Mẹ không hoàn hảo

Chứng ngủ rũ ở trẻ em và trẻ vị thành niên

Chứng ngủ rũ (Narcolepsy – một rối loạn giấc ngủ) là tình trạng trẻ buồn ngủ quá mức, gây ảnh hưởng đến các khía cạnh trong cuộc sống, trong đó có cả chức năng xã hội và học tập.

Triệu chứng của chứng ngủ rũ

Các triệu chứng của chứng ngủ rũ có thể tiến triển trong nhiều năm, hoặc tất cả các triệu chứng có thể xuất hiện trong cùng thời điểm. Bốn triệu chứng phổ biến nhất của chứng ngủ rũ là:

Ngủ ngày quá nhiều: Đây thường là dấu hiệu đầu tiên của chứng ngủ rũ. Những trẻ mắc chứng này thường than phiền rằng lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi. Trẻ có thể ngủ vào những thời điểm bất thường, chẳng hạn như khi đang trò chuyện hoặc ngay lúc ăn.

Sự tê liệt nhất thời: Đây là tình trạng mất kiểm soát cơ đột ngột xảy ra trong thời gian ngắn, gây ra bởi sự căng thẳng hoặc những cảm xúc mạnh mẽ, như vui, tức giận, lo âu hay ngạc nhiên.

Triệu chứng tê liệt nhất thời có thể nhẹ – như là cảm giác yếu thoáng qua ở đầu gối – hoặc đáng chú ý hơn như té khuỵ xuống đất do không thể duy trì được tư thế. Việc thở của trẻ không bị ảnh hưởng nhưng trẻ có thể có cảm giác nghẹt thở. Chấn thương do té ngã cũng hiếm xảy ra vì tình trạng tê liệt chỉ kéo dài trong vài giây.

Đôi khi, sự tê liệt nhất thời là triệu chứng đầu tiên của chứng ngủ rũ nhưng thường tiến triển trong nhiều tháng đến vài năm sau khi đã khởi phát rối loạn giấc ngủ này, và không phải trường hợp nào cũng có triệu chứng này.

Tê liệt khi ngủ (còn gọi là “bóng đè”): Đây là hiện tượng mất kiểm soát cơ thoáng qua khi đang đi vào giấc ngủ hoặc khi tỉnh dậy; là cảm giác không thể di chuyển hay nói chuyện, dù cho trẻ hoàn toàn nhận thức được mọi thứ xung quanh. Tình trạng này có thể biến mất khi được người khác chạm vào.

Ảo giác trước ngủ: Đây là những sự kiện sống động giống như một giấc mơ hoặc cơn ác mộng mà trẻ khó phân biệt được với thực tế. Chúng xuất hiện chỉ ngay trước khi rơi vào giấc ngủ hoặc ngay sau khi thức giấc. Những “giấc mơ” thường có những hình ảnh hoặc âm thanh của những con vật lạ hay kẻ lạ mặt. Nhìn chung việc này khá đáng sợ đối với trẻ và thường đi kèm với hiện tượng tê liệt khi ngủ.

Ngoài 4 triệu chứng phổ biến ở trên thì khi bị chứng ngủ rũ, trẻ có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như:

Ngủ không yên giấc trong đêm. Trẻ khó ngủ hoặc thường xuyên bị thức giấc. Điều này lại trái ngược với việc ngủ quá nhiều vào ban ngày.

Các hành vi tự động: Trẻ tiếp tục thực hiện các công việc thường ngày mà không nhận thức được hoặc không nhớ là đã thực hiện chúng (ví dụ: viết thư, làm bài tập về nhà…).

Các triệu chứng  khác được ghi nhận ở trẻ nhỏ và vị thành niên với chứng ngủ rũ bao gồm mất trí nhớ, thiếu tập trung, thiếu động lực, uể oải, khó bắt kịp bạn bè hay trong việc học. Tình trạng lạm dụng chất gây nghiện và trầm cảm đôi khi cũng xảy ra.

Có nhiều triệu chứng giúp cha mẹ xác định con mình có mắc chứng ngủ rũ hay không

Nguyên nhân của chứng ngủ rũ

Nguyên nhân chính xác của chứng ngủ rũ vẫn chưa được xác định. Chứng ngủ rũ được cho là có liên quan đến sự phá vỡ vùng não có chức năng kiểm soát giấc ngủ và sự tỉnh táo. Trong nhiều trường hợp, rối loạn này được cho là có nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu hụt một chất đặc biệt trong não được gọi là hypocretin hoặc orexin.

Tần suất chứng ngủ rũ xảy ra ở nam và nữ là bằng nhau. Các triệu chứng ban đầu thường không được ghi nhận lại cho đến khi trẻ được 15 – 25 tuổi dù chúng từng được thấy ở giai đoạn sớm hơn.

Đôi khi rối loạn xảy ra với nhiều thành viên trong gia đình, nhưng trong hầu hết các trường hợp đều không ghi nhận có sự di truyền. Một số bệnh truyền nhiễm do virus có liên quan đến việc thúc đẩy sự phát triển rối loạn này ở những người nhạy cảm.

