Danh sách cần chuẩn bị trước khi mang thai cho cả vợ và chồng: Một số điều cần chuẩn bị trước khi mang thai như tâm lý, sức khỏe, tài chính,… sẽ giúp bạn và gia đình chủ động hơn trong việc đón chào thiên thần mới. Vì chuẩn bị sẵn sàng cho việc mang thai là điều rất quan trọng nếu bạn muốn có một em bé thông minh và khỏe mạnh.
I. Chuẩn bị trước khi mang thai: Dinh dưỡng cho cả 2 vợ chồng
1. Dinh dưỡng cho vợ
Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp bạn có được sức khỏe tốt, tạo nền tảng cơ bản cho việc thụ thai, nuôi dưỡng bào thai khỏe mạnh và an toàn.
Cân nặng cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng có con, do vậy việc chuẩn bị trước khi mang thai thật kỹ lưỡng với chế độ ăn uống hợp lý là điều hết sức quan trọng. Để chuẩn bị cho một thai kỳ hoàn hảo, bạn hãy xây dựng chế độ dinh dưỡng ngay từ bây giờ với những điều cần chú ý:
- Bổ sung acid folic từ thực phẩm hoặc viên uống trước khi mang thai 3 tháng và trong suốt quá trình mang thai để phòng ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Ăn các loại rau màu sậm (rau cải xanh, rau bina,…), các loại hạt, sữa, chuối, dưa hấu, hải sản,… để bổ sung acid folic.
- Bổ sung vitamin từ thực phẩm hoặc viên uống, vitamin A (có nhiều trong gan cá biển, cà rốt, bí ngô, cà chua,…) và vitamin C (có nhiều trong các loại trái cây tươi, rau,…).
- Bổ sung sắt giúp mẹ ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, và chúng có nhiều trong rau ngót, cá biển, thịt nạc, rau muống,…
- Bổ sung canxi đầy đủ giúp xương mẹ khỏe mạnh, vững chắc hơn và quan trọng hơn hết nếu mẹ không có nhiều canxi có thể dẫn đến tình trạng thai nhi bị còi xương, kém phát triển,… rất nguy hiểm.
- Cũng đừng quên bổ sung protein nữa nhé, dưỡng chất này có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa,…
Chuẩn bị trước khi mang thai: Dinh dưỡng cho vợ
2. Dinh dưỡng cho chồng
Nhưng đừng nghĩ rằng chỉ có cân nặng và dinh dưỡng của người mẹ mới ảnh hưởng đến bé con. Các ông bố tương lai cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc “sản xuất” ra một bé yêu khỏe mạnh đấy. Bổ sung dinh dưỡng hợp lý, ăn những thực phẩm có lợi để các ông bố có một đội quân tinh binh khỏe mạnh sẵn sàng làm nhiệm vụ là việc hết sức cần thiết.
Muốn vậy, các ông bố tương lai cần bổ sung nhiều hơn vitamin C, D, E, kẽm, canxi và cả acid folic nữa. Chúng đều rất quan trọng và ảnh hưởng đến chất lượng đội quân tinh binh của bố.
>> Sung sức và khỏe hơn với “chiến lược” dinh dưỡng khoa học cho chồng
II. Chuẩn bị trước khi mang thai: Sức khỏe – Tiêm phòng
1. Điều trị bệnh trước khi mang thai
Nếu đã lên kế hoạch có con, cũng là lúc bạn cần điều trị dứt điểm những bệnh phụ khoa lỡ mắc phải có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và mang thai như:
- U xơ, u nang, bướu thịt tử cung hoặc khối u lành tính.
- Lạc nội mạc tử cung.
- Viêm vùng chậu.
- Viêm đường tiết niệu hoặc những bệnh viêm nhiễm khác như viêm âm đạo.
- Bệnh lây qua đường tình dục khác.
