Thông thường, khi vừa chào đời mà bé bú bình thay vì bú mẹ thì bé sẽ rất ít chấp chận ti mẹ, điều này dẫn đến việc mẹ bị giảm sữa và cũng ít cơ hội để bé gần gũi, cảm nhận được cơ thể mẹ. Do đó, lý tưởng nhất là mẹ chỉ nên tập cho bé bú bình vào khoảng 3-4 tuần sau sinh, khi lượng sữa mẹ đã ổn định.
Hạn chế tập cho bé bú bình khi bé vừa chào đời
Thông thường, khi vừa chào đời mà bé bú bình thay vì bú mẹ thì bé sẽ rất khó tập bú mẹ, điều này dẫn đến việc mẹ bị giảm sữa và cũng ít cơ hội để bé cảm nhận được cơ thể mẹ. Do đó, lý tưởng nhất là mẹ chỉ nên tập cho bé bú bình vào khoảng 3-4 tuần sau sinh, khi lượng sữa mẹ đã ổn định.
Để làm được điều này, tốt nhất mẹ nên nằm chung phòng với bé sau khi sinh. Mặc dù có thể mẹ muốn để bé ở phòng ấp để được ngủ thẳng giấc, nhưng hầu hết các bệnh viện hiện nay đều có dịch vụ chăm sóc bé tận phòng. Hơn nữa các nghiên cứu cho thấy mẹ sẽ an tâm ngủ ngon hơn khi biết trẻ đang được các bác sĩ y tá chăm sóc tận tình ngay trong phòng. Ngoài ra, khi bé nằm cùng phòng với mẹ, mẹ sẽ đáp ứng được kịp thời khi bé có dấu hiệu đói. Việc này sẽ tránh được việc bổ sung nước hoặc sữa công thức một cách không cần thiết, giúp bé tiếp tục giữ được thói quen bú mẹ.
Trong trường hợp mẹ phải xa bé, mẹ hãy vắt sữa mẹ ra (bằng máy hoặc tay) để duy trì nguồn sữa. Hộ lý sẽ giúp mẹ cho bé bú bằng những phương pháp không dùng đến bình và núm ti, mà thay vào đó là ống tiêm hoặc ống bổ sung sữa (supplemental nursing system). Mẹ xem thêm bài Thiết bị hỗ trợ trẻ bú sữa. Những phương pháp này sẽ ít gây trở ngại nhất khi bé quay lại bú mẹ.
Trong những trường hợp nghiêm trọng hiếm gặp mà không dùng sữa mẹ được, thì mới tập cho trẻ bú bình với sữa công thức. Nhưng điều này sẽ khiến bé không nhận được những lợi ích to lớn từ sữa mẹ. Nếu gia đình bạn có tiền sử bị dị ứng, hãy tránh dùng sữa công thức, và tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi ngưng cho trẻ bú mẹ mà chuyển sang bú bình.
Khi nào thì có thể tập cho bé bú bình?
Một khi việc cho bé bú sữa mẹ tiến triển tốt, và nguồn sữa mẹ đã ổn định, thường là 3 – 4 tuần sau khi sinh, mẹ có thể thỉnh thoảng cho bé bú bình mỗi khi mẹ phải rời bé.
Nhưng lúc này mẹ không cần phải dùng sữa công thức thay thế đâu. Nếu mẹ vắt sữa mẹ vào bình trước và dự trữ, bé vẫn có thể tiếp tục được hưởng nguồn sữa mẹ quý giá. Thêm vào đó, việc thường xuyên vắt sữa sẽ giúp duy trì lượng sản xuất sữa của mẹ cho bé.
Tập cho bé bú bình ở giai đoạn này sẽ không gây ảnh hưởng đến thói quen bú mẹ của bé, nhưng nó có thể gây ra một vấn đề khác: ngực của mẹ có thể bị căng sữa, và có thể bị rỉ sữa. Mẹ có thể làm giảm tình trạng ngực căng sữa bằng cách vắt sữa; trữ sữa để thay thế sữa ở ngực khi mẹ đi vắng. Mẹ có thể dùng miếng đệm ngực để chống tình trạng sữa rỉ chảy.
