Khi bị rối loạn lo âu quá mức, trẻ luôn ở trong trạng thái kinh sợ đối với mọi sự việc và hoàn cảnh. Chẩn đoán sớm và điều trị rối loạn lo âu chia ly đúng hướng sẽ giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Chẩn đoán tình trạng rối loạn lo âu chia ly ở trẻ
Cũng như người lớn, các tình trạng về tâm lý ở trẻ em được chẩn đoán dựa vào những dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng. Nếu trẻ có triệu chứng rối loạn lo âu chia ly, bác sĩ sẽ bắt đầu đánh giá bằng cách hỏi bệnh và thăm khám tổng quát. Dù không có xét nghiệm nào để chẩn đoán riêng biệt rối loạn lo âu chia ly nhưng các bác sĩ vẫn có thể sử dụng nhiều hình thức kiểm tra khác nhau – như xét nghiệm máu và những biện pháp khác trong phòng xét nghiệm – để sàng lọc loại trừ bệnh về cơ thể hoặc những tác dụng phụ của thuốc được cho là nguyên nhân gây ra triệu chứng.
Khi các bệnh về cơ thể được loại trừ, trẻ sẽ được giới thiệu đến một bác sĩ tâm thần hay nhà trị liệu tâm lý trẻ em, các chuyên gia sức khỏe tâm thần được đào tạo chuyên môn về chẩn đoán và điều trị bệnh tâm thần ở trẻ em. Các bác sĩ tâm thần và nhà trị liệu tâm lý sẽ sử dụng bảng phỏng vấn được thiết kế đặc biệt cùng các công cụ lượng giá để đánh giá bệnh tâm thần ở trẻ. Bác sĩ sẽ căn cứ vào những bảng báo cáo về triệu chứng của trẻ cùng với việc quan sát thái độ và hành vi của trẻ để đưa ra chẩn đoán.
Điều trị rối loạn lo âu chia ly ở trẻ
Các bác sĩ tâm thần nhi, nhà tâm lý trẻ em hoặc bác sĩ thần kinh nhi khoa đều có thể chẩn đoán và điều trị rối loạn lo âu chia ly. Những chuyên gia được đào tạo chuyên môn này sẽ tích hợp thông tin từ gia đình, trường học, và thực hiện ít nhất một lần thăm khám cho trẻ để đưa ra chẩn đoán. Trẻ bị rối loạn lo âu chia ly thường xuyên than rằng mình đang đau ốm và điều này cũng cần được kiểm tra bằng các xét nghiệm y khoa.
Các chuyên gia có thể xác định những triệu chứng về cơ thể và những ý nghĩ lo lắng, giúp trẻ phát triển các chiến lược ứng phó phù hợp và bồi dưỡng kỹ năng giải quyết vấn đề. Chương trình điều trị chuyên môn cho rối loạn lo âu chia ly bao gồm:
- Liệu pháp trò chuyện. Phương pháp này cung cấp một nơi an toàn cho trẻ để bày tỏ những cảm xúc của mình. Việc có ai đó lắng nghe trẻ một cách cảm thông và hướng dẫn để trẻ hiểu về những lo âu của mình có thể sẽ là phương pháp điều trị có hiệu quả mạnh mẽ.
- Liệu pháp đóng vai. Đây là kỹ thuật điều trị phổ biến và hiệu quả để giúp trẻ nói về những cảm xúc của mình.
- Tư vấn cho gia đình. Điều này có thể giúp trẻ chống lại những ý nghĩ làm nhen nhóm lên các mối lo âu của mình, trong khi bạn – với vai trò là phụ huynh – có thể giúp trẻ học các kỹ năng ứng phó với hoàn cảnh.
- Tư vấn dựa vào trường học. Phương pháp này có thể giúp trẻ khám phá những hành vi xã hội và các yêu cầu về học tập của nhà trường.
- Thuốc. Thuốc có thể được dùng để điều trị các trường hợp nặng của rối loạn lo âu chia ly, và chỉ nên được sử dụng kết hợp với các liệu pháp khác.
Phòng ngừa rối loạn lo âu chia ly bằng cách nào?
Không có cách nào để phòng ngừa rối loạn lo âu chia ly này. Tuy nhiên, việc nhận biết và tác động đến các triệu chứng ngay khi chúng xuất hiện có thể giúp giảm thiểu những căng thẳng của trẻ và ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến tình trạng bỏ học. Bên cạnh đó, việc tăng cường tính độc lập và lòng tự trọng cho trẻ thông qua sự hỗ trợ có thể giúp phòng ngừa các cơn lo sợ sau này đấy mẹ ạ.