Hoặc nếu bạn đang mắc phải các bệnh mãn tính như tiểu đường, hen suyễn, bệnh tim mạch, động kinh,…cần nói rõ tình trạng bệnh lý để bác sĩ tư vấn cho nhé.
2. Khám sức khỏe
Không phải vì phụ nữ là người trực tiếp mang thai mà các ông chồng cho phép mình lơ là sức khỏe khi hai vợ chồng đang lên kế hoạch sinh con đâu nhé. Sức khỏe của thai nhi sẽ được quyết định ngay từ giây phút thụ thai – tinh trùng gặp trứng nên việc khám tổng quát cho cả hai vợ chồng là rất cần thiết.
Bạn cần được kiểm tra tuyến giáp, cân nặng, xét nghiệm máu, nước tiểu,…và anh xã của bạn cũng sẽ được khám tổng quát để kiểm tra xem hai bạn có gặp vấn đề gì về sức khỏe hay không. Đặc biệt, nếu cả hai đã “quá” tuổi sinh sản (trên 35 tuổi), việc khám sức khỏe là hết sức quan trọng.
Khám sức khỏe là việc vợ chồng cần chuẩn bị trước khi mang thai để sớm gặt hái thành quả
>> Đàn ông chuẩn bị trước khi mang thai lần đầu cùng vợ ra sao?
3. Khám răng miệng
Bạn đừng đắn đo khi bỏ ra chút thời gian cho việc chăm sóc răng miệng nếu đã lên kế hoạch mang thai. Tại sao ư? Những biến đổi trong thai kỳ cộng thêm những vấn đề răng miệng tiềm ẩn nguy cơ gây hại có thể khiến bạn phải đối diện với nhiều rắc rối hơn cho chính mình và cho sức khỏe thai nhi.
- Với khuyến cáo không/hạn chế sử dụng thuốc tê khi chữa bệnh răng miệng cho phụ nữ mang thai, chắc chắn bạn phải chịu không ít đau đớn để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
- Chữa bệnh răng miệng khi mang thai còn làm tăng khả năng nhiễm trùng máu nữa các bạn ạ.
Hãy chăm sóc răng miệng thật tốt và gặp bác sĩ nha khoa nếu cả hai đã lên kế hoạch có con. Một nụ cười rạng ngời tự tin chắc chắn cũng là cách để bạn vượt qua một thai kỳ thành công như mong đợi.
4. Tiêm phòng trước khi mang thai
Đây là một trong những việc cực kỳ quan trọng và không thể “vắng mặt” trong danh sách cần chuẩn bị trước khi mang thai. Tại sao ư? Bởi khi mang thai, hệ thống miễn dịch cơ thể mẹ sẽ yếu hơn bình thường. Do đó, nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm của mẹ cũng vì vậy mà tăng lên. Dù sao “phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh” và việc tiêm phòng trước khi mang thai là cách tốt nhất để bảo vệ thai nhi tránh khỏi các bệnh nguy hiểm như Rubella, viêm gan B… Đây cũng là cách tốt để bảo vệ cho cả mẹ nữa, tránh những rủi ro đáng tiếc.
Tuy nhiên, không phải muốn tiêm vacxin nào cũng được bạn nhé, vài loại vacxin bạn cần lưu ý:
- Các loại vacxin sống như chủng ngừa sởi, quai bị, rubella (MMR), bạn được khuyến cáo không nên thụ thai trong vòng 3 tháng sau khi tiêm.
- Vacxin ngừa uốn ván, bạch hầu, ho gà (Tdap) có thể được tiêm trong khi bạn đang mang thai.
- Vacxin ngừa cúm thì có thể được tiêm trước hoặc trong khi mang thai tùy thuộc vào thời điểm (đang có dịch cúm hay không).
Chuẩn bị trước khi mang thai: Tiêm phòng đầy đúng thời điểm
Vì vậy, để đảm bảo cho một thai kỳ khỏe mạnh bạn nên biết mình cần tiêm vacxin gì? Khi nào? Ở đâu?…Và đừng quên chồng bạn cũng cần tiêm vacxin đấy!
