Dây rốn quấn cổ và thắt nút dây rốn là biến chứng thai kỳ có thể hình thành trong khi mang thai hoặc trong quá trình chuyển dạ. Nếu nút thắt dây lỏng lẻo thì không có vấn đề gì cho mẹ và bé, trường hợp ngược lại sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi.
Chiều dài của dây rốn phản ánh cử động của thai nhi. Dây rốn quá dài có thể đi kèm với thắt nút dây rốn, quấn dây rốn, dây rốn quấn cổ hay huyết khối dây rốn.
Chiều dài của dây rốn rất đa dạng, trung bình khoảng 55 cm, đường kính 1- 2cm, và 11 vòng xoắn. Khoảng 5% dây rốn có chiều dài ngắn hơn 35 cm, và 5% dây rốn dài hơn 80 cm. Các nguyên nhân gây ra sự khác biệt về chiều dài của dây rốn hiện vẫn chưa được biết rõ.
Dây rốn quấn cổ hay tràng hoa quấn cổ là gì?
Đây là 1 biến chứng thai kỳ khi dây rốn trở nên rối, thắt nút dây hoặc bị cuộn lại xung quanh thai nhi. Thường dây rốn bị cuộn ở xung quanh cổ thai nhi sẽ được gọi là tràng hoa quấn cổ hay dây rốn quấn cổ, và nếu dây rốn quấn cổ 1 vòng thì gọi là tràng hoa quấn cổ 1 vòng.
Thắt nút dây rốn là gì?
Một số dây rốn hình thành nút thắt dây trong quá trình chuyển dạ hoặc trong thai kì khi thai nhi di chuyển. Chỉ cần thắt nút dây rốn lỏng lẻo thì không có vấn đề gì cho thai nhi.
Tuy nhiên, nếu nút thắt dây trở nên quá chặt có thể sẽ cản trở việc tuần hoàn máu từ nhau tới thai nhi và gây thiếu oxy. Trường hợp này hiếm khi xảy ra nhưng một khi đã xuất hiện thì sẽ xảy ra trong quá trình chuyển dạ khi thai nhi di chuyển xuống qua âm đạo.
Nút thắt dây rốn có thể làm tăng nguy cơ sảy thai gấp 4 lần ở phụ nữ mang thai, do việc chèn ép mạch máu khi nút thắt trở nên quá chặt.
Dây rốn quấn cổ và thắt nút dây rốn có phổ biến không?
Dây rốn quấn cổ xảy ra phổ biến hơn, khoảng ¼ số ca mang thai, nhưng rất hiếm khi gây ra những nguy cơ cho thai nhi.
Thắt nút dây rốn chỉ xuất hiện với tỉ lệ khoảng 1% và chỉ có 1/2000 trường hợp dây rốn thắt đủ chặt để có thể gây ra những vấn đề cho thai nhi trong lúc chuyển dạ.
Mẹ và thai nhi có dây rốn dài hoặc những bào thai có kích thước lớn so với tuổi thai sẽ có nguy cơ bị thắt nút dây rốn cao hơn.
Một số nhân tố khác có thể làm tăng hiện tượng thắt nút dây rốn như: sự thiếu hụt dinh dưỡng trong thai kỳ ảnh hưởng tới cấu trúc và khả năng bảo vệ của dây rốn, mẹ hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động, sử dụng chất kích thích, đa thai hay đa ối.
Dấu hiệu nào giúp mẹ sớm phát hiện tình trạng dây rốn quấn cổ và thắt nút dây rốn?
Dấu hiệu phổ biến nhất của thắt nút dây rốn là thai nhi giảm hoạt động sau tuần thứ 37. Nếu thắt nút dây rốn xảy ra trong quá trình chuyển dạ, thai nhi cần được giám sát để phát hiện được bất thường của nhịp tim thai.
Nếu mẹ bị dây rốn quấn cổ (tràng hoa quấn cổ), bác sĩ có thể phát hiện bằng siêu âm màu Doppler, có độ nhạy hơn 90%.
Làm gì để phòng tránh biến chứng nguy hiểm của việc thắt dây rốn và tràng hoa quấn cổ?
Mẹ có thể để mắt tới hoạt động của thai nhi, đặc biệt là giai đoạn sau của thai kỳ, bằng cách đếm số lần đạp của thai nhi. Nếu mẹ thấy có bất kì sự thay đổi nào đặc biệt trong hoạt động của thai nhi thì mẹ nên đi khám bác sĩ ngay.
Vào những tháng cuối thai kỳ, hãy để mắt đến hoạt động của bé hơn mẹ nhé
Nếu trong quá trình chuyển dạ của mẹ, dây rốn đang lỏng bắt đầu quấn chặt hơn, bác sĩ sẽ phát hiện ra điều này nhờ nghe nhịp tim thai nhi và đề xuất cách xử lý để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Nếu tình hình dây rốn quấn cố hay tràng hoa quấn cổ trở nên nghiêm trọng, bác sĩ thường khuyên mẹ sinh mổ để đảm bảo tính mạng của thai nhi.
>> Mẹ có thể tham khảo thêm vấn đề về dây rốn qua bài viết Mối nguy hiểm sa dây rốn mẹ có thể gặp phải.