Khi trẻ ganh tị với anh chị em ruột của mình, cha mẹ hãy tìm hiểu nguyên nhân trước khi xử lý vấn đề. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên sự xích mích, sự ganh tị giữa các con mà cha mẹ có cách giải quyết mâu thuẫn khác nhau. Một số gợi ý sau đây có thể giúp các bậc cha mẹ đấy.
Chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước và sau khi sinh em bé
Ở một số gia đình, cha mẹ thường thấy trẻ ganh tị với em của mình, đặc biệt là khi em bé vừa mới chào đời. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này xảy ra trong gia đình bạn, bạn hãy chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước nhé!
Trong suốt quá trình mang thai, bạn nên kể cho trẻ nghe về em bé trong bụng bạn, để trẻ hiểu rằng mình sắp có em. Thường những trẻ từ 5 tuổi trở lên có nhận thức tốt hơn. Đặc biệt, trẻ sẽ cảm thấy không có gì thay đổi khi vẫn được cha mẹ yêu thương, quan tâm như bình thường.
Bạn cần dành nhiều thời gian và kiên nhẫn để chia sẻ với trẻ về em bé trong bụng. Dùng những từ đơn giản, dễ hiểu để giải thích với trẻ về mối quan hệ mới này, về em bé sắp chào đời, những thay đổi khi gia đình có thêm thành viên mới (ví dụ như cha mẹ sẽ bận rộn hơn, cha mẹ cần con giúp đỡ, cần con yêu thương và bảo vệ em…).
Hãy cùng trẻ dọn dẹp và chuẩn bị chào đón thành viên mới. Chẳng hạn trước khi sinh vài tuần, hãy ùng nhau mua giường mới, mua tã, sửa lại phòng, lắng nghe ý kiến của trẻ khi chọn mua quần áo, đồ dùng cho em bé… Nếu trẻ phải dời sang một căn phòng khác, hãy dời ít nhất vài tuần trước khi em bé được sinh ra nhé.
Cho trẻ lớn vào viện thăm em trước khi bạn xuất viện để trẻ cảm nhận được mình là một phần của gia đình. Khi về lại nhà, bạn nên cho trẻ lớn biết mình cũng có vai trò chăm sóc em, nhưng cần phải hỏi cha mẹ trước khi muốn chăm em. Khen ngợi con khi con yêu thương và nhẹ nhàng với em bé. Khi họ hàng và bạn bè đến thăm, nhớ nhắc họ thăm hỏi cả trẻ lớn nữa nhé.
Hãy khen ngợi con khi con yêu thương và nhẹ nhàng với em bé, mẹ nhé!
Không bỏ qua những nhu cầu và các hoạt động dành cho trẻ lớn dù có bận rộn thế nào. Cho phép con nói lên bất kì cảm xúc tiêu cực nào mà con dành cho em bé mới sinh. Bạn có thể nói với con “Em bé sinh ra làm cha mẹ bận rộn hơn. Nếu con thấy cha mẹ dành ít thời gian cho con, con hãy nói để mẹ biết, để mẹ ở với con nhiều hơn nhé”. Cố gắng dành thời gian riêng cho con mỗi ngày, để con cảm nhận được mình vẫn là người quan trọng với cha mẹ.
Như vậy, cách giải quyết ở đây là chuẩn bị tâm lý trước cho những trẻ lớn trước khi trẻ nhỏ chào đời, dành tình yêu thương và sự chăm sóc cho con để con không cảm thấy mình bị bỏ rơi. Điều này thực sự quan trọng đấy cha mẹ ạ.
Sự cạnh tranh giữa các trẻ
Khi trẻ trưởng thành theo thời gian, sự ganh đua giữa các con có thể sẽ nghiêm trọng hơn. Bạn có thể áp dụng cách giải quyết mâu thuẫn để giảm nguy cơ ganh đua bằng việc quan tâm đến từng trẻ: coi trọng sự khác biệt, điểm mạnh và thành tích của từng đứa con; lắng nghe, quan tâm đến sở thích và nhu cầu của con, và nếu có thể, bạn nên dành thời gian riêng với từng trẻ. Hãy cho trẻ thấy rằng chúng luôn được cha mẹ yêu thương và quan tâm.
Để hạn chế xích mích, bạn nên giải thích những quy định khác nhau cho mỗi trẻ tùy theo độ tuổi của con. Mặc dù bạn có thể đối xử công bằng nhưng trong mắt trẻ, đó là những điều không công bằng và có thể khiến trẻ ganh tị với anh chị em của mình.
