Mẹ không hoàn hảo

Cẩm nang các phương pháp cho bé ăn dặm phổ biến hiện nay

Hiện nay có rất nhiều phương pháp cho bé ăn dặm phổ biến, và mỗi phương pháp lại có những thuận lợi và khó khăn riêng. Mẹ sẽ chọn phương pháp ăn dặm nào cho bé yêu của mình?


1. Phương pháp ăn dặm truyền thống 

Thời các cụ, khi nấu đồ ăn dặm, các cụ làm theo phương pháp thô sơ, gạo được giã hay nghiền mịn ra, khuấy bột với nước trắng hay nước hầm xương rồi cho lên bếp đun, vừa đun vừa khoáy một lát là có một bát bột cho bé.

Đến thời mẹ, phương pháp ăn dặm truyền thống này vẫn dựa trên kinh nghiệm của các cụ truyền lại tuy nhiên có sự hỗ trợ thêm của máy móc như máy xay sinh tố… Mẹ xay chung thức ăn, rau củ, thịt cá đến nhuyễn rồi quấy bột và nấu chung lại thành một bát bột tổng hợp, nhiều chất dinh dưỡng hơn.

Bột được mẹ xay từ gạo, nhiều mẹ cho thêm đậu xanh, hạt sen, ý dĩ…vào xay cùng với gạo để bột được thơm hơn.

Một số mẹ không xay gạo thành bột nữa mà lấy gạo nấu thành cháo rồi cho vào máy xay, xay cháo ra cho bé ăn nhưng đến khi bé mọc răng thì bé sẽ được ăn cháo và mẹ không cần phải xay ra nữa.

Khi cho trẻ ăn dặm theo phương pháp này, mẹ thường phải bế con đút cho ăn, hoặc dắt díu nhau đi khắp nơi trong nhà ngoài ngõ thì bé mới ăn hết phần.

Ngày nay, có nhiều mẹ không thích phương pháp này, mẹ cho rằng bé ăn nhuyễn nhiều nên khả năng ăn thô kém và nấu chung nguyên liệu sẽ khiến bé khó cảm nhận mùi vị, từ đó sinh chán ăn, biếng ăn….

Phương pháp ăn dặm truyền thống

2. Phương pháp ăn kiểu Nhật 

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật sẽ khiến mẹ mất rất nhiều thời gian và công sức chuẩn bị từng món ăn riêng biệt. Chế biến và bảo quản thường rất lích kích do đó nếu không sắp xếp được thời gian biểu hợp lý, mẹ sẽ rất khó để thực hiện phương pháp cho bé ăn dặm kiểu Nhật.

Tuy nhiên, có nhiều mẹ lại khá thích thú khi cho trẻ ăn dặm kiểu Nhật vì nhiều ưu điểm hợp lý và có cơ sở khoa học, tinh thần của ăn dặm kiểu Nhật tuyệt đối không thúc ép hay nhồi nhét nên bé không có cảm giác sợ hãi vì bị ép ăn, mặt khác khi ăn bé được ngồi trên ghế nên mẹ không phải vất vả cho đi ăn rong như kiểu ăn dặm truyền thống.

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật khá tốn thời gian

Để cho trẻ ăn dặm theo phương pháp này, mẹ có thể cho bé làm quen với thức ăn ngay bằng cháo loãng qua rây tỷ lệ 1:10 chứ không quấy bột. Sau này, độ thô của cháo sẽ tăng dần theo độ tuổi.

Các loại thức ăn khác như rau, thịt cũng được chế biến riêng với độ thô phù hợp, mẹ có thể cho bé ăn dần từng loại thực phẩm (từ rau củ đến thịt cá) để làm quen. Bé cũng được ăn riêng từng loại thức ăn và không trộn lẫn, trong khay thức ăn bao giờ cũng đầy đủ ba nhóm thực phẩm: Tinh bột, vitamin và chất đạm theo tiêu chuẩn “vàng – đỏ – xanh”!

Ăn dặm kiểu Nhật chú trọng cho bé ăn các thực phẩm không có mùi vị “ngon” ban đầu để bé không chê đồ ăn. Các loại rau củ và thực phẩm từ ngũ cốc được ưu tiên hàng đầu. Mẹ Nhật thường cho bé ăn ít protein, do đó các em bé Nhật thường khỏe và ít bị béo phì.

3. Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (phương pháp ăn dặm BLW )

Đây là phương pháp cho trẻ ăn dặm khá mới lạ với đa số mẹ người Việt, phương pháp này không có quấy bột, không có cháo loãng, không dùng thìa, không xúc, không bát đũa và sữa vẫn là thức ăn chính, cho trẻ ăn dặm chỉ để trẻ làm quen với các loại thực phẩm.

Nhiều mẹ không thích cho trẻ ăn dặm theo phương pháp này vì lo việc trẻ không có răng sẽ không nhai được nhưng mẹ nên biết trẻ hoàn toàn có thể nghiền được thức ăn bằng lợi đấy.

Bé ăn dặm theo phương pháp blw

Bên cạnh đó, nhiều mẹ lại khá thích thú vì theo phương pháp ăn dặm BLW, mẹ không cần quá chú trọng vào việc ban đầu bé ăn được bao nhiêu mà tập trung vào việc dạy bé tập nhai.

Mẹ sẽ chuẩn bị cho trẻ những thức ăn nguyên miếng được hầm mềm như: Vài miếng cà rốt, súp lơ, cơm nát nắm viên, lườn gà trắng xé nhỏ, cá gỡ xương, miếng chuối, bơ, táo hấp mềm… và để thẳng trên mặt bàn ăn của trẻ.

Trẻ sẽ tự ăn và ăn thô y như người lớn ngay từ lần ăn dặm đầu tiên và được ăn cùng lúc, cùng bàn với mọi người trong gia đình. Không cháo bột, không phải nhừ nhuyễn, không phải xay nghiền, không trái cây hỗn hợp xay nhuyễn, không phải khay bát… Trẻ sẽ ăn bốc, tự cầm tay những thức ăn mình yêu thích để cho vào miệng, mẹ để bé tự chỉ huy, tự quyết định mình sẽ ăn gì.

Thời gian đầu, bé có thể sẽ không ăn, cầm ném thức ăn lung tung, thậm chí bóp nát, cho vào miệng mút rồi vứt…..Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian làm quen với thực phẩm, bé sẽ tự hình thành phản xạ cắn, nhai rồi nuốt, từ đó, tiến thẳng đến giai đoạn tự mình xúc thìa.