Khi bé đến giai đoạn ăn dặm thì bên cạnh sữa mẹ, bố mẹ cần chuẩn bị thêm cho bé thức ăn dặm từ trái cây hoặc bột đi từ lỏng đến đặc. Tập cho bé ăn dặm đúng cách rất quan trọng bởi nó giúp bé dễ tiêu hóa và phòng tránh bệnh tật.
Theo tổ chức y tế thế giới WHO, trong 6 tháng đầu đời, sữa mẹ (hoặc sữa công thức) là nguồn dinh dưỡng chính và duy nhất của bé. Vì vậy, thức ăn dặm, các loại nước trái cây hay nước lọc đều không cần thiết phải bổ sung trong thời gian này.
Khi bé được 5- 6 tháng tuổi, bé đã sẵn sàng cho việc ăn dặm vì lúc này, sữa không còn đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng của bé nữa. Lúc bắt đầu cho bé ăn dặm, ba mẹ nhớ lưu ý những điều sau:
- Luôn rửa tay thật sạch trước và sau khi chế biến thức ăn cho bé. Rửa sạch tay cho bé trước mỗi bữa ăn, dụng cụ cho con ăn dặm cũng cần phải giữ sạch sẽ, khô ráo.
Dụng cụ khi tập cho bé ăn dặm phải sạch sẽ
- Nếu bé ăn dặm theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hay ăn dặm truyền thống, thức ăn của bé sẽ đi từ mịn đến thô. Bắt đầu với 1 thìa nhỏ trước rồi mới tăng lượng lên từ từ.
- Nếu cho trẻ ăn dặm theo phương pháp baby lead weaning thì khá nhiều gia đình cho bé ăn bắt đầu từ mềm đến cứng: rau củ luộc đều được cắt cỡ ngón tay để bé ăn bốc.
- Tất cả các phương pháp ăn dặm đều có chung một điểm là: từ ít đến nhiều và thức ăn của bé nên bắt đầu từ từng món đơn lẻ đến cho ăn nhiều món phong phú. Việc này để loại trừ các loại thức ăn bé có thể bị dị ứng như hải sản, đậu phộng (lạc)…các thức ăn mới nên để bé thử từng loại một mà thôi.
Có bé thì vừa ăn đã dị ứng ngay, có bé vài ngày mới thấy dị ứng, vì vậy lịch sử ăn uống của bé bạn nhớ ghi chép đầy đủ trong tháng đầu bé ăn dặm. Dị ứng nhẹ thì ngứa, buồn nôn hay nôn, nặng thì nổi mẩn hay đi ngoài, nôn mửa và đều cần được theo dõi và tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi.
- Đừng nóng vội, có bé còn ăn 1 thứ đến lần thứ 10 mới quen được một loại thức ăn nào đó cơ. Bạn cứ để con ăn với tốc độ của mình. Dân gian có câu: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, mỗi bé sẽ rất khác nhau, bé thì ăn nhanh, bé thì ăn chậm, rồi cuối cùng cũng xong thôi, bạn đừng lo.
- Khi nào bé không muốn ăn nữa thì bạn cứ thoải mái dọn đi, bé đói là sẽ đòi ăn thêm ngay ấy mà. Biểu hiện ăn no của các bé rất phong phú: bé thì quay đầu đi, bé thì ngậm chặt miệng, đưa tay che miệng hoặc lắc lư đầu hay khóc ầm lên. Bạn đừng cố lừa để ép bé ăn thêm, bé sẽ chán ăn đó.
Chúc mẹ thành công khi tập cho bé ăn dặm nha ^^
Bé từ 6 đến 12 tháng tuổi có thể ăn được các loại rau, trái cây mới cho ăn thì luộc sơ để tiệt trùng, sau chỉ cần rửa sạch, gọt vỏ, bỏ hạt, thái miếng. Một số loại trái cây chua gia đình nên cho bé ăn sau 12 tháng (hầu hết thuộc họ cam, quýt, chanh).
Thức ăn của bé không cần nêm đường hay muối. Nếu được, bạn có thể giữ cho con ăn không đường và muối tới khi được 2 tuổi. Tuyệt nhất vẫn là chế độ ăn riêng từng món nhận biết được sự khác biệt về mùi vị hay độ thô mịn của thức ăn thay vì nấu trộn lẫn nhiều loại thực phẩm với nhau.
Có một điều mẹ cần lưu ý là khi chuyển sang tập cho bé ăn dặm, phân của bé sẽ thay đổi về màu sắc, kích thước và độ thô mịn. Có nhiều bé lúc bắt đầu ăn dặm đi ngoài phân lổn nhổn nhiều loại thức ăn đủ mầu sắc vì lúc đầu bé chưa biết nhai, chỉ nuốt thức ăn mà thôi.
Bé sẽ rất thích được ăn chung bữa cơm gia đình khi cả nhà quây quần vui vẻ. Bố mẹ hãy cố gắng để mỗi bữa ăn là một thời khắc vui vẻ chứ đừng ép ăn khiến bé khóc nhé. Các cụ vẫn có câu “Trời đánh còn tránh miếng ăn” mà.
Xem thêm:
>> Một vài mẹo để biết khi nào nên tập cho bé ăn dặm
>> Tập cho bé ăn dặm khi nào và mẹ cần biết gì
>> Cân bằng dinh dưỡng cho bé ăn dặm