>> Liệu có nên tiêm phòng trước khi mang thai?
>> Nên tiêm phòng trước khi mang thai bao lâu là phù hợp?
>> Tiêm phòng cúm trước khi mang thai có tác dụng trong bao lâu?
III. Chuẩn bị trước khi mang thai: Luyện tập thể dục, tăng cường thể lực
1. Tập luyện phù hợp
Bạn có thể nán chờ tới lúc có thai mới bắt đầu chương trình tập thể dục, nhưng việc đảm bảo thể chất khỏe mạnh trong những ngày đầu thai kỳ là vô cùng quan trọng. Do vậy, việc tập luyện không nên “vắng mặt” trong kế hoạch chuẩn bị trước khi mang thai bạn nhé. Những lớp tập yoga, bơi lội, tập cardio đều đặn…hoặc bài tập đơn giản nhất là đi bộ mỗi ngày sẽ giúp bạn duy trì tốt thói quen này trong suốt thai kỳ.
Hơn hết, nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc thụ thai do mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang hoặc bị thừa cân thì thói quen này sẽ giúp bạn cải thiện khả năng sinh sản.
Cũng đừng quên rủ anh xã tập luyện cùng nhé, vì sức khỏe của ông bố tương lai cũng không kém phần quan trọng trong 90 ngày trước khi thụ thai. Việc tập luyện sẽ đảm bảo anh xã có đội quân tinh binh khỏe mạnh mà còn tạo động lực để bạn duy trì thói quen tốt này nữa.
>> Tập thể dục trước khi mang thai đúng cách là nền tảng để mẹ bầu khỏe mạnh
2. Hạn chế thói quen xấu
Hãy xem lại lối sống của hai vợ chồng có thật sự “đúng” và “sẵn sàng” để có em bé? Hai bạn có tập thể dục thường xuyên? Có chế độ ăn uống lành mạnh? Và bạn đã có chiến lược chuẩn bị trước khi mang thai thật khoa học chưa?
Nếu câu trả lời là chưa, vợ chồng bạn hãy chấn chỉnh những thói quen hàng ngày, tuân thủ những quy tắc ăn uống lành mạnh và đừng quên cắt giảm những thứ có hại cho sức khỏe lúc này như rượu, bia, cà phê, thuốc lá,…nhé!
>> Để bé con khỏe mạnh, ba mẹ cần nắm rõ những nguyên tắc này!
IV. Chuẩn bị trước khi mang thai: Kiến thức về thụ thai
1. Hiểu biết về cơ quan sinh dục
Có em bé là một quyết định trọng đại. Tuy nhiên không phải cứ muốn có em bé là được, nhiều cặp vợ chồng mất khá nhiều năm và thử khá nhiều cách nhưng vẫn không thành công. Tại sao ư? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả này nhưng một trong số đó có thể là do kiến thức về thụ thai bị sai lệch, chưa đúng.
Việc hiểu về đặc điểm cơ quan sinh dục nữ cũng như nam là rất cần thiết. Và nhiều câu hỏi về quá trình này được đặt ra như hết kinh bao nhiêu ngày thì rụng trứng? Cách tính ngày rụng trứng cho vòng kinh không đều? Vòng kinh 28 ngày rụng trứng vào ngày nào? Tương tự vậy, vòng kinh 29 hay 30 ngày thì sao? Hay tinh trùng và trứng sống được bao lâu?… Trong đó, cách tính ngày rụng trứng là điều quan trọng nhất mà bạn cần lưu tâm nếu muốn thụ thai hiệu quả.
Chuẩn bị trước khi mang thai: Cần hiểu rõ về cơ quan sinh dục cả nam và nữ
>> Giải mã những bí ẩn về “cô bé”
>> Kích thước “cậu nhỏ” có ảnh hưởng đến cuộc yêu và khả năng thụ thai?