Chẩn đoán khi trẻ có chứng ngủ rũ

Đầu tiên, trẻ sẽ được hỏi bệnh và khám toàn diện để loại trừ những nguyên nhân y khoa có khả năng gây các triệu chứng về giấc ngủ.Việc tham khảo ý kiến chuyên gia trị liệu về giấc ngủ có thể sẽ cần thiết.

Chuyên gia trị liệu về giấc ngủ sẽ thực hiện một nghiên cứu về giấc ngủ suốt đêm trong phòng thí nghiệm. Thử nghiệm này là đo biểu đồ chu kì giấc ngủ, giúp theo dõi giấc ngủ để xác định xem có bất kì rối loạn giấc ngủ nào khác khiến trẻ khó ngủ hay không.

Thử nghiệm đo độ trễ của nhiều giấc ngủ cũng sẽ được tiến hành. Đây là một thử nghiệm đo 5 giấc ngủ ngắn nhằm đánh giá tình trạng ngủ vào ban ngày cũng như đặc điểm của một loạt các giấc ngủ ngắn cách nhau mỗi 2 giờ. Kết quả thu được từ 2 thử nghiệm trên được dùng để chẩn đoán chứng ngủ rũ.

Các xét nghiệm di truyền và dịch não tủy cũng được thực hiện trong các trường hợp đặc biệt.

Điều trị chứng ngủ rũ

Hiện tại vẫn chưa có cách nào để chữa trị chứng ngủ rũ. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp giúp kiểm soát triệu chứng để những trẻ mắc rối loạn này có thể có một cuộc sống gần như bình thường. Kế hoạch trị liệu thường theo 3 hướng: thuốc, điều chỉnh hành vi và giáo dục.

Thuốc: Được chỉ định điều trị tình trạng ngủ ngày quá nhiều, chứng tê liệt khi ngủ, các rối loạn giấc ngủ và các ảo giác. Tránh sử dụng caffein vào xế chiều hoặc tối để giấc ngủ ban đêm không bị ảnh hưởng. (Lưu ý: Caffein có chứa trong cà phê, trà, một số đồ uống có gas, nước tăng lực và socola).

Điều chỉnh hành vi: Trẻ cần tuân theo một thời gian biểu nghiêm ngặt về thời gian ngủ/ thức dậy mỗi ngày với lượng thời gian ngủ đầy đủ phù hợp với độ tuổi. Ngủ một đến hai giấc ngắn mỗi ngày khi cần. Bác sĩ có thể giúp phân bố lịch trình uống thuốc phù hợp với lịch ngủ của trẻ qua đó có thể làm giảm cơn buồn ngủ của trẻ một cách hiệu quả.

Điều trị chứng ngủ rũ ở trẻ có thể theo nhiều hướng

Tránh các hoạt động có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ – như tự điều khiển xe, bơi lội, nấu ăn; trừ những trường hợp trẻ biết là mình có thể tỉnh táo hoàn toàn. Tập luyện thể dục đều đặn; giảm những công việc nhàm chán cứ lặp đi lặp lại.

Giáo dục: Bạn thân, các thành viên trong gia đình, giáo viên…(những người tiếp xúc gần gũi với trẻ) nên được giải thích về rối loạn này và hiểu được nó ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của bản thân trẻ như nào.

Ví dụ: tình trạng ngủ ngày có thể bị nhầm lẫn với sự lười biếng, thiếu hứng thú hoặc thiếu khả năng. Cha mẹ và người thân trong gia đình có thể lên một kế hoạch xem tương lai của trẻ (gia đình, công việc, nhà cửa) sẽ bị ảnh hưởng thế nào bởi rối loạn, và tìm kiếm các nguồn hỗ trợ từ cộng đồng như mạng lưới hỗ trợ chứng ngủ rũ, các nhóm hỗ trợ quốc tế về chứng ngủ rũ.

Bạn có thể làm gì để giúp trẻ?

Trẻ có thể điều chỉnh lối sống để kiểm soát triệu chứng của rối loạn. Để giúp trẻ khắc phục, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ làm theo các bước sau:

Thực hiện theo một lịch trình: Hãy giúp trẻ đi ngủ và thức dậy vào giờ giấc như nhau vào mỗi ngày, kể cả cuối tuần.

Ngủ trưa: Lên lịch ngủ trưa theo chu kì thường xuyên trong ngày. Ngủ trưa khoảng 20 phút ở các thời điểm quan trọng trong ngày có thể giúp cơ thể tỉnh táo và giảm bớt cơn buồn ngủ từ 1 đến 3 giờ. Một số trẻ có thể cần thời gian ngủ trưa dài hơn.

Thường xuyên tập thể dục: Việc tập thể dục thường xuyên, vừa phải trước khi ngủ 4 – 5 tiếng có thể giúp trẻ tỉnh táo hơn trong ngày và ngủ ngon hơn về đêm đấy.