Chẳng hạn như trẻ 11 tuổi đi ngủ lúc 9g30, nhưng trẻ 6 tuổi phải đi ngủ lúc 8g30. Trẻ 11 tuổi có thể đi xem phim với bạn bè mà không cần cha mẹ đi cùng nhưng bé 6 tuổi phải đi cùng cha mẹ. (Cũng đừng ép trẻ lớn phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm về việc chăm sóc em nhỏ, như là lúc nào đi xem phim cũng đưa em đi cùng.) Hãy giải thích với trẻ nhỏ rằng khi các con đủ tuổi, chúng sẽ có thể làm những điều tương tự như anh chị của mình.
Cha mẹ nên giải thích những quy định khác nhau cho mỗi trẻ tùy theo độ tuổi của con
Cho con biết mỗi người có một không gian riêng và có những điều riêng tư của mình. Cho nên, các con phải hỏi ý kiến khi muốn lấy đồ của nhau. Đồng thời cũng tôn trọng sự riêng tư của anh chị em của mình.
Khi phân chia việc nhà: cha mẹ cần phải công bằng. Với những việc mà hầu như không trẻ nào muốn làm (dọn dẹp sau khi ăn hoặc đổ rác chẳng hạn) thì hãy phân chia quay vòng cho các con, đảm bảo rằng ai cũng sẽ có trách nhiệm trong việc này.
Tránh so sánh giữa các con, như chuyện một trẻ học giỏi, còn trẻ kia thành tích không tốt; một trẻ giỏi thể thao, trẻ kia lại rất tệ. Bạn có thể nói về sự khác biệt giữa các con mà không đánh giá hay so sánh tiêu cực. Nhưng khi nói chuyện về những chủ đề này, cha mẹ cần tinh tế để tránh làm tổn thương con và khiến trẻ ganh ghét lẫn nhau. Thay vì so sánh các con, phụ huynh có thể tập trung vào điểm mạnh của từng trẻ và khuyến khích trẻ phát triển thế mạnh đó.
Cách giải quyết mâu thuẫn
Trẻ cần có cách giải quyết của mình, đó là trách nhiệm của trẻ. Cha mẹ cũng cần đặt ra giới hạn khi các con giải quyết những bất đồng. Ví dụ như trẻ có thể tranh luận, thậm chí cãi nhau nhưng không được dùng bạo lực với nhau.
Cha mẹ nên thường xuyên tổ chức các cuộc họp gia đình để trẻ có thể chia sẻ mối quan tâm và mong muốn của chính mình. Trong buổi họp, bạn nên để từng trẻ chia sẻ những bất bình của cá nhân mà không ai được ngắt lời hay la mắng. Hãy để trẻ biết là dù người khác có bất đồng quan điểm với mình, nhưng các con không được nói những lời làm tổn thương người khác, và không được dùng bạo lực.
Sau khi đã lắng nghe hết tất cả các ý kiến của các con, bạn hãy hỏi cách giải quyết vấn đề của từng trẻ, sau đó giúp con chọn ra một phương án thích hợp nhất. Ban đầu, các con sẽ cần bạn giúp đỡ và nhắc nhở. Nhưng dần dần, trẻ sẽ học được kỹ năng giải quyết xung đột và có khả năng tự giải quyết vấn đề của mình.
Cha mẹ cần can thiệp nếu thấy các con đánh nhau
Đừng để con mất kiểm soát. Bạn cần can thiệp nếu thấy con đánh nhau hoặc xúc phạm lẫn nhau. Hãy tìm hiểu lý do vì sao trẻ hướng sự tức giận lên người khác. Có thể đơn giản chỉ là vì trẻ muốn xem chương trình mình thích mà không được.
Hoặc sâu xa hơn, trẻ tức giận với em mình, nhưng thực tế là các em cảm thấy bực bội với bạn (hướng sự khó chịu lên đứa em sẽ an toàn hơn là bố mẹ), hoặc có thể cách trẻ ganh đua thể hiện sự căng thẳng trong gia đình…
Không đổ lỗi cho bất kỳ ai là nguyên nhân gây xung đột. Đôi khi bạn có thể cho hai trẻ “thời gian nghỉ” để bình tĩnh lại trước khi phân xử. Khi biết được lỗi thuộc về đứa trẻ nào, bạn cần can thiệp để hướng dẫn và ngăn chặn việc tái diễn trong lần sau.
Chẳng hạn như “Nam, con không được vào phòng của anh khi anh đang học bài và chơi đồ chơi của anh khi anh chưa cho phép. Vì anh con cần sự yên tĩnh. Con phải gõ cửa phòng để hỏi ý kiến anh, nếu anh không cho thì con không được vào phòng của anh”. Sự can thiệp là cần thiết trong tình huống này. Nhưng hãy nhớ, hướng dẫn một cách nhẹ nhàng để trẻ hiểu chuyện nhé cha mẹ.