Khi cho con đi bơi hoặc chơi một môn thể thao nào đó, bố mẹ thường chủ quan, ít quan tâm đến sự an toàn của trẻ vị thành niên, điều này rất nguy hiểm đấy ạ!
Có một thực tế là khi con càng lớn, bạn càng ít kiểm soát con khi cho con đi bơi. Trẻ vị thành niên cũng có nhiều khả năng bơi ở những vùng nước không có người cứu hộ như hồ, sông và biển. Áp lực từ bạn bè cũng có thể khiến trẻ thử những hoạt động nguy hiểm mà có thể trẻ chưa sẵn sàng để tham gia.
Những nguy hiểm khi đi bơi trẻ có thể gặp phải
Đánh giá sai khả năng bơi của mình. Trẻ có thể chết đuối khi cố gắng bơi qua hồ hoặc sông. Dù trẻ có giỏi bơi thì cũng có thể gặp nguy hiểm, vì hướng của dòng nước và nhiệt độ nước có thể ảnh hưởng đến các kỹ năng bơi của trẻ.
Do lặn, bơi hoặc nhảy vào vùng nước nông, trẻ có thể va vào những vật thể mà các em không thể nhìn thấy khi ở trên cạn. Ở độ tuổi này, trẻ có nguy cơ bị thương do lặn cao hơn các nhóm tuổi khác, dẫn đến khả năng tử vong hoặc chấn thương cột sống.
Nhận được sự giúp đỡ trễ. Trẻ thường chết đuối khi đi bơi cùng bạn bè, lý do là vì các bạn khác không biết bạn mình đang gặp chuyện, hoặc cho rằng đó là đùa cợt, hay không biết cách cứu bạn như thế nào.
Đi bơi trong vùng không an toàn: đi thuyền hoặc đi bơi trong vùng nước không được bảo vệ mà không mang áo phao.
Không nhận thức được mức độ nguy hiểm của nước lạnh và dòng nước, bởi vì bơi ở ao, hồ, sông… sẽ khác bơi ở hồ bơi.
Do dùng rượu bia hoặc ma túy trước khi bơi, vì rượu bia có thể ảnh hưởng đến khả năng đánh giá cũng như kỹ năng bơi của trẻ, và làm cho nhiệt độ cơ thể giảm.
Cha mẹ nên làm gì để giữ an toàn khi cho con đi bơi?
Cho con học bơi. Nếu con bạn không giỏi bơi lội, hãy cho con tham gia các khóa học bơi, với những khóa chỉ dành riêng cho trẻ vị thành niên. Biết cách thả nổi và bơi đến nơi an toàn là những kỹ năng sinh tồn quan trọng.
Khi con đi lặn. Cho con biết những nguy hiểm khi lặn ở nơi nước nông và dặn con chỉ lặn ở những nơi sâu ít nhất hơn 2,5 mét. Nếu khu vực bơi có biển báo “Không được lặn” hoặc “Không được bơi”, trẻ cần chú ý đến chúng và tuân thủ theo chỉ dẫn, vì có thể vùng nước đó có chứa nhiều vật ẩn gây nguy hiểm.
Trao đổi với con cách giữ an toàn. Dành thời gian để trao đổi với con về cách giữ an toàn bằng cách xác định những nguy hiểm, như là nước quá lạnh, nước dâng cao, thủy triều hoặc nước xoáy.
Nếu trẻ bơi vào dòng nước, không nên hoảng loạn hoặc cố gắng thoát ra khỏi dòng, mà hãy cố bơi song song với bờ cho đến tìm ra một kênh nước hẹp để thoát khỏi dòng nước, để dần dần bơi vào bờ.
Nếu trẻ không còn sức để bơi thì hãy bình tĩnh và thả nổi theo dòng nước, cho đến chỗ dòng nước yếu thì bơi vào bờ.
Thực hành giải quyết vấn đề với con. chẳng hạn như: “Nếu vào một đêm tháng 4, bạn của con muốn đi bơi ở một bãi biển của địa phương, con không tán thành về việc này. Lúc đó con sẽ làm gì?”
Luôn luôn đi bơi cùng bạn bè, để đề phòng trường hợp trẻ mệt hay bị chuột rút khiến các em khó khăn khi đi lên bờ. Nếu bơi cùng nhau, các em vừa có thể hỗ trợ nhau vừa có thể tìm người giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.
