Viêm cầu thận ở trẻ em là tình trạng các đơn vị nhỏ có chức năng lọc máu trong thận bị viêm, sưng và kích thích khiến thận làm việc không đúng cách. Viêm cầu thận có thể là bệnh cấp tính hoặc mãn tính, và tùy vào từng mức độ mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau.
Chẩn đoán bệnh bệnh viêm cầu thận ở trẻ em
Tại phòng khám chuyên khoa thận, các bác sĩ sẽ khám các triệu chứng, tình trạng sức khỏe trước đây, sức khỏe của các thành viên khác trong gia đình, bất cứ loại thuốc nào trẻ đang dùng, tình trạng dị ứng cũng như các vấn đề khác trẻ mắc phải.
Nếu nghi ngờ thận có vấn đề, các bác sĩ sẽ làm một vài xét nghiệm để tìm bằng chứng của bệnh viêm cầu thận, xem thận còn làm việc tốt hay không và chẩn đoán xác định bệnh viêm cầu thận ở trẻ em:
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm nước tiểu.
- Siêu âm thận (an toàn và không đau, siêu âm thận là dùng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh cho thấy độ lớn, hình dạng, và các bất thường ở thận, chẳng hạn như tắc nghẽn dòng nước tiểu hoặc sưng).
- Xạ hình thận (scan) – một chất màu được tiêm vào mạch máu và hình ảnh được chụp lại cho thấy máu chảy qua thận ra sao. Điều này sẽ trả lời cho các bác sĩ biết nước tiểu của trẻ có được sản xuất bình thường hay không.
- Sinh thiết thận có thể cần thiết trong một số trường hợp (thủ thuật này các bác sĩ dùng 1 cây kim đặc biệt lấy một mẫu nhỏ mô thận gửi đến phòng thí nghiệm và kiểm tra để xác định nguyên nhân gây bệnh bệnh viêm cầu thận và kiểm tra xem có tổn thương thận hay không).
Điều trị bệnh viêm cầu thận ở trẻ em
1. Điều trị bệnh viêm cầu thận cấp tính
Bệnh viêm cầu thận cấp tính đôi lúc có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nên bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt vì sẽ giúp giảm nguy cơ tổn thương thận.
Điều trị bệnh viêm cầu thận cấp tính phụ thuộc vào độ tuổi và sức khỏe tổng quát của trẻ, mức độ hoạt động của thận và nguyên nhân gây ra viêm. Những giải pháp các bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân gồm:
- Hạn chế dịch (chẳng hạn như hạn chế lượng chất lỏng uống trong ngày).
- Khẩu phần ăn kiêng đạm, muối và kali.
- Thuốc lợi tiểu giúp trẻ tiểu nhiều hơn.
- Thuốc hạ huyết áp nếu có tình trạng cao huyết áp.
- Thuốc kháng sinh nếu bệnh viêm cầu thận do nhiễm khuẩn.
- Steroids và các loại thuốc ức chế miễn dịch khác nếu bệnh viêm cầu thận do bệnh của hệ thống miễn dịch.
Hầu hết thanh thiếu niên, trẻ em bị bệnh viêm cầu thận cấp tính sẽ khỏi. Thời gian bao lâu thì còn dựa vào nguyên nhân gây ra bệnh, cũng như bệnh bao lâu rồi và được điều trị khi nào.
Trẻ bị viêm cầu thận cấp tính có thể sống cuộc sống bình thường và tham gia vào các hoạt động giống như mọi đứa trẻ khác. Hiếm khi bệnh viêm cầu thận cấp tính không đáp ứng với điều trị, nhưng nếu không đáp ứng điều trị, nó sẽ trở thành bệnh viêm cầu thận mạn tính.
2. Điều tri bệnh viêm cầu thận mạn tính
Vì không có cách nào cụ thể để điều trị bệnh viêm cầu thận mạn tính, thế nên các bác sĩ khuyên mẹ nên thay đổi lối sống của bé để giảm thiểu thiệt hại và làm chậm sự tiến triển của bệnh thận:
- Khẩu phần ăn hạn chế đạm, kali và muối.
- Giảm lượng nước uống vào.
- Uống thuốc bổ sung canxi.
- Ăn các loại thức ăn lành mạnh và tăng cường tập thể dục nhiều.
3. Điều trị biến chứng suy thận
Trong hầu hết các trường hợp cấp tính, tổn thương ở cầu thận cuối cùng cũng hồi phục và hiếm khi có biến chứng. Vậy nên may mắn thay, hầu hết trẻ em sẽ không bao giờ cần phải dùng đến những phương pháp điều trị dưới đây và vẫn có thể chơi thể thao, tham gia các hoạt động yêu thích, và sống một cuộc sống hoàn toàn bình thường.
- Chạy thận nhân tạo: Nếu các loại thuốc và phương pháp điều trị không đáp ứng sẽ dẫn đến suy thận. Thận không lọc hết được các chất thải của cơ thể và nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Khi đó, trẻ cần được chạy thận nhân tạo, nghĩa là sử dụng một hệ thống lọc nhân tạo để làm thay thế công việc mà thận làm chưa tốt.
- Ghép thận: Cuối cùng, trẻ chạy thận nhân tạo lâu dài cần một quả thận hiến từ người khác. Thủ thuật này được gọi là ghép thận. Khi trẻ nhận được một quả thận mới, trẻ sẽ không còn cần phải chạy thận nhân tạo để lọc các chất thải ra khỏi cơ thể nữa.