Cùng bé chơi trò chơi trong những ngày mưa là điều rất thú vị. Ba mẹ có thể tạo những trò chơi cho bé chơi mà không cần tốn nhiều tiền bạc hay công sức.
-
Bé chơi trò chơi thổi bong bóng
Hầu hết trẻ con đều thích được chạy nhảy, đuổi theo những bong bóng xà phòng đầy màu sắc. Những bình dung dịch để thổi bong bóng bán sẵn thường rất rẻ nhưng để bé chơi trò chơi này được an toàn, mẹ nên đổ dung dịch đó đi và thay thế bằng nước sạch + xà phòng rửa chén đĩa hoặc sữa tắm.
Một vài cửa hàng đồ chơi còn bán loại bong bóng xà phòng “khổng lồ” thứ có thể khiến trẻ con phấn khích tột độ mà không phải tốn nhiều tiền.
-
Cùng bé chơi trò chơi “Đây là món gì vậy?”
Để chơi trò chơi này, mẹ hãy cho nhiều loại trái cây cắt nhỏ, thạch jelly…vào một cái bát nhựa, che mắt bé khi cho bé ăn để bé thử đoán xem đó là loại trái cây/thức ăn nào. Hoặc ngược lại, để bé che mắt bạn và bạn đoán xem bạn đang ăn thức ăn nào. Thỉnh thoảng nếu mẹ giả vờ đoán sai sẽ làm bé rất hào hứng đấy 😉
-
Chơi trò chơi “Đây là cái gì vậy?”
Tương tự như trò đoán thức ăn, bạn có thể cho nhiều món đồ chơi/đồ vật vào trong hộp, che mắt bé, cho bé sờ món đồ chơi đó và đoán xem đó là món đồ nào. Ưu tiên chọn những món đồ chơi có hình dạng và bề mặt đặc biệt để kích thích xúc giác và trí não của bé.
Cùng bé chơi trò chơi “Đây là cái gì vậy”?
-
Chơi trò chơi giả làm các con vật
Con voi có cái vòi dài thật dài, con chó sủa gâu gâu, con mèo kêu meo meo…bằng việc đổi từ con vật này sang con vật khác, buổi sáng hay buổi chiều của cả nhà sẽ qua đi thật nhanh chóng khi chơi trò chơi này nay trong ngày mưa đấy.
-
Các trò chơi nghệ thuật hoặc cùng bé vẽ ra một câu chuyện về chính bé:
Vẽ tranh, chơi đất nặn, xé và dán giấy màu là các trò chơi cho bé thỏa sức sáng tạo và chơi lâu không chán. Chỉ cần vẽ nguệch ngoạc vào một quyển truyện, bố mẹ cũng có thể tự viết ra một câu chuyện về bé đấy.
-
Chơi trò chơi xếp hình lego, xếp các mẩu gỗ
Với các mẩu xếp hình nhiều màu, bố mẹ có thể cùng bé chơi trò chơi xếp tháp, ngôi nhà hay rất nhiều mô hình, mẫu đồ vật khác nhau thật sinh động nữa.
-
Cho bé xem hình ảnh của bé và bố mẹ từ lúc nhỏ đến lớn
Bố mẹ có thể chỉ và gợi nhớ cho con nhiều sự kiện đã qua của con như. “Con nhìn này, đây là lần đầu con biết đi đấy, đây là ảnh cưới của bố mẹ, lúc đó con còn chưa ra đời đâu…”
-
Cùng bé chơi trò chơi với Flashcard và thẻ nhớ hình
Có rất nhiều bộ Flashcard với hình các con vật, số đếm, trái cây, rau củ bố mẹ có thể cùng con vừa học vừa chơi. Đặc biệt nếu có những hình giống nhau để con thi xem ai có thể chọn ra được nhiều bộ hình giống nhau nhất. Thường các bé gần 3 tuổi chơi trò chơi này hào hứng hơn các bé nhỏ hơn.
Cùng bé chơi trò chơi Flashcard và thẻ nhớ hình
-
Đọc sách cho bé
Ở độ tuổi từ 2 tuổi trở lên, có rất nhiều từ vựng bé chưa biết. Khi đọc sách cùng bé, bố mẹ có thể vừa chỉ, vừa hỏi để bé nói tên con vật, đồ vật và cho bé mô tả thêm, cái đó màu gì, hình gì…việc tương tác này sẽ khiến bé thích thú hơn nhiều khi chỉ đọc cho bé nghe. Có một số bé thể hiện sự hứng thú nhiều hơn nếu bố mẹ thay vì đọc tên con vật trong truyện thay bằng chính tên bé, bạn ABC đi chơi trong rừng, gặp 1 con hổ…
-
Chơi trò chơi bác sĩ
Hầu hết các bé đều thích làm bác sĩ hơn là làm bệnh nhân, nếu nhà có từ 2 bé đang chơi trò chơi này, bố mẹ nên cho các bé thay nhau làm bác sĩ để các bé khỏi tranh nhau.
-
Chơi múa hát
Nhiều bé có thể vừa hát, vừa múa rất nhiều bài ở độ tuổi này bằng giọng ngọng líu lo của mình, yêu ơi là yêu. Bố mẹ có thể tranh thủ ghi hình để làm kỉ niệm khi bé lớn lên đó, khi nào lớn lên bé sẽ nhìn vào những bộ hình này, để biết bố mẹ đã yêu con thế nào.
-
Chơi trò chơi giấu đồ
Chỉ cần vài cái cốc, bố mẹ có thể giấu 1 con xúc xắc hoặc đồng xu và cho bé đoán xem con xúc xắc đang nằm trong cốc nào. Bé sẽ tìm đến khi kiếm ra con xúc xắc mới thôi.
Và rất, rất nhiều trò chơi khác trong nhà bố mẹ có thể nghĩ ra để chơi cùng với con nữa đấy. Khi nào bé chán 1 trò chơi nào, bố mẹ có thể chuyển sang chơi trò chơi khác với bé.