2. Thụ thai
Sẽ hoàn toàn sai lầm nếu bạn nghĩ tư thế quan hệ không ảnh hưởng đến kết quả thụ thai. Hầu hết các tư thế đều mang lại khoái cảm nhưng tư thế “yêu” đúng cách sẽ giúp đội quân tinh binh của chàng dễ dàng đi vào “nhà” nàng hơn. Có thể hai bạn rất siêng làm “chuyện ấy” nhưng nếu việc này diễn ra không đúng thời điểm trong tháng thì thật đáng tiếc.
Chuẩn bị trước khi mang thai, bạn cần biết thời điểm quan hệ nào để dễ có thai nhất? Cách quan hệ để dễ thụ thai? Hãy chậm lại và suy nghĩ kỹ hơn để những việc mình làm thu được kết quả tốt. Bí kíp để thụ thai thành công là hãy quan hệ trước thời điểm rụng trứng và đừng lo vì tinh trùng có thể sống 3 đến 5 ngày trong tử cung phụ nữ.
>> Cách thụ thai – 10 quan niệm sai lầm
>> Mẹo tính ngày rụng trứng để có con như ý!
Trước đây con người luôn quan niệm sinh con là lẽ tự nhiên và trời sẽ quyết định giới tính của con, nhưng ngày nay khoa học đã phát triển và dần chứng minh tư thế quan hệ góp phần quyết định giới tính của thai nhi đấy.
3. Cách nhận biết có thai bằng que thử thai
Và tất nhiên, khi đã lên kế hoạch có con chắc hẳn bạn đã tìm hiểu cách nhận biết có thai rồi. Một trong những cách nhận biết đơn giản và tiện lợi nhất đó là que thử thai. Có thể nói không có phương pháp thử thai nào đơn giản như dùng que thử thai, bởi chúng luôn kèm theo hướng dẫn cụ thể từng bước bạn phải làm.
Thế nhưng, sử dụng que thử thai thế nào cho đúng không phải ai cũng biết. Hơn nữa, kết quả que thử thai còn liên quan đến nhiều yếu tố như thời điểm thử thai, thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng, que thử còn hạn sử dụng và không bị hư hại,…Vài vấn đề liên quan đến việc sử dụng que thử thai bên dưới sẽ giúp bạn sử dụng đúng cách:
>> Que thử thai và một số thắc mắc liên quan
>> Cách nhận biết có thai chính xác
4. Ngưng sử dụng các biện pháp tránh thai
Nghe có vẻ hơi lạ nhưng nhiều chị em lại quan hệ mà quên bẳng là mình đang áp dụng phương pháp tránh thai đấy.
Với những chị em đang sử dụng thuốc tránh thai cần ngưng sử dụng thuốc để các cơ quan sinh sản hoạt động tự nhiên trở lại và được khuyến cáo nên ngưng sử dụng ít nhất 2 chu kỳ kinh nguyệt rồi mới nên có thai. Sau 2 chu kỳ kinh, bạn có thể bắt đầu với việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt mới và thời điểm rụng trứng để quan hệ vợ chồng đúng và sát ngày rụng trứng tăng xác xuất thụ thai.
Với những chị em đang sử dụng vòng tránh thai cũng đừng quên gỡ vòng nhé. Tình trạng sẩy thai vì quên tháo vòng cũng không hiếm đâu.
Chuẩn bị trước khi mang thai cần “rà soát” kỹ những biện pháp tránh thai mình đang sử dụng nhé
5. Bảo vệ sức khỏe sinh sản
Nạo hút thai có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh con sau này và hậu quả của quá trình nạo hút thai để lại thường là tắc vòi trứng, tổn thương dính ở cổ tử cung hoặc dính ở buồng tử cung gây khó khăn cho việc thụ thai và nặng hơn có thể gây vô sinh.