Nhắc con giới hạn của mình. Do ham vui nên trẻ có thể muốn bơi mãi. Nếu con bạn không giỏi bơi lội hay đang học bơi thì cha mẹ hãy dặn con đừng bơi ở chỗ nước sâu và đừng cố đua với những người bơi lội giỏi. Điều này có thể khó khăn khi bạn bè thách thức trẻ.
Còn nếu con bạn là một tay bơi lội cừ khôi, thì bạn hãy nhắc con để ý đến những bạn không giỏi bơi. Khi thấy bạn bè hoặc chính bản thân mình đang đuối dần thì cần đề nghị nghỉ ngơi.
Bơi ở những nơi an toàn. Bạn nên khuyên con nên đi bơi ở những nơi có nhân viên cứu hộ, đề phòng trường hợp xấu xảy ra, người cứu hộ có thể giúp đỡ.
Mua cho con áo phao. Hiện nay có rất nhiều loại áo phao thời trang và thoải mái. Hãy nhắc con mặc áo phao khi đi thuyền hoặc bơi ở những nơi không có người cứu hộ.
Bơi vào thời gian phù hợp. Ánh nắng mặt trời phản chiếu từ dòng nước và từ đá có thể tăng cường việc đốt cháy da. Trẻ có thể không cảm thấy gì khi đang bơi trong dòng nước mát lạnh, nhưng đau nhức sẽ diễn ra sau đó.
Do đó, trẻ cần thoa kem chống nắng thường xuyên, đeo kính mát và che kín người, đồng thời mang theo quần áo bảo hộ trước khi đi bơi.
Uống đủ nước. Khi bơi, mồ hôi tiết ra làm cơ thể mất nước. Chóng mặt, đầu óc quay cuồng hoặc buồn nôn có thể là dấu hiệu của sự mất nước và quá nóng.
Không bơi ở những nơi quá lạnh. Nhiệt độ nước có thể làm thân nhiệt trẻ giảm xuống, giảm rất nhanh so với lúc ở trên cạn. Nếu ở trên bờ thì 20 °C là nhiệt độ mát mẻ, nhưng đây là nhiệt độ quá lạnh khi ở dưới nước.
Do đó bạn hãy nhắc trẻ kiểm tra nhiệt độ cơ thể khi bơi ở những nơi lạnh và ở gần bờ. Nếu trẻ cảm thấy cơ thể đang run lên hoặc bị chuột rút, thì hãy lên bờ nhanh chóng để tránh nguy hiểm.
Tại công viên nước. Trẻ cần đọc các biển báo nguy hiểm trước khi bơi, vì ở mỗi khu vực có độ sâu khác nhau. Nếu trẻ không biết bơi, bạn hãy cho trẻ mặc áo phao và chắc chắn rằng có sự giám sát của nhân viên cứu hộ.
Đi thuyền an toàn. Để có những chuyến đi chơi bằng thuyền an toàn, cha mẹ cần:
- Đảm bảo người điều khiển có kinh nghiệm và năng lực.
- Không uống rượu bia. Như đã nói ở trên, rượu bia làm giảm khả năng phán đoán, giải quyết tình huống và bơi lội khi gặp nguy hiểm.
- Cần lưu ý về tình trạng mệt mỏi, say sóng do đi tàu (vì nhiệt độ, gió, tiếng ồn và độ rung của tàu có thể kết hợp với nhau làm người đi tàu thấy mệt mỏi).
- Tìm hiểu để đảm bảo điều kiện thời tiết an toàn trước khi đi tàu.
- Mang theo áo phao dù bạn đi thuyền tốc độ hay ca nô, dù bạn là giỏi bơi hay không. Để trẻ mặc áo phao, trước tiên bạn phải làm gương cho con mình.
- Giữ liên lạc với người ở trên bờ: Trước khi đi thuyền, bạn hãy cho ai đó biết về kế hoạch đi thuyền (đi đâu, đi bao lâu) để đề phòng vấn đề hoặc có ai đó có thể đi tìm. Nếu ở trên biển một thời gian dài, bạn cần mang radio để theo dõi tin tức thời tiết. Trường hợp biển động thì lập tức quay vào bờ.
- Khi sử dụng ván trượt, mỗi người cần tuân thủ quy tắc để đảm bảo an toàn.