa đã pha trữ trong tủ lạnh bảo quản được lâu hơn, tối đa đến 24 giờ. Nếu sau 24 giờ thì mẹ tuyệt đối không cho bé bú nữa.
Cách bảo quản sữa công thức sau khi pha như thế nào?
Nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh đều có thể làm suy giảm thành phần và dinh dưỡng có trong hộp sữa công thức. Do đó, ngay cả với những hộp sữa bột mua về nhưng chưa mở nắp, mẹ cũng nên bảo quản chúng ở nơi khô ráo, không có ánh nắng mặt trời, tránh nguồn nhiệt như bếp gas…
Tương tự vậy, với những bình sữa công thức, mẹ cần có cách bảo quản sữa công thức sau khi pha đúng cách – bảo quản ở nhiệt độ thường (nơi thoáng mát) hoặc trong tủ lạnh nếu muốn “kéo dài” thời gian sử dụng. Tuyệt đối không để trong ngăn đông mẹ nhé.
Và một việc hết sức quan trọng cho cách bảo quản sữa công thức sau khi pha là dán nhãn ghi rõ ngày giờ pha sữa. Thực hiện việc này để tránh việc quên mất bình sữa trong tủ lạnh được pha lúc nào. Nếu chẳng may không ghi và không nhớ ra thời gian pha sữa, tốt nhất là mẹ đổ bình sữa đó đi. Sức khỏe của con quý giá hơn nhiều so với việc tiết kiệm một bình sữa đó mẹ ạ
Mẹ cần có cách bảo quản sữa công thức cho trẻ sơ sinh đúng cách – bảo quản lạnh sẽ giữ được lâu hơn đấy ạ
Sữa công thức được bảo quản lạnh cần “hâm nóng” đúng cách!
Sữa công thức cho trẻ sơ sinh đã bảo quản trong tủ lạnh không bắt buộc phải làm nóng lên mới cho trẻ bú. Tuy vậy, phần lớn trẻ thích sữa có nhiệt độ ít nhất là gần với nhiệt độ trong phòng. Mẹ có thể để bình sữa ra ngoài khoảng 1 tiếng đồng hồ để đạt tới nhiệt độ phòng hoặc làm ấm lên bằng cách đặt trong một bình nước nóng hoặc máy hâm sữa (tuyệt đối không dùng lò vi sóng hâm sữa).
Sau khi làm nóng sữa, hãy kiểm tra nhiệt độ của sữa trước khi cho con bú để chắc chắn là sữa không quá nóng. Cách dễ dàng nhất để kiểm tra nhiệt độ là nhỏ vài giọt sữa vào mặt trong cổ tay và mẹ thấy ấm là được. Để tránh nhiễm khuẩn cho con, mẹ đừng cho bé bú bình sữa đã lấy ra khỏi tủ lạnh và để ở ngoài quá 2 giờ nhé!
>> Điểm qua những “sự cố” thường gặp khi bé bú bình
Mẹ có thể bảo quản sữa công thức cho bé trong vòng tối đa 24h thôi nhé!
Mách mẹ cách pha và cách bảo quản sữa công thức khi đi xa
Pha sẵn và bảo quản sữa cho bé trong túi giữ lạnh. Nếu mẹ biết mình và con phải đi xa trong vài tiếng đồng hồ, mẹ có thể mang theo bình sữa đã pha bỏ vào túi giữ lạnh có đặt đá bên trong và cho con dùng trong 4 tiếng đồng hồ.
Mang theo “đồ” pha sữa cho bé. Mẹ có thể mang theo hộp sữa công thức cho trẻ sơ sinh loại nhỏ để tiện pha với nước nóng hoặc bình nước tinh khiết mang theo. Khi pha sữa bột, nước nóng đựng trong phích mang theo sẽ tốt hơn nước tinh khiết. Việc mang theo nước này an toàn hơn cho bé vì nào ai biết được nước sôi mẹ xin ở những hàng quán bên ngoài có sạch hay không.
Trên tất cả những điều vừa nêu ra, để một bình sữa đã pha được đảm bảo an toàn trong thời gian dài, mẹ cần phải chú ý đến công đoạn pha sữa. Nếu bình sữa không được tiệt trùng hoàn toàn hay không được pha đúng cách sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn dễ dàng “xâm nhập”, khiến sữa nhanh hỏng, mọi nỗ lực cho cách bảo quản sữa công thức đã pha của mẹ cũng sẽ không thành công.
- Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2014, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 6th edn, Bantam books, USA.Trang 121.
- Spock, B, Needlman, R, 2012, Baby and Childcare, 9th edn, Bookwell, Finland.
- Bottle-feeding basic. Tham khảo tại: <http://www.babycentre.co.uk/a752/bottle-feeding-basics>. [Ngày 26 tháng 11 năm 2014]
- Coronobacter. Tham khảo tại: http://www.cdc.gov/features/cronobacter/ [Ngày 26 tháng 09 năm 2015]