Nhiều mẹ hay nhầm lẫn sốt phát ban ở trẻ em là một một bệnh lý, tuy nhiên trên thực tế sốt phát ban chỉ là một danh từ chung chỉ triệu chứng sốt có kèm theo phát ban mà thôi. Trẻ bị sốt phát ban có thể do nhiều bệnh lý khác như bệnh sởi, rubella, sốt xuất huyết Dengue, thủy đậu,…gây ra.
Bệnh sởi, rubella, sốt xuất huyết Dengue, thủy đậu là những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sốt phát ban. Các triệu chứng và dấu hiệu của các bệnh lý này lại tương tự nhau khiến nhiều mẹ khá lo lắng và không biết liệu bé yêu nhà mình có đang mắc phải bệnh lý gì nguy hiểm không. Tuy nhiên trên thực tế ngoài dấu hiệu đặc trưng là sốt và phát ban ra thì mỗi bệnh lý sẽ kèm theo nhiều dấu hiệu điển hình khác nữa, mẹ có thể tham khảo những triệu chứng dưới đây để tự mình “bắt bệnh” mỗi khi bé bị sốt phát ban nhé.
1. Sốt phát ban ở trẻ em do bệnh sởi
Nếu bị sốt phát ban do bệnh sởi, bé sẽ trải qua 2 giai đoạn dưới đây
- Thời kỳ khởi phát. Trong giai đoạn này bé xuất hiện những triệu chứng không điển hình như sốt nhẹ đến vừa, thường kèm ho, sổ mũi, đỏ mắt và đau họng, kéo dài khoảng 2 – 3 ngày. Khi kiểm tra họng có thể thấy những chấm trắng nhỏ khoảng 1 mm mọc bên trong má (ngay với răng hàm thứ nhất), những chấm này còn được gọi là đốm Koplik.
- Thời kỳ toàn phát. Bé bắt đầu phát ban, trước tiên ở mặt, đặc biệt là phía sau tai và dọc theo đường chân tóc, sau đó phát ban lan xuống cánh tay và thân, đến đùi, cẳng chân và bàn chân. Phát ban sởi thường có màu hồng nhạt, mất đi khi ấn vào và thường kết dính. Ban mọc thưa thớt khi bị sởi nhẹ, nhưng bé nào bị sởi nặng các nốt ban có thể mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi ban xuất huyết cơ thể kèm chảy máu mũi, miệng, xuất huyết tiêu hóa. Cũng trong thời gian này, bé sẽ thường sốt cao từ 40-41oC. Sau đó các phát ban sởi dần dần lặn đi, nhạt màu dần đầu tiên ở mặt và cuối cùng là đùi và bàn chân.
Hiện vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh sởi, tuy nhiên mẹ có thể giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn bằng cách cho bé uống nhiều nước và nghỉ ngơi đầy đủ. Nếu sốt khiến bé cảm thấy khó chịu mẹ có thể cho bé uống acetaminophen hoặc ibuprofen. Tuyệt đối không cho bé uống Aspirin vì Asiprin được cho là có liên quan đến hội chứng Reye ở trẻ, đậy là một hội chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan và não bộ của bé, nguy hiểm hơn có thể gây tử vong
2. Sốt phát ban ở trẻ em do bệnh rubella
Sốt phát ban ở trẻ em cũng có thể do bệnh Rubella (còn gọi là bệnh sởi Đức hay sởi 3 ngày) gây ra. Khi bị nhiễm vi rút Rubella, thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 2-3 tuần, sau đó bé sẽ xuất hiện 3 triệu chứng đặc trưng của bệnh là sốt, phát ban và sưng hạch bạch huyết.
- Sốt. Từ 1-2 ngày đầu bé có thể bị sốt nhẹ (khoảng từ 37.2-37.8oC). Sau khi phát ban thì sốt giảm đi.
- Sưng hạch. Hạch bạch huyết bị sưng và mềm (tình trạng này thường xảy ra ở các hạch ở cổ hoặc phía sau tai). Hạch thường bị sưng trước phát ban và tồn tại một vài ngày sau khi ban bay hết.
- Phát ban. Phát ban là dấu hiệu mà mẹ có thể nhận thấy rõ nhất khi bé bị Rubella. Đầu tiên, ban thường mọc ở trên đầu, mặt, rồi sau đó mọc khắp toàn thân. Nốt ban có hình tròn hay bầu dục, đường kính khoảng chừng 1-2mm, các nốt ban có thể hợp thành từng mảng hay đứng riêng rẽ. Trong vòng 24 giờ ban có thể mọc khắp người, tuy nhiên chỉ sau 2-3 ngày là bay hết.
