Hội chứng trẻ quấy khóc về đêm- Colic là trạng thái trẻ khóc không ngừng vào chiều, tối hoặc vào giữa khuya khiến cha mẹ hết sức lo lắng. …
Tâm sự của bé:
Bình thường tớ chỉ khóc khi tã ướt, đói, sợ hãi hoặc mệt mỏi. Nhưng từ khi tớ bị Colic thì tớ cứ khóc mãi không thôi, tớ khóc to và thảm thiết hơn nhiều, đặc biệt vào buổi tối khiến cả nhà căng thẳng lắm. Cũng phải thôi vì mọi người đi làm cả ngày đã mệt, muốn về nhà chơi với tớ mà tớ thì cứ khóc oa oa cả đêm thế này ai chả mệt mỏi nhỉ.
Tớ vừa khóc vừa nắm chặt các ngón tay, lưng cong lên, mặt đỏ lừ, chân tay duỗi thẳng ra, có khi tớ còn vừa khóc vừa xì hơi nữa chứ. Mẹ sợ đến xanh mặt khi lần đầu tiên nhìn thấy tớ bị như vậy. Bố mẹ lo lắng lắm nên đã dẫn tớ đi khám bác sĩ. Bác sĩ chẩn đoán tớ bị Colic, có nghĩa là hội chứng trẻ quấy khóc về đêm.
Colic là gì và triệu chứng ra sao?
Colic là thuật ngữ dùng để mô tả trạng thái khóc không ngừng ở trẻ nhỏ có thể chất khỏe mạnh. Trẻ thường quấy khóc vào chiều tối hoặc buổi tối, lặp lại hơn 3 ngày/ tuần và kéo dài từ 3 tuần trở lên. Hiện tượng này diễn ra khoảng 3 giờ mỗi ngày trong 6 tuần đầu, sau đó giảm xuống còn 1-2 giờ/ngày ở giai đoạn trẻ được khoảng 3-4 tháng tuổi.
Cứ trung bình 5 bé thì lại có 1 bé mặc phải hội chứng trẻ khóc quấy. Hầu hết các bé khóc không thể kiểm soát, có khi còn hét, co hết chân lên và ợ hay xì hơi, có bé còn trương bụng lên. Hiện nay vẫn chưa có một giải thích nào cho hiện tượng Colic. Chỉ biết rằng, bé có sự nhạy cảm bất thường với sự kích thích hoặc không thể nào tự điều chỉnh hệ thống thần kinh còn non nớt của mình khi còn sơ sinh.
Trong một vài trường hợp, Colic còn là dấu hiệu sự nhạy cảm của bé với thức ăn trong sữa mẹ, nhưng rất hiếm khi xảy ra dị ứng với protein trong sữa công thức. Một vài bé bị Colic có biểu hiện đầy hơi do nuốt quá nhiều khí trong khi khóc quá nhiều, vì vậy trên thị trường có một số loại bình có tên gọi ‘Bình chống Colic’ (Bình Avent, bình Dr Brown và Tommee Tippee) để giúp giảm bớt triệu chứng đầy hơi trong khi bé bị Colic chứ không phải bình giúp bé hết hẳn hiện tượng Colic.
Chữa Colic thế nào?
Nếu trẻ quấy khóc khoảng 3 tiếng vào chiều tối hoặc tối, sau đó yên lặng trong vài giờ và trong ngày không quấy khóc thì mẹ không có gì phải lo lắng. Hiện tượng này sẽ tự hết trong vòng vài tuần cho đến 3-4 tháng mà không cần can thiệp y khoa. Có chăng là cả bé và bố mẹ đều mệt mỏi vì tiếng khóc của bé. Hy hữu lắm mới kéo dài tới khi bé được 6 tháng tuổi.
Trung bình có khoảng 30% trẻ em bị “tiểu yêu” Colic ghé thăm. Con số thật không hề nhỏ nhỉ!Vì nguyên nhân của hiện tượng chưa giải thích được nên mẹ chỉ có thể giúp bé dễ chịu, ít khóc quấy khi có hiện tượng Colic mà thôi. Bằng cách nào, các mẹ tham khảo một số gợi ý bên dưới nhé:
- Cho bé nằm úp bụng trên chân mẹ và xoa lưng bé. Áp lực lên phần bụng trong khi mẹ xoa lưng làm bé dễ chịu hơn. Mẹ có thể vuốt ve chân, tay, bụng bé và nhờ bố làm vậy với mẹ nữa, siêu dễ chịu luôn đó mẹ.
