Cho con tiền tiêu vặt một cách hợp lý là là vấn đề mà mẹ luôn quan tâm. Nhưng nên cho con số tiền bao nhiêu là vừa? Có nên can thiệp vào cách chi tiêu của con? Tham khảo bài viết sau để có cách dạy con phù hợp trong trường hợp này nhé!
Cho con tiền tiêu vặt bao nhiêu là đủ?
Có một vài cách để xác định khoản tiền tiêu vặt cho trẻ ở độ tuổi vị thành niên. Nhiều bậc cha mẹ đơn giản là chỉ là “ trinh thám” xem những đứa trẻ hàng xóm xung quanh nhận được tiền tiêu bao nhiêu rồi từ đó áp dụng cho con mình.
Một cách ước lượng khác là dựa trên những nhu cầu thiết yếu của trẻ như đồ dùng học tập, tiền mua thức ăn vặt, đi xem phim cùng bạn bè và một số khoản chi tiêu lặt vặt khác, từ đó đưa cho trẻ tiền tiêu mỗi tuần.
Cho con tiền tiêu vặt bao nhiêu là đủ?
Phương pháp này có tính đến nhu cầu của trẻ cũng như khả năng của bạn, miễn là bạn chi tiêu trong ngân sách của mình. Số tiền bạn cho con có thể thay đổi nhiều hơn hoặc ít đi cho tới khi bạn tìm ra con số phù hợp để bảo đảm hợp lý cho tất cả các khoản chi tiêu của con mà không làm hư hỏng trẻ.
Hãy luôn rõ ràng và nhất quán
Cho con tiền tiêu vặt vào một ngày cụ thể trong tuần. Tính nhất quán là một điều rất quan trọng, nó sẽ giúp trẻ chi tiêu cân đối cho đến khi trẻ nhận được khoản tiền tiêu tiếp theo. Chẳng hạn như bạn sẽ cho con tiền vào thứ 2 đầu tuần và cuối tuần kiểm tra lại con đã chi tiêu bao nhiêu, vào mục đích nào với số tiền đó. Nếu bạn quản lý vài tháng bạn sẽ dần nhận ra con mình tiêu tiền vào những thói quen có lợi hay hại và mức chi tiêu đó có hợp lý hay không.
Có nên can thiệp vào cách chi tiêu của trẻ?
Hạn chế can thiệp vào các quyết định chi tiêu của trẻ ngay cả khi bạn không đồng tình với việc đó. Tuy nhiên, cũng hãy thoải mái cho trẻ những lời khuyên về cách tiêu dùng thông minh.
Ví dụ nếu như trẻ đang mơ tưởng đến một chiếc áo khoác da đắt tiền thì bạn có thể dẫn trẻ đến một số cửa hàng bán áo quần và chỉ có trẻ sự khác biệt về chất lượng và giá cả của những chiếc áo khoác đó.
Hãy để cho con đề nghị khoản tiền tiêu vặt
Bạn có thể bắt đầu bằng việc hỏi trẻ thử xem trẻ thường dùng tiền vào những việc gì. Hãy để trẻ tự lên kế hoạch cho những điều mà trẻ mong muốn từ đó cho trẻ một khoản tiền phù hợp. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng đáp ứng tất cả những điều mà trẻ mong muốn, hãy để trẻ bước đầu làm quen với thế giới thực của người lớn.
Nếu trẻ muốn ứng trước khoản tiền tiêu vặt?
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy khó xử khi con muốn ứng trước khoản tiền tiêu hằng tháng.
Câu trả lời chính là: “Ngân hàng tạm thời đóng cửa”. Nếu trẻ xài tiền quá nhanh và muốn bạn ứng trước tiền thì bạn không nên đáp ứng điều này. Bằng cách này, trẻ sẽ học được cách tính toán và chi tiêu hợp lý hơn.
Có nên trả tiền cho con khi làm những việc nhà hay không?
Có một số cha mẹ cho con tiền khi con làm những công việc nhà, tuy nhiên điều này đôi khi lại trở nên phản tác dụng. Trẻ cũng là một phần của gia đình vì vậy việc trẻ phải làm những công việc nhà là điều đương nhiên. Nếu như bạn “trả công” cho trẻ thì sẽ tạo cho trẻ một thói quen xấu, đó là trẻ sẽ luôn mong muốn được bạn “trả lương” kể cả khi trẻ chỉ làm những việc vặt trong nhà như rửa chén bát, dọn vệ sinh…
Khi trẻ muốn tăng thêm tiền tiêu vặt?
Bạn sẽ xử trí như thế nào trong trường hợp con bạn muốn tăng thêm khoản tiền tiêu hằng tháng? Đây chính là lúc mà bạn “thỏa thuận” với trẻ. Hãy đưa ra một danh sách các công việc vặt mà bạn cần phải làm và dán lên tủ lạnh đồng thời nói cho trẻ hiểu rằng trẻ sẽ không được trả tiền cho những công việc vặt trong gia đình trừ trường hợp trẻ muốn làm thêm phần việc của mẹ thì có thể sẽ nhận được thêm khoản tiền tiêu vặt. Qua đó, giúp trẻ nhận thức được lao động mới là cách kiếm ra tiền để trẻ biết trân trọng đồng tiền hơn.
Khi nhu cầu của trẻ vượt mức khả năng chi trả của bạn?
Một số trường hợp khiến cha mẹ lâm vào tình trạng khó xử, như: trẻ là một người sành điệu và luôn hiểu rõ về các nhãn hiệu thời trang nên muốn định hình phong cách ăn mặc cho mình, hay trường hợp trẻ học trong môi trường mà bạn bè thường đánh giá nhau qua vẻ bề ngoài…Các tình huống này có thể khiến bạn lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan nếu chi tiêu đã hoàn toàn nằm ngoài khả năng tài chính của bạn.
Tuy nhiên, bạn hãy thông cảm với trẻ và hãy thành thật về khả năng tài chính của gia đình. Bạn có thể giúp trẻ nhận thức rõ hơn về điều này bằng cách cho trẻ xem những tờ hóa đơn mà bạn phải chi trả hàng tháng như các hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền gas, tiền nhà… Có thẻ trẻ sẽ cảm thấy sốc, hãy giải thích cho trẻ rằng tiền Internet hằng tháng mà bạn đã trả cho trẻ tương đương với chiếc áo mà trẻ muốn mua. Ngoài ra bạn cũng thể chỉ cho trẻ thấy cha mẹ đã sử dụng khoảng 2- 3 phần lương để chi trả cho các khoản phúc lợi, bảo hiểm hay đồ gia dụng… Trẻ có thể hiểu ra hoặc đôi khi trẻ có thể chưa hiểu hết đầy đủ những điều đó nhưng điều quan trọng là bạn đã giúp trẻ hiểu rõ tầm quan trọng của ngân sách và tiết kiệm.
Mở cho trẻ một tài khoản tiết kiệm
Nhiều bậc phụ huynh cho trẻ tiền bỏ heo đất hoặc mở tài khoản tiết kiệm nhằm khuyến khích con tiêu xài một cách tiết kiệm. Trẻ sẽ rất phấn khởi nếu sở hữu một “tài khoản” của riêng mình.