Ở các bé, bệnh rubella thường không quá nghiêm trọng và có thể được chăm sóc tại nhà. Thông thường khi bị bệnh Rubella, bé sẽ tự khỏi bệnh (ngoại trừ các trường hợp diễn tiến nặng dẫn đến biến chứng).
3. Sốt phát ban ở trẻ em do bệnh sốt xuất huyết Dengue
Sốt xuất huyết Dengue hay còn gọi là sốt xuất huyết gây ra bởi vi rút Dengue lan truyền thông qua muỗi Aedes. Vi rút Dengue có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4 thuộc chi Flavivirus. Bé bị nhiễm chủng nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Vì vậy, nếu bé sống trong vùng lưu hành dịch Dengue và đã mắc tuýp DEN -1 thì vẫn có thể mắc các tuýp còn lại, do đó mẹ đừng chủ quan rằng bé đã từng bị sốt xuất huyết thì sẽ không bị nữa.
Sốt xuất huyết dengue có đặc trưng là sốt kéo dài từ 2-7 ngày kèm theo các triệu chứng như:
– Đau cơ, mỏi cơ lưng, đau xương khớp
– Xuất huyết thường xuất hiện vào ngày thứ 3 hoặc khi nhiệt độ giảm với các triệu chứng như:
- Xuất hiện chấm hay mảng xuất huyết ở da
- Chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu đường tiêu hóa, đi ngoài phân đen
- Tiểu ra máu
- Xuất huyết não- màng não.
- Toàn thân mệt mỏi, có biểu hiện sốc hoặc tiền sốc như:
+ Hạ thân nhiệt, da tái, ẩm, vã nhiều mồ hôi
+ Mạch nhanh, yếu
+ Huyết áp hạ.
Hiện vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị sốt xuất huyết Dengue, do đó việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ và giúp giảm các triệu chứng của bệnh. Nếu bé bị sốt xuất huyết Dengue, mẹ cần cho bé nhập viện để nhận được chăm sóc y tế đặc biệt
4. Sốt phát ban ở trẻ em do bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rạ) do virus varicella – zoster gây ra cũng là một trong những nguyên nhân gây sốt phát ban ở trẻ em. Thủy đậu là bệnh rất dễ lây lan, gây ngứa và xuất hiện mụn nước khắp cơ thể. Trung bình mỗi lần phát ban trẻ có từ 250 – 500 đốm đỏ trên da, những đốm này xuất hiện thành cụm từ 2-4 ngày, sau đó phát triển thành những mụn nước, tiếp đó, những mụn nước này vỡ ra và để lại những vết thương hở, cuối cùng chúng đóng vảy tạo ra những vảy khô có màu nâu.
Trong một số trường hợp, bé vẫn có thể bị mắc bệnh mặc dù đã được tiêm ngừa vắc-xin phòng ngừa thủy đậu. Tuy nhiên, trong trường hợp này số lượng mụn nước sẽ ít hơn (chỉ dưới 30 nốt), bé cũng sẽ hồi phục nhanh hơn so với những người chưa được tiêm vắc-xin.
Ngoài ra, khoảng từ 1-2 ngày trước khi phát ban, bé có thể có một số dấu hiệu của bệnh thủy đậu như:
- Sốt từ 38oC-39,4oC)
- Nhức đầu
- Chán ăn
- Đau dạ dày
- Đau họng
- Cảm giác mệt mỏi.
Hầu hết các bé khi bị thủy đậu thường ở dạng nhẹ và mẹ có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Việc điều trị chỉ nhằm mục đích làm giảm triệu chứng khi mắc bệnh thủy đậu như ngứa, sốt, cảm giác khó chịu đồng thời giảm nguy cơ biến chứng. Trong trường hợp bé xuất hiện các dấu hiệu dưới đây, mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay
- Sốt kéo dài trên 4 ngày hoặc thân nhiệt tăng lên hơn 38,80C.
- Ho hay khó thở.
- Có một vùng phát ban bị rỉ mủ (chất dịch sền sệt, màu vàng nhạt), đỏ, sưng, nóng và gây đau.
- Đau đầu dữ dội
- Uể oải, buồn ngủ và không muốn thức dậy
- Đi lại khó khăn
- Trẻ bị lú lẫn
- Mệt mỏi và kèm theo nôn ói
- Cứng cổ.