Nếu bạn có nhu cầu máy đo huyết áp nhưng chưa biết cách dùng thì tham khảo ngay cách sử dụng máy đo huyết áp điện tử chuẩn xác ở bài viết này nhé!
Thật ra, máy đo huyết áp điện tử hoạt động cùng nguyên lý với huyết áp kế đồng hồ, nghĩa là đều dựa vào dao động. Áp suất sẽ được ghi bằng đơn vị mmHg – milimet thủy ngân.
Thông thường trên máy đo huyết áp điện tử sẽ hiển thị 3 chỉ số, chỉ số trên cùng là huyết áp tâm thu (SYS mmHg, xảy ra khi tim co bóp để bơm máu), chỉ số giữa là huyết áp tâm trương (DIA mmHg, xảy ra giữa các lần tim co bóp, khi cơ tim được thả lỏng) và chỉ số cuối cùng là nhịp tim trong một phút (Pulse/min).
Cách sử dụng máy đo huyết áp điện tử
Mặc dù hiện nay máy đo huyết áp điện tử tại nhà khá phổ biến, tuy vậy không phải ai cũng biết cách sử dụng máy đo huyết áp điện tử đúng cách. Để có được kết quả chuẩn xác, bạn cần thực hiện theo 3 bước dưới đây
- Bước 1. Trước tiên hãy ngồi ở một chỗ dễ chịu có thể dựa lưng được hoặc ngồi tại bàn ăn, bàn làm việc. Khi bạn sẵn sàng, ngồi yên khoảng từ 3 tới 5 phút trước khi đo, khi ngồi nhớ đặt chân lên sàn nhà và thả lỏng tay sao cho cánh tay ngang bằng với vị trí của tim rồi ngả người dựa ra ghế.
- Bước 2. Quấn bao đo huyết áp vào cánh tay cần đo, chú ý để ngửa bàn tay. Cần chú ý quấn bao đo đủ chặt sao cho chỉ để đút vừa 2 ngón tay vào rìa bao và đảm bảo da không chùng khi bao được bơm phồng. Bạn nên đặt dây đo nằm dọc theo cánh tay và trùng với phần giữa cánh tay để cảm biến hoạt động tốt hơn.
- Bước 3. Chờ vài phút rồi nhấn ‘Start’ để máy hoạt động. Máy sẽ bơm căng rồi xả dần để đo huyết áp. Khi quá trình đọc đã xong, máy sẽ hiển thị huyết áp của bạn lên màn hình cùng với tần số mạch. Nếu máy không đọc được, đặt lại bao đo, chờ một lúc rồi thực hiện lại.
Nếu huyết áp tâm thu/ huyết áp tâm trương của bạn ở trong khoảng 90/60 – 120/80 thì được coi là huyết áp bình thường. Chỉ số huyết áp ≤ 90/60 được coi là huyết áp thấp, chỉ số huyết áp ≥ 140/90 mmHg được gọi là cao huyết áp. Chỉ số huyết áp trong khoảng 120/80 mmHg đến 139/89 mmHg được gọi là tiền cao huyết áp (những người có huyết áp trong khoảng này có nguy cơ bị bệnh cao huyết áp).
Bạn cũng có thể tham khảo thêm cách sử dụng máy đo huyết áp tại video này:
Một số lưu ý bạn nên biết khi đo huyết áp
Ths-Bs Phan Hữu Phước, Trưởng khoa Lão Khoa bệnh viện Nguyễn Trãi khuyên bạn nên đo huyết áp vào một giờ nhất định trong ngày, mỗi lần đo nên đo khoảng 2-3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 3-5 phút. Tuy nhiên trong trường hợp nghi ngờ huyết áp bất thường, bạn nên đo huyết áp lúc đó để kiểm tra xem huyết áp có bình thường hay không.
Ngoài ra, luôn đo huyết áp của cùng mỗi cánh tay bởi vì có sự chênh lệch đôi chút giữa huyết áp của 2 tay. Tốt hơn hết, bạn nên sử dụng cánh tay mà bác sĩ hoặc y tá đã từng sử dụng để đo huyết áp cho bạn.
Nên nghỉ ngơi trước khi đo, không hút thuốc, không ăn quá no hay quá đói, không tập thể dục hay mới xúc động mạnh trừ những trường hợp cần theo dõi đặc biệt. Cần tuyệt đối thư giản và thoải mái khi đo, cần ngồi yên và giữ im lặng bởi vì những yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến kết quả đo.
>> Những lưu ý trong chế độ ăn cho người cao huyết áp