Cách dạy con tiêu tiền hợp lý sẽ giúp bé học được khá nhiều kỹ năng trong tương lai như học cách tiết kiệm tiền và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.
Cậu nhóc nhà tôi sắp được 7 tuổi. Ba tháng qua, tuần nào cậu cũng nhận được một số tiền kha khá nhờ tưới cây, đồ rác mỗi ngày. Có ngày hứng chí, cậu còn đòi dậy sớm chiên trứng cho cả nhà ăn sáng dưới sự giám sát của tôi. Trước giờ, ngày nào đến trường cậu đều được 5,000 đồng dằn túi, và vẫn phải làm việc nhà như quét phòng mình, dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong, hay tự xếp quần áo vào tủ. Nhưng từ ngày chúng tôi thống nhất cách dạy con tiêu tiền đơn giản là sẽ trả công mỗi khi cậu muốn làm thêm những việc kho khó, cậu năng nổ hơn hẳn.
Tôi thích nhìn con “đấu tranh tư tưởng” giữa việc nên để dành mua đồ chơi hay tiêu xài ngay lập tức khi áp dụng cách dạy con này. Cậu chàng vốn thích ăn kẹo nên thường lấy tiền mua kẹo mỗi khi đi siêu thị cùng chúng tôi. Mỗi lần vậy, tôi đều chỉ rõ cho cậu thấy giá của bịch kẹo, và cùng nhau tính xem cậu sẽ còn lại bao nhiêu tiền sau khi mua. Nếu cậu đang nhăm nhe một bộ Lego đã lâu, tôi sẽ bảo nếu bây giờ con mua kẹo hết, thì con sẽ không đủ tiền đề dành mua Lego. Đôi khi cậu cưỡng lại được cám dỗ mà chịu khó nhịn kẹo vài ngày, nhưng thường thì cậu chịu thua.
Tuần này, cậu đã có 89,000 đồng trong lọ “Để dành” nhờ tích cực dành dụm trong mấy tháng qua. Sau khi đã xin phép dùng tiền này mua xe Hot Wheels, cậu hăm hở đi siêu thị với chúng tôi. Dạo trước, cậu lúc nào cũng lảng vảng quanh những bộ xe đắt tiền, nhìn tôi với ánh mắt cún con trong vô vọng. Nhưng hôm nay, cậu chỉ đi ngang, tiếc rẻ nuốt nước bọt rồi tiến thẳng đến những bộ xe cơ bản chỉ đắt bằng 1/10. Cậu săm soi rất kỹ lưỡng, suy nghĩ rất lâu rồi mới quyết định mua một bộ. Đi ngang qua những món đắt đỏ khác, cậu chỉ dám vuốt vuốt một cách thèm thuồng mà không nằng nặc đòi tôi mua cho nữa.
Cuộc sống thật là “vất vả” cho người đàn ông nhỏ của tôi, nhưng tôi biết con đang học được rất nhiều với cách dạy con tiêu tiền này của bố mẹ.