Chăm sóc bà mẹ sau khi sinh là việc rất quan trọng, vì lúc này bạn có thể phải đối mặt với khá nhiều thay đổi cơ thể sau sinh như những cơn đau thể xác, những triệu chứng khó chịu và cả những thay đổi tâm lý nữa, và có lẽ nó sẽ gây không ít phiền toái cho bạn.
Thay đổi tâm lý của mẹ trong tuần đầu sau sinh
Giây phút mà bạn đã chờ đợi trong suốt 40 tuần (hoặc nhiều hơn thế) và những ngày tháng mang nặng đẻ đau đã trôi qua, bây giờ bạn đã chính thức lên chức mẹ cùng niềm vui đầy ắp khi ẵm bé yêu trên tay.
Nhưng quá trình chuyển tiếp từ lúc mang thai đến kỳ hậu sản lại mang đến nhiều vấn đề cần quan tâm hơn chỉ là một đứa bé. Thời kỳ sau khi sinh cũng đầy rẫy những triệu chứng mới lạ, những cơn đau, cả những thay đổi về mặt tinh thần và chắc hẳn những thay đổi cơ thể sau sinh này sẽ gây không ít phiền toái cho bạn.
Bạn sẽ có rất nhiều thắc mắc, từ việc tại sao tôi lại đổ mồ hôi nhiều quá vậy? Tại sao tôi lại có những cơn co thắt tử cung dù tôi đã sinh bé rồi? Tôi sẽ có thể ngồi bình thường lại như trước không?… cho tới những câu hỏi như: Tại sao sau khi sinh cơ thể tôi nhìn cứ như lúc đang mang thai tháng thứ 6 vậy?; hay: Tôi đang mang bộ ngực của ai trên người vậy nè?,…
Để giải đáp những câu hỏi trên, bạn cần tích lũy thêm kiến thức thông qua những bài đọc với chủ đề hậu sản thích hợp với nhu cầu của bạn. Tuy nhiên, điều này có vẻ khá khó khăn, vì một khi bạn đã thực sự gánh vác trách nhiệm của một người mẹ thì việc dành một chút thời gian để đọc cái gì đó (hay thậm chí là chỉ đi vệ sinh thôi) cũng không phải là chuyện dễ dàng.
Trong tuần đầu tiên sau khi sinh, tùy vào tình hình sinh nở của bạn (bạn sinh khó hay dễ, sinh thường hay sinh mổ) và những yếu tố khác mà bạn sẽ trải nghiệm tất cả, hoặc chỉ một vài những triệu chứng, cảm giác về tinh thần sau đây:
- Phấn khởi, rầu rĩ, hay lúc thì phấn khởi, lúc thì rầu rĩ.
- Những bà mẹ son thì hay bồn chồn, bối rối về cách chăm sóc bé, đặc biệt là khi lần đầu làm mẹ.
- Cảm giác thất vọng khi gặp khó khăn với việc cho bé bú.
- Cảm giác choáng ngợp trong những thay đổi về tinh thần, thể chất, và việc hậu cần mà bạn phải đối mặt.
- Cảm giác háo hức với khởi đầu một cuộc sống cùng bé yêu.
Thể chất của mẹ trong tuần đầu sau khi sinh
Những thay đổi về thể chất bạn có thể gặp sau khi sinh như:
- Xuất huyết âm đạo (hiện tượng máu chảy từ tử cung sau sinh) gần giống như hiện tượng hành kinh mỗi tháng.
- Cơn đau quặn ở bụng (đau hậu sản) như tử cung co thắt.
- Mệt mỏi gần như kiệt sức.
- Nếu bạn sinh thường (đặc biệt khi bạn có những vết khâu vùng âm đạo), thì trong tuần lễ đầu tiên sau sinh, bạn có thể sẽ cảm thấy khó chịu, đau, hoặc tê tê ở vùng đáy chậu.
Những thay đổi cơ thể sau sinh các mẹ nên biết để có cách xử lý phù hợp
- Nếu bạn sinh mổ, bạn có thể cũng cảm thấy khó chịu ở khu vực đáy chậu, vùng này có thể bị đau và hơi sưng sau khi sinh. Bạn nhớ là phải vệ sinh cẩn thận vùng này miễn là máu vẫn chảy.
- Nếu bạn sinh mổ (đặc biệt là lần sinh mổ đầu tiên), bạn có thể cảm thấy đau ở vết rạch mổ và sau đó là tê tê ở khu vực đó. Các mũi khâu sẽ biến mất trong khoảng 2 tuần mà không cần phải loại bỏ. Da bạn sẽ lành trong khoảng 2-3 tuần.
- Nếu bạn được cắt tầng sinh môn (hỗ trợ quá trình sinh nở) hoặc bạn sinh mổ, bạn sẽ cảm thấy khó chịu khi ngồi hoặc đi lại.
- Tiểu tiện khó khăn trong vòng một hay hai ngày.
- Táo bón, đại tiện khó khăn là một trong những triệu chứng thường gặp trong những ngày đầu tiên sau khi sinh. Mẹ có thể ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc, đồng thời uống nhiều nước để giảm táo bón.
- Trĩ – tiếp diễn từ thai kỳ hoặc mới phát triển do quá trình rặn đẻ.
- Đau nhức toàn thân, đặc biệt nếu bạn rặn đẻ quá nhiều trong lúc sinh.
- Rụng tóc, mắt đỏ ngầu, quầng thâm mắt hay những đốm xanh đen nổi ở hai má và một vài chỗ khác trên cơ thể (hậu quả của quá trình rặn ráng quá sức)!
- Đổ mồ hôi đầm đìa, đặc biệt vào buổi tối.
- Khó chịu và cảm giác căng tức ở ngực, đặc biệt vào ngày thứ 3 hoặc 4 sau khi sinh em bé, khi mà lượng sữa của mẹ tăng lên. Mục đích của việc này nhằm giúp tăng khả năng sản xuất sữa. Nếu mẹ đang cho con bú thì thường sẽ giúp vú mẹ mềm và ngăn căng tức.
- Đau hoặc nứt nhũ hoa có thể xuất hiện khi bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ.
- Kinh nguyệt của mẹ có thể không trở lại khi cho con bú. Nếu có, thì nó cũng không ảnh hưởng tới việc cho con bú nhưng có thể làm giảm lượng sữa mẹ đi một tý. Uống nhiều nước sẽ giúp ổn định lượng sữa hơn đấy.