- Mẹ ôm bé và đung đưa nhẹ hay ôm bé và nhảy theo nhạc nhẹ nhàng làm cả mẹ lẫn con đều thư giãn. Mẹ tuyệt đối không nên lắc mạnh bé nguy hiểm có thể sẽ dẫn tới mù lòa, chấn thương não hoặc nguy hiểm tới tính mạng con.
- Cho bé nghe một số âm thanh ù ù như tiếng máy hút bụi hoặc máy sấy, li tâm quần áo cũng khiến một số bé nín khóc.
- Đưa bé đi dạo trên xe đẩy hoặc địu bé đi chơi.
- Quấn bé trong tấm khăn rộng, mỏng để bé cảm thấy mình được an toàn và ấm áp.
- Cho bé ngậm núm vú giả.
- Cho bé nghe nhạc nhẹ nhàng như (âm thanh của thiên nhiên: tiếng gió thổi, nước chảy, chim hót; nhạc ru bé ngủ của Việt Nam và nước ngoài (lullaby songs).
Bé hay khóc đêm thường khiến mẹ mệt mỏi, nhưng bố mẹ đừng cáu gắt bé hay tự trách bản thân mình nhé vì đó không phải là lỗi của ai hết. Mẹ chỉ cần nhớ rằng, hội chứng trẻ quấy khóc về đêm – Colic này sẽ nhanh chóng hết khi bé được 3-4 tháng tuổi mà thôi. Nếu nhờ được chồng, người thân giúp đỡ để mẹ nghỉ ngơi, mẹ đừng ngần ngại gì hết. Khi nào quá cáu giận khi không thể làm bé ngưng khóc, mẹ nên ngừng trông coi bé một lúc cho đỡ stress nhé!
Hội chứng trẻ quấy khóc – Colic phòng tránh được không?
Khó có thể phòng tránh được hiện tượng Colic. Nhưng nếu mẹ nghĩ rằng chứng Colic có liên quan tới việc cho bé bú, bé ăn, bé đầy hơi khó chịu, mẹ có thể làm giảm đi số lần bé khóc bằng cách:
- Giảm hiện tượng đầy hơi cho bé: nâng đầu bé cao hơn người khi cho bú, không cho bé bú nhiều quá khiến bé chưa kịp đói (sau 2.5h đến 3h bú 1 lần là vừa), cho bé ợ trong và sau khi cho bú.
- Hỏi bác sĩ về việc dùng Probiotics (ví dụ: chủng Lactobacillus reuteri) hoặc thảo dược loại nào an toàn giúp cho bé dễ tiêu hóa hay ngủ ngon hơn trong trường hợp bác sĩ có kinh nghiệm thực tế. Hiện này, chưa có đầy đủ thông tin khoa học chứng minh giải thích cho việc này.
- Nếu bé bú mẹ hoàn toàn, mẹ giảm bớt các sản phẩm dễ khiến bé đầy hơi như sữa và chế phẩm sữa, lạc, cà phê, hành lá và hành tây, cải bắp, súp lơ xanh sôcôla, yaourt, phó mát, đậu nành, trứng. Nếu bé bú sữa công thức và bị dị ứng với prôtêin có trong sữa bò thì mẹ có thể chuyển sang sữa công thức thủy phân hoặc sữa đậu nành. Nếu bé giảm bớt hiện tượng Colic trong vòng vài ngày sau khi áp dụng, chứng tỏ bé đã bị Colic do quá nhạy cảm với một số thành phần có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức nguồn gốc từ sữa bò.
- Theo dõi thời gian tỉnh dậy của bé hàng ngày, bé ngủ đủ và đều đặn hàng ngày sẽ ít bị Colic hơn. Với bé sơ sinh, mỗi lần bé thức, chỉ sau 45 phút bố mẹ nên cho bé ngủ lại. – Tránh kích thích bé nhiều như cho đi chơi ở khu vui chơi ồn ào đông đúc, đi chơi quá lâu vào buổi chiều sau 16h.
Khi nào nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhỉ?
Ngoài các biểu hiện của hội chứng trẻ quấy khóc trên, mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng sau:
- Do bé bị Colic vẫn bú và tăng cân bình thường, mẹ hãy cho bé đi khám nếu bé sút cân hoặc ngừng tăng cân
- Không thể dỗ bé nín.
- Bé không mút đủ mạnh để sữa vào miệng
- Bé không thích ai bế hoặc chạm vào
- Bé khóc rất lạ, cứ như đang quá đau đớn thì có thể do bé bị ngã, bị thương chứ chưa hẳn là Colic
- Tiêu chảy hoặc đi ngoài ra máu
- Khó thở
- Bé sốt từ 38⁰C trở lên
- Bé ăn ít đi hoặc nôn trớ
- Bé đi tiểu ít hẳn đi.
- Bé lớn hơn 4 tháng vẫn còn bị Colic.