Nếu chẳng may sẩy thai hoặc trót có thai ngoài ý muốn, bạn phải cân nhắc kĩ trước khi nạo phá thai. Nếu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phá thai, bạn nên đến những bệnh viện lớn để làm thủ thuật phá thai đối với những thai nhỏ (dưới 2 tháng tuổi), như vậy sẽ ít biến chứng hơn là phá khi thai đã lớn.
6. Độ tuổi ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Một điều quan trọng bạn cần biết nữa là cơ hội thụ thai còn giảm theo độ tuổi. Ở độ tuổi 20, khả năng thụ thai của chị em cao gấp đôi so với tuổi 30 vì chất lượng và số lượng trứng sẽ tỷ lệ nghịch với vấn đề tuổi tác. Chất lượng trứng cũng theo đó mà suy giảm dần, đến tuổi 35 khả năng thụ thai sẽ khó khăn hơn nhiều.
>> Tuổi tác ảnh hưởng thế nào đến khả năng thụ thai của phụ nữ?
V. Chuẩn bị trước khi mang thai: Tâm lý – Tài chính
1. Tâm lý vợ chồng trong giai đoạn mong con
Hẳn bạn cũng biết, tâm lý mong con còn bị ảnh hưởng bởi ông bà, cha mẹ nữa cơ, chuyện này không phải hiếm nhé. Chẳng hạn cha mẹ mong muốn có cháu bế bồng hối thúc vợ chồng trẻ là chuyện thường thôi, hay vì gia đình đã có nhiều bé gái/trai và mong muốn có bé khác giới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý vợ chồng.
Các nghiên cứu cho thấy, trong thời gian chuẩn bị trước khi mang thai nếu phụ nữ thường bị stress sẽ có khả năng thụ thai thấp hơn những người có tâm trạng vui vẻ. Vì vậy, hãy tự thưởng cho mình những buổi tối nghỉ ngơi, thư giãn,… vì còn nhiều thay đổi khác nữa trong quá trình mang thai mà bạn cần chuẩn bị tâm lý để đối mặt.
Hoặc nếu vợ chồng bạn đã “quá” tuổi sinh sản thì hãy chuẩn bị tâm lý vì việc có con sẽ chẳng dễ dàng như những cặp vợ chồng trẻ. Nhưng đừng vội nản chí, việc bình tĩnh và trấn an nhau để tìm hướng giải quyết quan trọng hơn là ngồi đó than vãn. Hơn hết, cả hai cần có những kiến thức đúng đắn về vấn đề thụ thai để việc quan hệ hiệu quả hơn. Và cũng đừng quá nôn nóng trong chuyện này vì mang thai – sinh con là chuyện trọng đại, nôn nóng chẳng tốt tí nào.
>> Có con nếu “quá tuổi sinh sản”? Chuyện nhỏ ấy mà!
2. Chuẩn bị tài chính
Mong muốn sinh ra những bé con ngoan, thông minh là niềm ao ước của các cặp vợ chồng. Vì thế, ngoài sự chuẩn bị tốt về mặt sức khỏe, những kiến thức đúng đắn về quá trình thụ thai, vợ chồng bạn cần sẵn sàng về mặt tâm lý và cả vấn đề tài chính nữa.
Khi sinh một đứa con, bạn sẽ phải chi tiêu rất nhiều, từ bỉm, sữa, cho đến những vấn đề lớn hơn như khi con bị bệnh, đi học. Do đó, vợ chồng bạn hãy cân nhắc vấn đề tài chính một cách thấu đáo để chắc chắn mình đủ khả năng lo cho cuộc sống của con và cho con một tương lai tốt đẹp.
Hy vọng những gợi ý chuẩn bị trước khi mang thai ở bài viết này sẽ tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm cho hành trang mà bạn và anh xã đã chuẩn bị cho kế hoạch mang thai, sinh con của mình.