Đau đầu ở trẻ em thường không nghiêm trọng, tuy nhiên một số trường hợp cũng có thể dẫn đến tình trạng mãn tính. Do vậy, mẹ cần sớm phát hiện các triệu chứng của bé và đưa bé đi chẩn đoán sớm để có biện pháp can thiệp phù hợp.
Các triệu chứng đau đầu ở trẻ em
Đau đầu ở trẻ em cũng có những loại tương tự như người lớn, nhưng triệu chứng có thể có khác biệt. Ví dụ như chứng đau nửa đầu ở người lớn thường bắt đầu vào buổi sáng sớm nhưng ở các bé có thể xuất hiện vào buổi trưa hoặc buổi chiều. Ngoài ra chứng đau nửa đầu ở các bé có thể kéo dài ít hơn 4 giờ trong khi ở người lớn chứng đau nửa đầu kéo dài ít nhất 4 giờ trở lên. Vì vậy rất khó để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau đầu ở các bé.
Dưới đây là một số chứng đau đầu thường xảy ra ở các bé:
– Chứng đau nửa đầu (migraine)
- Đau đầu theo nhịp mạch đập hoặc đau âm ỉ
- Cơn đau thường xuất hiện vào các buổi trưa hoặc chiều, kéo dài ít hơn 4 giờ
- Cơn đau nặng hơn khi gắng sức
- Buồn nôn và nôn
- Đau bụng
- Chóng mặt
- Nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn
- Bé sơ sinh cũng có thể mắc chứng đau nửa đầu, bé có thể sẽ ôm đầu và khóc (nếu bé còn quá nhỏ chưa thể nói bé đau đầu như thế nào).
- Bé cáu kỉnh, ít hoạt động bình thường hơn, nhìn tái nhợt hoặc đỏ ửng.
– Đau đầu căng cơ /căng thẳng: Đau đầu căng cơ có thể là do bé có những vấn đề khiến căng thẳng đầu óc và cơ thể. Cơn đau đầu ở trẻ em có những triệu chứng sau:
- Cảm giác bị đè ép ở các vùng trán và thái dương, giống như bé đang bị quấn chặt một chiếc băng cao su quanh đầu
- Đau âm ỉ hai bên đầu từ mức độ nhẹ tới trung bình
- Hoạt động thể chất không làm đau đầu tăng lên
- Đau đầu nhưng không kèm theo nôn ói, buồn nôn
- Bỏ chơi, hay buồn ngủ (đối với các bé còn nhỏ).
Đau đầu do căng cơ có thể kéo dài từ 30 phút đến vài ngày.
– Đau đầu từng cụm: Đau đầu từng cụm thường không phổ biến ở các bé dưới 12 tuổi. Đây là loại đau đầu dạng nặng, có tính chu kỳ, thời kì đau dữ dội và lặp đi lặp lại trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, sau đó đến thời kì không đau. May mắn là loại đau đầu này rất hiếm gặp ở các bé nhỏ hơn 10 tuổi và chỉ xuất hiện khoảng 0.1% ở bé từ 10 – 18 tuổi. Các bé trai thường mắc chứng đau đầu từng cụm hơn các bé gái. Các triệu chứng chính của loại đau đầu này bao gồm:
- Đau đầu dữ dội từng đợt 5 cơn trở lên ở một bên đầu, kéo dài khoảng 15 phút tới 3 tiếng
- Đi kèm với đỏ mắt và chảy nước mắt cùng bên đau, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đổ mồ hôi, da tái và có thể bị sụp mí mắt.
– Đau đầu mạn tính hàng ngày: Nếu bé bị đau nửa đầu hoặc đau đầu căng cơ nhiều hơn 15 ngày một tháng và nhiều hơn 3 tháng, có nghĩa là bé đã bị đau đầu mạn tính hàng ngày. Dạng đau đầu có thể xảy ra do nhiễm trùng, chấn thương đầu nhẹ hoặc sử dụng thuốc giảm đau quá nhiều (ngay cả khi đó là thuốc được bác sĩ kê toa).
– Đau đầu do bệnh lý hoặc chấn thương:
- Viêm màng não: một bệnh lý nhiễm trùng nặng ở trẻ em, có thể có những triệu chứng sau: Đau đầu, sốt, nhạy cảm với ánh sáng, buồn nôn và nôn, cứng cổ, rối loạn tri giác, khó chịu, hôn mê.
- Chấn thương đầu: Có thể xảy ra tại nhà, trường học hoặc trong khi bé đang chơi đùa. Bé có thể có những triệu chứng sau: Đau đầu, mất ý thức, buồn nôn và nôn.
Chẩn đoán các cơn đau đầu ở trẻ em
Để chẩn đoán một cơn đau đầu ở trẻ em, bác sĩ sẽ dựa vào việc hỏi bệnh, khám bệnh và khám thần kinh cho bé. Nếu như bé bình thường và chỉ có đau đầu là triệu chứng duy nhất, bé sẽ không cần xét nghiệm gì thêm. Trong một vài trường hợp, cần những xét nghiệm hình ảnh để xác định chẩn đoán hoặc loại trừ những chẩn đoán còn nghi ngờ. Các xét nghiệm này bao gồm:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Giúp bác sĩ chẩn đoán khối u, nhiễm trùng và các tình trạng khác có thể gây ra đau đầu.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI scan): Cho những hình ảnh rõ nét hơn về não bộ của bé, từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán khối u, đột quỵ, phình động mạch, vấn đề thần kinh và những bất thường khác của não. Ngoài ra chụp MRI cũng có thể giúp kiểm tra các mạch máu dẫn tới não.
- Chọc dò tủy sống: Giúp chẩn đoán viêm màng não, viêm não hoặc nhiễm trùng hệ thần kinh của bé.
Xem thêm:
Nguyên nhân gây ra tình trạng đau đầu ở trẻ em
Phương pháp điều trị và phòng ngừa những cơn đau đầu ở trẻ em