Thỉnh thoảng mẹ hãy tập cho bé bú bình mỗi khi mẹ phải rời bé
Một số mẹ dùng miếng đệm ngực này liên tục trong 1 – 2 tháng đầu tiên trong gian đoạn cho con bú sữa tránh được tình trạng sữa vương trên áo. Mẹ hãy nhớ vắt hoặc hút sữa thường xuyên trong ngày để tránh căng tức hoặc ứ đọng sữa để tránh làm giảm nguồn sữa mẹ quý giá cho bé.
Đối với các bé bú mẹ, việc cai ti mẹ thường rất khó và sẽ cực kì vất vả cho cả 2 mẹ con khi mẹ hết thời gian nghỉ thai sản phải đi làm trở lại. Nhưng nếu mẹ bắt đầu quá sớm, sẽ ảnh hưởng không tốt đến nguồn sữa mẹ còn nếu quá trễ (sau 3 tháng) thì rất khó để bé chịu bú bình.
Tập cho bé bú bình như thế nào?
Ban đầu, mẹ nên để ai đó khác cho bé bú bình (như chồng, ông bà, hay người giữ trẻ). Điều này sẽ giúp trẻ dễ chấp nhận sự thay đổi này hơn vì một khi bé biết hoặc ngửi thấy mẹ ở gần đó thì chắc chắn bé không chịu bú bình đâu.
Khi tập cho bé bú bình, tư thế thoải mái nhất là ngồi trên ghế có tay vịn hoặc gối để tựa lên, và bế bé trong tay. Bế bé kiểu nửa ngồi nửa nằm, nhớ đỡ đầu bé và hơi quay ra ngoài. Không nên cho bé bú khi đang nằm ngửa, vì có thể làm bé sặc, cũng có thể làm cho sữa chảy vào tai giữa dẫn tới nhiễm trùng tai.
Mẹ có thể giúp bé làm quen với bình bằng cách để bé nghịch với bình sữa một chút, và tuyệt đối đừng ép bé bú. Nếu thực sự bé không chịu bú bình, cự tuyệt đến mức quấy khóc thì hãy tạm ngưng việc tập cho bé bú bình và thử lại sau một vài ngày tới.
Khi tập cho bé bú bình, mẹ nhớ giữ bình sữa nghiêng sao cho sữa đầy cổ bình và núm ti lúc cho bé bú. Việc này sẽ ngăn bé nuốt không khí khi mút, tránh đầy bụng. Để khiến bé mở miệng ngậm lấy núm ti, kích thích phản xạ mút ở trẻ bằng cách dùng núm ti vuốt nhẹ môi dưới hoặc cằm trẻ. Khi núm ti ở trong miệng trẻ, trẻ sẽ bắt đầu mút và nuốt một cách tự nhiên.
Làm gì khi bé không chịu bú bình?
Mẹ có thể thử nhiều nhiệt độ sữa khác nhau để xem bé thích cái nào nhất. Có bé thích sữa ấm như sữa mẹ, có bé lại thích lạnh hơn một chút. Mẹ cũng có thể thử nhiều loại núm ti khác nhau để xem bé thích loại nào, và nhớ làm mềm chúng bằng cách ngâm trong nước đã đun sôi còn ấm nhé!
Nếu bé thực sự không chịu bú bình, hãy thử cho bé uống bằng muỗng hoặc bình tập uống có tay cầm. Bé 6 tháng tuổi hoàn toàn có thể uống sữa từ ly nhỏ. Thực tế, một số bé chuyển thẳng từ bú mẹ sang uống bằng ly mà không phải đi qua giai đoạn bú bình.
Khi cho bé bú, mẹ nên thư giãn, trò chuyện với bé để cả 2 mẹ con đều cảm thấy thoải mái. Sự gần gũi khi cho bé bú là cơ hội để mẹ thể hiện tình yêu dành cho con đồng thời giúp mẹ và con hiểu nhau hơn. Khi mẹ thư giãn và vui vẻ, bé sơ sinh cũng sẽ phản ứng lại khá tốt. Còn nếu mẹ lo lắng hoặc cảm thấy không hứng thú, bé có thể có cảm giác tiêu cực và dẫn tới tình trạng bé không chịu bú bình.